Chuyện một anh lo quà tặng phải cầu kỳ tìm trên mạng rồi gửi ảnh các mẫu váy áo cho từng đứa cháu ở quê, bởi nếu đứa nào không thích là nhất quyết không mặc. Còn các cụ, có phải ai cũng thích, cũng hợp các loại sữa đắt tiền hay yến sào, đông trùng hạ thảo? Cứ phải hỏi han kỹ lưỡng. Chuyện nhà khác bàn bạc đến nát nước mà vẫn chưa ra được quyết định sẽ đi du lịch trong nước hay ngoài nước để vừa lòng tất cả...
Cuộc sống khấm khá hơn, nhu cầu Tết của mỗi nhà, mỗi người cũng khác, cũng mới lên, đa dạng, khó chiều. Cái lo ăn Tết nhẹ đi, cái lo vui Tết, chơi Tết lớn lên là thế. Nhưng xu hướng đa dạng, cá nhân hóa có làm giảm đi niềm vui, ý nghĩa của Tết, xuân cộng đồng, nguồn cội?
Quanh năm bận rộn nên dịp Tết là nhà này lên kế hoạch về quê thăm ông bà, họ hàng.
Anh kia chúc Tết thầy cô giáo cũ cùng người thân, bạn bè ngay trong thành phố mà cả năm không thể gặp. Anh khác lại thích lượn một vòng phố phường, chợ hoa, cây cảnh... Nhưng tất cả các anh đều lập tức nhất trí khi ý kiến đóng góp tiền, sách, đồ dùng học tập và quần áo để đám con cháu đem tặng mấy nơi xa. Và nữa, các anh hẹn nhau cùng đi hội làng quê mình, quê bạn lúc ra xuân...
Vậy đấy, dù xã hội phát triển đa dạng, tân tiến lên nhiều song tình cảm của sum vầy, gia đình, gắn kết nguồn cội, cộng đồng vẫn cứ truyền lan trong mỗi thế hệ. Đó là giá trị thiêng liêng mà gần gũi, hội tụ niềm vui muôn vẻ của mỗi người dân.
NGUYỄN ANH