QĐND - Người yêu mỹ thuật Thủ đô vừa được thưởng thức cái mênh mang của sông nước biển trời nơi tận cùng của Tổ quốc qua triển lãm mỹ thuật “Sông nước Cà Mau” tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội của 10 họa sĩ đến từ vùng Đất Mũi.

Có một điều khá thú vị là 10 họa sĩ Cà Mau dự trại sáng tác và tham gia triển lãm mỹ thuật ở Hà Nội lần này đều là các cán bộ đang công tác, nhiều đồng chí là cán bộ lãnh đạo các sở ban ngành thuộc các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, báo chí, thể thao, du lịch, của tỉnh. Dù bận rộn với công tác chỉ đạo, quản lý nhưng các anh đều có chung niềm đam mê với hội họa, trong đó một nửa trong số các đồng chí là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Do đó, công việc đi thực tế, sáng tác của các anh hoàn toàn tranh thủ vào ngày nghỉ và chủ yếu vẽ vào buổi tối. Họa sĩ Phan Thái Hoàng, Giám đốc Trung tâm Du lịch TP Cà Mau, Phó chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Cà Mau cho biết: Được sự quan tâm động viên của lãnh đạo và Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, những ngày nghỉ anh em thường bố trí đi thực tế tại các huyện trên địa bàn để vừa vẽ, vừa có dịp tiếp xúc và nắm bắt tình hình thực tế, một công đôi việc. Mỗi lần đi như vậy, hầu như anh em đều có tác phẩm. Nhờ đó, phong trào mỹ thuật Cà Mau luôn phát triển tốt.

Với nhiều thể loại: Sơn dầu, lụa, bột màu, bút sắt, khắc gỗ… 51 bức tranh tại triển lãm của 10 họa sĩ lần này đã cho thấy sự đa dạng của bút pháp, phong cách, làm bật lên khung cảnh thiên nhiên, con người cùng những cảm xúc từ một vùng sông nước xa xôi của Tổ quốc.

Tác phẩm "Người vợ lính biển" (Lê Việt Hồng).

 

Tác phẩm "Về Đất Mũi" (Phan Thái Hoàng).

Tác phẩm "Tấm lòng miền Nam" (Lê Việt Hồng).

Cũng là vùng đất bồi màu mỡ nơi cuối đất với họa sĩ Lý Cao Tấn, Phó chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Cà Mau, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Cà Mau trong tác phẩm “Đất bãi bồi” (mực nho) thì đó là những thân đước với cành lá xum xuê cùng bộ rễ chắc khỏe tua tủa bám sâu vào lòng đất, biểu tượng cho sức sống khỏe khoắn bất diệt trên mảnh đất này. Còn với họa sĩ Lê Việt Hồng, Phó phòng nghiệp vụ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau trong tác phẩm “Bãi bồi Mũi Cà Mau” và tác phẩm “Khu sinh quyển Mũi Cà Mau” (sơn dầu) lại thể hiện sự đa dạng thủy hải sản và sinh quyển của một vùng đất màu mỡ, hứa hẹn nhiều tiềm năng kinh tế và du lịch sinh thái. Với họa sĩ Dư Minh Chiến, Phó phòng Văn hóa-Thể thao huyện Trần Văn Thời trong tác phẩm “Cửa biển sông Đốc” (sơn dầu) Cà Mau là một vùng cửa biển nhộn nhịp ghe thuyền nơi mặt trời lặn trên sóng biển. Một Cà Mau khác trong “Hòn Đá bạc-Cà Mau” (bột màu) lồng lộng mây trời trên sóng biển của họa sĩ Lý Phước Như, cán bộ Trường Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh. Còn với tác phẩm “Ký ức rừng tràm” và “Tôi yêu Cà Mau” (sơn dầu) của họa sĩ Lý Thanh Phong thì lại là những rung cảm từ ký ức và hiện tại được thể hiện trong từng nét vẽ. Trong khi đó, họa sĩ Phan Thái Hoàng với các tác phẩm “Rừng vàng, biển bạc”, “Đất lành chim đậu” (sơn dầu) và “Về Đất Mũi” (acrylic) lại là những cảm xúc dạt dào trước thiên nhiên bao la muôn màu vô cùng tươi đẹp của quê hương Đất Mũi Cà Mau.

Những ai đã đến Đất Mũi không thể quên về một miền sông nước, biển khơi bao la, rừng tràm bát ngát với sự đa dạng về sinh thái như đã nêu trên mà còn vô cùng ấn tượng về tình người nơi đây. Đó là sự tảo tần trong bức tranh “Người vợ lính biển”, “Tấm lòng miền Nam” và “Hạt giống đảo xa” (sơn dầu) của họa sĩ Lê Việt Hồng-những tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng khá ấn tượng. Đó còn là cái xao xác chợ quê trong tranh lụa “Đầm Thị Tường” rất đỗi thân quen của họa sĩ Nguyễn Hoàng Măng, hay cái chạng vạng hoàng hôn trong “Phố chiều” (khắc gỗ) của họa sĩ Trần Minh Tuấn. Bản sắc văn hóa Nam Bộ cũng được thể hiện khá sinh động trong bức tranh khắc gỗ “Hát tuồng” của họa sĩ trẻ Nguyễn Trọng Khang. Với chất liệu acrylic chỉ với hai màu đen trắng trong “Biển bạc” họa sĩ Phan Thái Hoàng lại cho ta thấy cái giăng mắc của ánh trăng hay tình quê thắm thiết với ghe thuyền san sát bồng bềnh trên sóng nước của những tổ ấm vạn chài sau một ngày ra khơi vào lộng…

Hơn 50 bức tranh của các họa sĩ Cà Mau là những tác phẩm nghệ thuật tươi mới, thấm đẫm hương hoa và gió biển, ngập tràn ánh sáng của một vùng quê thanh bình và tình người nhân hậu từ vùng sông nước cực Nam. Đây cũng là tình cảm của những họa sĩ phương Nam muốn giới thiệu với công chúng Hà Nội, là món quà đầy ý nghĩa nhắc nhở chúng ta về tình yêu quê hương và Tổ quốc thiêng liêng.

VŨ HẢI ĐĂNG