Không chỉ tập hợp được hàng triệu quần chúng nhất tề đứng lên, Đảng và Bác Hồ còn tập hợp được đông đảo nhân sĩ trí thức, trong đó nhiều người từng phục vụ trong chế độ cũ, cùng các chức sắc tôn giáo, các đoàn thể xã hội... Tất cả đều hăng hái tham gia cách mạng, tạo nên sức mạnh vô bờ bến của lòng dân.

Ngày ấy, sức hấp dẫn và cảm hóa của cách mạng, của Bác Hồ là vô cùng kỳ diệu. Bởi cách mạng thể hiện ý chí nguyện vọng của toàn dân, nên đã kết tinh được trí tuệ và sức mạnh toàn dân. Sức mạnh ấy bắt nguồn từ niềm tin của nhân dân đối với cách mạng, thông qua lời nói và việc làm của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là những tấm gương hy sinh vì nước, vì dân của các chiến sĩ cách mạng.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 350 giúp nhân dân xã Ninh Tiến, TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) gặt lúa.

Ngày nay, người ta thường nhắc đến “chỉ số hạnh phúc” khi xếp hạng trình độ văn minh của các quốc gia, dân tộc. Đấy là sự hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần, là sự an yên của lòng dân và an toàn xã hội. Đấy là một xã hội lý tưởng “vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn”, “khắp thôn cùng xóm vắng không có tiếng hờn giận oán sầu...” như Nguyễn Trãi từng ước mơ sau công cuộc bình Ngô đại thắng.

Cổ nhân dạy: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Bất kỳ thể chế chính trị nào thì người lãnh đạo và quản lý cũng phải gương mẫu trong hành xử, trong lối sống, trong quan hệ, phải biết đặt lợi ích nhân dân lên trên hết. Ngược lại thì lòng dân sẽ bất an, xã hội sẽ bất ổn. Xây dựng văn hóa lãnh đạo và quản lý trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý về đạo đức, năng lực, phong cách...

Đó phải thực sự là những công bộc tận tụy của nhân dân. Đó là nhân tố giữ gìn, vun đắp bản chất nhân văn của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được khơi nguồn từ mùa Thu năm 1945.

MAI NAM THẮNG