Bên rặng cây ven làng cũng mỗi lúc đông hơn, có tốp người đi khảo sát, vận động hiến đất mở rộng đường; có các nhóm người đào hố trồng thêm rặng cây và hoa... Thấy nhóm nào, việc gì cũng có nhiều người cao tuổi tham gia, chúng tôi cất lời thăm hỏi. Mấy bác trai, bác gái cười hể hả: “Làng tôi vui thế đấy, việc gì cũng có trẻ, có già. Chúng tôi được sống mùa xuân thứ hai của cuộc đời”.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 6 giúp nhân dân làm đường giao thông nông thôn. 

Trò chuyện chúng tôi mới biết, ngày cuối tuần này không chỉ người cao tuổi ở quê rảnh rang khỏi việc trông nom lũ trẻ ở nhà mà bạn bầu cùng trang lứa của họ từ các tỉnh, thành phố xa cũng về thăm quê, góp chút công sức, tiền của cho việc làng và trực tiếp kèm cặp, dìu dắt lớp cán bộ trẻ. Mùa xuân thứ hai của họ là vậy.

Tôi hiểu thế hệ tuổi hơn 60, 70 đều đã trải qua những năm tháng chiến tranh và nghèo đói, khó khăn mọi bề. Tiếp bước thế hệ Cách mạng Tháng Tám của ông cha, chính họ đã hợp thành “lớp cha trước, lớp con sau” tự nguyện dâng hiến, xông pha cả trong thời chiến trận lẫn trong những năm tháng hòa bình, khôi phục, xây dựng đổi mới toàn diện đất nước.

Chính bởi sự vô tư, trong sáng của họ đã dẫn đến chút băn khoăn là sau lớp người này, ai sẽ là người đứng ra “vác tù và hàng tổng” làm chi ủy viên, trưởng thôn, tổ trưởng, tổ phó khu dân cư... ở cơ sở làng xóm, phố xá? Quả thực khi chi bộ là trung tâm lãnh đạo, đoàn kết người dân nhưng thấy số đông đảng viên ở đây vẫn là các cụ ông, cụ bà thì băn khoăn là phải.

Chuyện xã Cương Gián cũng như nhiều làng mạc, phố phường nơi nơi đang không ngừng khởi sắc, phát triển từng ngày theo quy hoạch mới là những tín hiệu đáng mừng.

Khi “mùa xuân thứ hai” biết dìu dắt, hậu thuẫn, tin cậy người trẻ-"mùa xuân thứ nhất” thì đất nước đâu đâu cũng đậm sắc xuân.

NGUYỄN MẠNH