Một buổi tối, anh em tôi ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, bà nội bảo: Sáng mai cho mấy đứa đi chợ Keo sắm Tết với bà. Nghe bà nói vậy, chúng tôi nhảy cẫng lên sung sướng.

leftcenterrightdel

Chợ Tết vùng cao.   Tranh của LÊ TIẾN VƯỢNG

 

 

Sáng dậy, tôi mặc chiếc áo bông, rồi theo bà đi chợ. Cả năm tôi chưa được đi chợ nên đến chợ tôi rất thích thú. Chợ Tết quê đông nghịt người, với nhiều sản vật, cây đào, cây quất... mang đặc trưng văn hóa của nền sản xuất nông nghiệp. Dẫn tôi đến hàng bán lá dong, bà bấm đốt ngón tay nhẩm tính rồi mua, sau đó bó tròn lại, đưa tôi ôm, rồi bà tìm chỗ mua lạt. Bà bảo, gạo nếp, đỗ xanh, nhà đã có rồi; thịt lợn thì đã ăn đụng với 3 nhà hàng xóm. Gần trưa, bà xếp đồ Tết vào hai chiếc thúng và cho tôi một hào để mua kẹo vừng, còn mấy hào bà dành để sáng mồng Một Tết mừng tuổi các cháu.

 Mấy chục năm trôi qua, làng tôi giờ đã là làng nông thôn mới. Chợ Keo khang trang hơn xưa. Việc gói bánh chưng vẫn còn, nhưng cảnh mấy nhà ăn đụng một con lợn thì gần như không còn nữa. Những bà nội dẫn cháu đi chợ mua sắm đồ Tết cũng thưa vắng bởi trong làng có nhiều cửa hàng với cơ man hàng hóa, thành thử, tôi luôn thấy nhớ cảnh chợ quê ngày Tết năm nào. 

Đất nước phát triển, cuộc sống nhiều đổi thay nhưng những phiên chợ quê ngày Tết vẫn mang đến nhiều giá trị văn hóa và tình cảm quê hương, giúp những "tài sản" ấy thấm sâu vào tâm hồn mỗi con người. Chợ Tết quê xưa và nay vẫn vậy, tại đây, chúng ta dễ dàng cảm nhận được sự nhọc nhằn của mẹ, nỗi vất vả của cha; bâng khuâng với hương vị quen thuộc của quê hương và không khí rộn ràng mỗi dịp Tết đến, xuân về. Cảm nhận được vẻ đẹp của những phiên chợ Tết cũng là điều nhắc nhở chúng ta, nhất là thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Vì vậy, tất cả chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy nét đẹp, giá trị ấy.

GS, TS NGUYỄN CHÍ BỀN