leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn tại phiên họp Quốc hội vừa qua. Ảnh: VPQH cung cấp

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chủ trương đổi mới sách giáo khoa phổ thông theo hướng từ trang bị kiến thức chuyển sang phát triển năng lực của học sinh là hướng đi đúng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có một số sai sót, nhưng đây không phải là những sai sót đến mức nghiêm trọng và có thể điều chỉnh, sửa đổi được. Không nên chỉ vì một vài "hạt sạn” mà nghi ngờ cả một chủ trương.

Thế nhưng, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội thì sách giáo khoa cho học sinh phải là thước đo sự chuẩn mực trong giáo dục. Vì thế, không thể chấp nhận các “hạt sạn” này. Điều quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng các bộ sách giáo khoa sắp xuất bản, trong đó có việc “nhặt sạn” trước khi phát hành.

Ai cũng biết rằng, để có được bộ sách giáo khoa chất lượng, cần có nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người trong quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, lấy ý kiến... có vai trò quyết định. Vì thế, rất cần có sự lựa chọn kỹ lưỡng những con người ở vị trí đặc biệt này.

Bên cạnh đó, các dự thảo, bản thảo sách giáo khoa cần được công bố rộng rãi để tranh thủ ý kiến góp ý, phản biện từ xã hội. Cần khuyến khích các thành viên trong xã hội, nhất là các thầy giáo, cô giáo “nhặt sạn” trong sách giáo khoa. Ngoài ra, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật về bản quyền trong việc xin phép, xin ý kiến đối với các tác giả, những người có quyền sở hữu đối với tác phẩm được chọn. Đặc biệt, quy trình thẩm định để quyết định việc sử dụng sách giáo khoa phải gắn với trách nhiệm cá nhân.

Cuối cùng, cần có chế tài xử lý nghiêm túc các cá nhân không làm tròn trách nhiệm, để lọt “sạn” vào sách.

ĐỖ PHÚ THỌ