Theo đó, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập, có yếu tố nước ngoài, khi tổ chức lễ khai giảng không thực hiện nghi thức chào cờ, hát Quốc ca; trang trí khánh tiết không có cờ Tổ quốc và tượng Bác Hồ. Thay vào đó, họ sử dụng công nghệ thông minh, kỹ xảo, với hệ thống âm thanh lạ tai, hình ảnh lạ mắt.

Những năm học trước cũng đã có chuyện tương tự ở một số nơi.

Chuyện này không còn là công việc nội bộ của một trường, mà nó là vấn đề rất đáng quan tâm của ngành giáo dục và toàn xã hội. Đây không chỉ là ý thức, hành động thực hiện nghi thức mang tính bắt buộc trong môi trường học đường, mà nó là dẫn chứng phản ánh những bất cập, thách thức trong sự nghiệp giáo dục của đất nước hiện nay.

Ở đâu sao nhãng, coi nhẹ, khước từ hành động thể hiện tình yêu Tổ quốc trong môi trường học đường, thì ở đó, mục tiêu của giáo dục-đào tạo sẽ khó đi đúng hướng. Con em chúng ta học ở đó, tương lai sẽ trở thành những công dân như thế nào?

Đó cũng là dẫn chứng chứng minh, giáo dục có yếu tố nước ngoài, giáo dục tư nhân, ở nhiều nơi, ngoài trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng chuyên môn, những lĩnh vực về tư tưởng, chính trị, đạo đức công dân... có phải đang bị coi nhẹ? Đây là vấn đề lớn của giáo dục. Để giải quyết việc lớn, phải nghiêm túc chấn chỉnh, tuyệt đối không được coi nhẹ những biểu hiện “lệch chuẩn” ngay từ việc tưởng như là nhỏ. Bởi, nó chính là những mầm mống của suy thoái tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong giáo dục.

Tổ quốc trong học đường là giá trị thiêng liêng! Nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc là sự nghiệp trăm năm của giáo dục. Sự nghiệp ấy cần được vun trồng, chăm sóc mỗi ngày.

PHAN TÙNG SƠN