Phải thừa nhận rằng, không ít địa phương đã ứng dụng tiến bộ của công nghệ số vào tổ chức lễ hội mang lại hiệu quả tích cực. Ví như, việc áp dụng số hóa để kiểm kê, quản lý lễ hội; vé điện tử thay thế vé giấy truyền thống; công nghệ 3D tái hiện lễ hội bị mai một... Các hoạt động này cùng với đề án số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam mà ngành văn hóa đang tích cực triển khai giúp tiếp thêm sức sống cho lễ hội truyền thống trong cộng đồng.

leftcenterrightdel

 Hội thi đua thuyền trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Lư (Ninh Bình). Ảnh: MINH CHIẾN

Đưa công nghệ vào lễ hội không còn quá mới mẻ; những hiệu quả bước đầu cũng đã có thể nhận thấy. Nhưng ở một mặt khác, nếu không sử dụng đúng mực sẽ là nguy cơ làm méo mó, biến đổi bản chất lễ hội truyền thống. Cách đây chưa lâu, việc dựng sân khấu hoành tráng cùng âm thanh, ánh sáng, múa may như vũ trường tại một khu danh thắng, thờ tự khiến dư luận bất bình bởi sự phản cảm.

Từ thực tế đó, những cách làm mới, ứng dụng công nghệ trong tổ chức lễ hội cần phải cẩn trọng, tránh lạm dụng khiến lễ hội bị biến tướng, không còn giữ được bản sắc. Quan trọng hơn hết, cần có sự bàn thảo, thống nhất chặt chẽ giữa cơ quan chức năng với người dân-những chủ thể sáng tạo, tổ chức và thụ hưởng lễ hội trong kiểm soát, kiểm duyệt, để lễ hội được tổ chức phù hợp với điều kiện, tập quán địa phương, góp phần tôn vinh giá trị truyền thống.

Mục tiêu cao nhất của tổ chức lễ hội là góp phần giữ gìn bản sắc, hồn cốt dân tộc, để nét đẹp văn hóa luôn sống động trong cộng đồng, để nhân dân được thụ hưởng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh. Bởi vậy, những cách làm mới trong tổ chức lễ hội mà vẫn bảo tồn, phát huy được giá trị truyền thống thì cũng là việc nên làm!

ĐÔNG A