Trường Sa rất xa! Đi tàu vượt sóng gió đại dương mấy ngày mới tới. Nhờ tiện ích công nghệ viễn thông, giờ đây, quân dân trên đảo có thể gọi điện cho người thân, bạn bè ở đất liền mỗi ngày.

Thế, nghĩa là tuy xa mà gần!

Một nhà văn trẻ khá nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh, sau khi đi thực tế sáng tác ở Quân đoàn 4 đã thốt lên với chúng tôi: “Ôi! Sĩ quan, nhà cách đơn vị có vài trăm mét nhưng mỗi tuần chỉ được về ăn cơm với vợ con một lần. Họ thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ và không thể rời đơn vị nếu không có lệnh của chỉ huy”.

Thế, nghĩa là tuy gần mà vẫn xa!

Đặc thù môi trường quân đội là thế. Khái niệm xa nhà với bộ đội không chỉ là khoảng cách địa lý mà còn ở tính chất nhiệm vụ. Hôm nay có thể đang được gần nhà nhưng ngày mai đã phải hành quân đến nơi xa cách hàng trăm, hàng nghìn cây số thực hiện nhiệm vụ, cả năm sau mới được về nhà. Nhiều người thấy ngạc nhiên nhưng với bộ đội, đó là điều bình thường. Bộ đội thực hiện nhiệm vụ bằng “kỷ luật thép”, tự giác và nghiêm minh. Đặt trong các mối quan hệ xã hội, đó là một sự hy sinh thầm lặng nhưng không phải ai cũng biết.

Ai cũng muốn chuyển xa thành gần, nhưng không ai có thể làm khác nhiệm vụ. Thế nên rất cần xã hội tạo động lực, tiếp sức cho bộ đội. Thay vì ai đó còn so bì thiển cận, kiểu như: “Bộ đội bây giờ sướng lắm, lương cao lắm, không công bằng với các ngành nghề khác”, hãy cảm thông, sẻ chia bằng sự thấu hiểu nhân văn và trách nhiệm. Cần nhiều hơn, thường xuyên hơn những chính sách quan tâm hậu phương quân đội bằng các nguồn lực xã hội và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, để bộ đội yên tâm tận hiến, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh...

PHAN TÙNG SƠN