QĐND - Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-liệt sĩ (27-7) năm nay, có hai cựu chiến binh vừa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận Thương binh, là hai trường hợp đặc biệt được dư luận hết sức quan tâm.
Trường hợp thứ nhất là ông Tô Đình Cắm, sinh năm 1922, ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng; hiện thường trú tại huyện Đạ Tẻn, tỉnh Lâm Đồng; là người duy nhất trong số 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-tiền thân của QĐND Việt Nam-còn sống đến hôm nay.
Trường hợp thứ hai là ông Phan Hữu Được, sinh năm 1949, ở huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, nhập ngũ năm 1970, chiến đấu ở chiến trường miền Nam, bị thương mất trí nhớ và thất lạc đơn vị, vừa được đón về quê nhà sau 40 năm được công nhận là liệt sĩ…
Hai thương binh thuộc hai thế hệ và có hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có những điểm chung, đó là: Do hoàn cảnh chiến tranh và nhiều lý do chủ quan, khách quan khác… nên đã thất lạc hết giấy tờ và các tài liệu liên quan, nên đã chịu thiệt thòi trong nhiều năm qua. Tuy vậy, trước khi được chính thức hưởng chế độ thương binh theo quy định của Nhà nước, hai cựu chiến binh trên đây đã được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cả cộng đồng về vật chất, tinh thần và tích cực xúc tiến các thủ tục về chế độ chính sách cho họ. Cụ thể như trường hợp ông Tô Văn Cắm đã luôn nhận được sự quan tâm của nhân dân và chính quyền sở tại. Gần đây nhất, Bộ Quốc phòng và Quân khu 7 đã ủng hộ gia đình ông 200 triệu đồng để xây ngôi nhà mới, thay thế ngôi nhà tình nghĩa do địa phương xây tặng từ lâu đã xuống cấp. Còn ông Phan Hữu Được, sau gần hai tháng trở về quê, đã được các ngành, các cấp và rất nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước đến thăm hỏi, tặng quà, giúp ông chữa bệnh và sớm ổn định cuộc sống… Trước đó, trong những ngày phiêu bạt, ông đã được nhiều bà con giúp đỡ, cưu mang, giúp ông tìm về quê hương…
Câu chuyện hai thương binh và hàng triệu tấm lòng tri ân, báo đáp trên đây gợi lên nhiều vấn đề về truyền thống đạo lý của dân tộc, về chủ trương xã hội hóa công tác thương binh liệt sĩ, về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách đãi ngộ đối với người có công của Đảng và Nhà nước ta… Thực tế vẫn còn rất nhiều trường hợp những người có công, nay còn sống hoặc đã qua đời, nhưng vì những lý do đặc biệt nên chưa được tôn vinh và hưởng thụ quyền lợi xứng đáng. Điều đó đòi hỏi các ngành, các cấp và toàn xã hội phải cố gắng hơn nữa, quan tâm hơn nữa. Bởi sự tri ân không bao giờ đủ!
MAI NAM THẮNG