Ngày 2-9-1945, sau khi Bác Hồ đọc "Tuyên ngôn độc lập" ở Quảng trường Ba Đình, trưa hôm đó, nhiều người dân Lệ Thủy đã làm mâm cơm để mừng nước nhà độc lập. Dù chỉ có cơm trắng, khoai sắn, rau xanh trong vườn nhà... nhưng đó là mâm cơm của người dân tự do. Từ đó đến nay, vào ngày Tết Độc lập hằng năm, các gia đình ở Lệ Thủy đều làm mâm cơm bày lên bàn thờ để thắp hương, khấn nguyện tổ tiên và các anh hùng liệt sĩ phù hộ cho đất nước thái bình, phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
|
|
Mâm cỗ trong ngày lễ Độc lập ở Cao nguyên Mộc Châu. (Ảnh: Điêu Chính Tới/TTXVN) |
Ngày Tết Độc lập, người dân Lệ Thủy dù đi đâu, ở đâu cũng đều trở về quê để sum họp với gia đình, bạn bè. Họ dành thời gian thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách và các cụ già, cháu nhỏ. Họ cùng nhau ra ngoài sông Kiến Giang hò reo, khoát nước cổ vũ đua thuyền truyền thống trong niềm hân hoan, hạnh phúc vô bờ...
Tết Độc lập ở Lệ Thủy là nét văn hóa độc đáo, đặc sắc, trở thành giá trị to lớn trong không gian đời sống tinh thần của nhân dân.
Cùng với sự phát triển của đất nước, mâm cơm ngày Tết Độc lập trong mỗi gia đình Lệ Thủy ngày càng tươm tất, thịnh soạn. Không có gì giản dị, thuyết phục hơn hình ảnh đó để nói về mục đích, ý nghĩa, thành quả của một cuộc cách mạng “long trời lở đất”, đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước.
Đó là cuộc cách mạng của dân, vì dân, do nhân dân thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, mang lại những quyền lợi vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tết Độc lập ở Lệ Thủy là lẽ tự nhiên khi nguyện vọng, tình cảm của nhân dân hòa quyện cùng mục tiêu chính trị của Đảng trong dòng chảy lịch sử và đã trở thành biểu tượng văn hóa sâu sắc, bền vững.
TRẦN HOÀI