Hôm nay, thấy hình ảnh sĩ quan, học viên, chiến sĩ trẻ khi hành quân, khi giúp dân gặt lúa chống lũ..., dù công việc gì, vất vả thế nào, dù mồ hôi đang đầm đìa trên khuôn mặt, vẫn tác phong chính quy, nghiêm trang bộ quân phục, tôi ngập tràn xúc cảm.

leftcenterrightdel
Nguồn ảnh: http://baochinhphu.vn/ 

Quân phục Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành biểu tượng văn hóa, là gương mặt tinh thần, là danh dự không chỉ của mỗi người lính, còn của cả đơn vị, rộng hơn là Quân đội, đất nước. Được khoác trên mình bộ quân phục không chỉ là niềm tự hào, người chiến sĩ còn được tiếp thêm sức mạnh, ý chí, quyết tâm từ truyền thống vẻ vang của Quân đội, của dân tộc. Bởi vậy, chúng ta phải trân trọng, nâng niu giữ gìn như chính nhân cách mình, không để quân phục một chút nhăn, một vết bẩn, không để nghiêng lệch mất mỹ quan, càng không thể coi là vật phẩm để trao đổi, bán mua... Và cũng để xứng đáng với bộ quân phục ấy, mỗi quân nhân phải không ngừng rèn luyện chuẩn mực, giữ gìn lễ tiết, tác phong chính quy, chấp hành nghiêm điều lệnh, thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương Quân đội mọi lúc, mọi nơi.

Người Việt thâm thúy triết lý: “Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần”, vừa nhấn mạnh yếu tố nội dung tính nết vừa rất coi trọng trang phục. Thế nên với mỗi cán bộ, chiến sĩ, tự hào được nhân dân gọi thân thương, trìu mến: "Bộ đội Cụ Hồ" càng phải biết thể hiện nội dung tốt đẹp ở hình thức quân phục nghiêm trang, thiêng liêng mà thân thương, gần gũi.

Những cựu chiến binh chúng tôi vẫn hãnh diện vô cùng khi thấy nơi thiên tai, bão lũ luôn có màu áo anh bộ đội sát cánh bên nhân dân. Và khi đó, người dân thốt lên: Có các anh đến là yên tâm rồi!

 PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ