Tiếp đó, Bộ Y tế lại có Công văn số 4191/BYT-TT-KT điều chỉnh việc cung cấp thông tin cho báo chí về PCD Covid-19. Theo đó, các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế “không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết về quá trình tiếp xúc của bệnh nhân”. Việc này nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, trong đó quy định cơ quan y tế không tiết lộ dưới bất kỳ hình thức nào về thông tin cá nhân của bệnh nhân (danh tính, tuổi, địa chỉ của bệnh nhân).

Việc không tiết lộ thông tin của bệnh nhân bao gồm danh tính, tuổi, địa chỉ là đúng luật, nhưng khi bệnh nhân đã được mã hóa thì việc công khai lịch trình di chuyển là cần thiết nhằm giúp các lực lượng PCD nhanh chóng truy vết có hiệu quả, kịp thời đối phó với những biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Trên thực tế, việc lợi dụng lịch trình di chuyển của F0 để suy diễn, quy chụp, xâm phạm đời tư người bệnh xảy ra trên mạng xã hội là chủ yếu, mà không phải do báo chí. Nay chúng ta đã có Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, nếu tài khoản nào vi phạm, cơ quan chức năng dễ bề xử lý.

Tác dụng của việc công khai lịch trình di chuyển F0 đối với công tác truy vết, chống dịch là rất rõ ràng. Bằng cách này, lực lượng chức năng cũng thuận tiện hơn rất nhiều trong xử lý các F “không văn hóa”. Trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, diễn biến phức tạp với những biến chủng khó lường hiện nay, đây là vấn đề cần được các cơ quan chức năng xem xét lại.

HỒNG HẢI