“Tỷ phú nông dân” là đại diện tiêu biểu cho những “nông dân chất lượng cao” thời hội nhập. Bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa, cạnh tranh kinh tế hết sức quyết liệt, muốn tăng sức cạnh tranh cho hàng nông nghiệp Việt Nam khi hội nhập thì phải làm cho hàng hóa có chất lượng cao. Mà muốn có hàng nông nghiệp chất lượng cao, trước hết phải có “nông dân chất lượng cao”.
Nông nghiệp Việt Nam có một thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân. Đó là một lợi thế rất lớn mà chúng ta chưa chú ý khai thác, thậm chí chúng ta đang “thua trên sân nhà”. Trong khi nông dân ra sức sản xuất hàng chất lượng cao phục vụ xuất khẩu (và phải chịu nhiều thua thiệt do chính sách bảo hộ nông nghiệp ở những nước nhập khẩu) thì chính người Việt chưa được thụ hưởng “hàng nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao”. Một ví dụ điển hình là cá tra, xuất khẩu ra nước ngoài phải chịu bao điêu đứng, kiện tụng trong khi phần lớn người dân miền Trung, miền Bắc vẫn chưa biết mùi vị cá tra như thế nào. Một ví dụ khác là thịt bò Úc, mới chỉ vài ba năm chúng ta cho phép nhập khẩu thì đến nay mặt hàng này đã tràn ngập thị trường Việt Nam với mức nhập trung bình 500.000 con/năm... Như vậy, việc đào tạo nông dân chất lượng cao nhằm sản xuất hàng hóa chất lượng cao chẳng những là yêu cầu bắt buộc để cạnh tranh khi xuất khẩu mà còn nhằm giành lại thị trường trong nước.
Để đào tạo nông dân chất lượng cao có khó không? Xin thưa, không hề khó! Ở huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), anh nông dân Phạm Năng Thành mới chỉ học hết lớp 9, nhưng nhờ đam mê và có ý thức học hỏi đã làm chủ thương hiệu chuối tiêu hồng, hiện xuất khẩu hàng chục tấn, thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm. Ở Hà Nội, cô gái Phạm Thiên Trang với số vốn khởi nghiệp vài triệu đồng nhưng chịu khó tìm kiếm các giống hoa hồng trong nước đem về trồng, đến nay vườn hoa cho doanh thu 1 tỷ đồng/tháng... Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã quan tâm đầu tư vào nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh, vươn tầm thế giới mà mặt hàng sữa với TH true milk, Vinamilk là những ví dụ. Để nông dân Việt Nam vươn lên đạt đến “chất lượng cao”, không quá khó và cũng không cần vốn đầu tư cao; cái cần nhất là ý chí quyết tâm, là niềm tin có thể làm giàu từ đồng đất quê hương.
Tất nhiên, để nông dân Việt vươn tầm “chất lượng cao” thì rất cần đường lối, cơ chế, chính sách, giải pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước ở cấp vĩ mô cũng như sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị từ cơ sở đến Trung ương. Nhưng thực hiện được hay không lại phụ thuộc vào chính những người nông dân. Những “thói xấu” của người nông dân như ỷ lại, kém thích nghi, lười học tập, tập quán sản xuất manh mún... hay quan niệm “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố” vốn đã “níu chân” người nông dân hàng trăm năm qua giờ đã đổi thay rất nhiều nhưng tàn dư vẫn còn không nhỏ. Người nông dân luôn muốn tự suy nghĩ trên luống cày của họ. Cho nên, suy cho cùng, để đào tạo nông dân chất lượng cao thì tuyên truyền, giáo dục vẫn là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất. Vì vậy, tôn vinh "tỷ phú nông dân", qua đó tạo niềm tin làm giàu, cổ vũ, động viên những nông dân biết làm giàu là việc làm rất cần thiết vào lúc này.
HỒNG HẢI