Đóng góp vào những chiến công vĩ đại trên đây có công sức, trí tuệ và cả xương máu của các thế hệ văn nghệ sĩ cách mạng. Văn học, nghệ thuật (VHNT) kháng chiến viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là một bộ phận hết sức quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, những năm gần đây do tác động của cơ chế thị trường, của sự bùng nổ thông tin thời đại kỹ thuật số, của không khí dân chủ, của hội nhập và toàn cầu hóa... cùng nhiều lý do khách quan và chủ quan khác, mảng văn học này đang có những hiện tượng đáng quan tâm về số lượng và chất lượng tác phẩm, về đội ngũ sáng tác và phương pháp sáng tác, về nhu cầu-thị hiếu của độc giả, về trách nhiệm của các nhà quản lý...

Ngày nay, bên cạnh đội ngũ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến phần lớn đã vào tuổi “cổ lai hy”, đã hình thành một thế hệ nhà văn được chuẩn bị kỹ về văn hóa, điều kiện sống và điều kiện học tập. Tuy nhiên, khả năng phân tích các sự vật, hiện tượng và các tài liệu từ nhiều nguồn của “thế giới phẳng” như thế nào để hiểu ra bản chất cuộc chiến tranh lại là vấn đề không dễ đối với các nhà văn trẻ. Ấy là chưa kể, khi họ dấn thân cho một đề tài đòi hỏi trách nhiệm và nghĩa vụ công dân cao như viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng thì đừng để họ bị thiệt thòi hơn các nhà văn viết các đề tài “ăn khách” khác. Điều đó đòi hỏi Nhà nước phải có các hình thức đầu tư chiều sâu cho họ, bảo đảm những quyền lợi vật chất và tinh thần để họ yên tâm, hứng khởi sáng tác. Đặc biệt, cần có một bầu không khí nghề nghiệp cởi mở, có tính chuyên nghiệp cao để quy tụ và tổ chức cho các nhà văn, trước hết là nhà văn trẻ, sinh hoạt nghề nghiệp một cách hữu ích và hiệu quả.

Tuy nhiên, dẫu sáng tạo VHNT là lĩnh vực đặc thù, cần một khoảng tự do cá nhân cần thiết… nhưng quyết không phải là tự do vô hạn độ như không ít người ngộ nhận. Đổi mới, cách tân, thể nghiệm... kiểu gì cũng không thể trái ngược, xa lạ với văn hóa Việt Nam, cũng phải trên tinh thần của giá trị chân-thiện-mỹ.

MAI NAM THẮNG