Đi thua, về... thắng

Với kinh nghiệm và thực tiễn xây dựng các đội tuyển thể thao Olympic, đồng thời để nhanh chóng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ rèn luyện, thi đấu trong thời chiến, vào giữa thập niên 1960, Ban chỉ huy Đoàn Thể Công mạnh dạn đề xuất với thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu cho các đội thể thao của đoàn được đi tập huấn ở nước ngoài. Đề xuất này được các cấp lãnh đạo nhất trí. Và Quân đội Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên đã nhận lời giúp Đoàn Thể Công đưa 4 đội: Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, thể dục dụng cụ sang Bình Nhưỡng tập huấn một năm.

leftcenterrightdel
                          
 

Các cầu thủ thuộc thế hệ Thể Công 1965 có mặt ở TP Hồ Chí Minh trước khi thi đấu với các đội bóng phía Nam, năm 1979. Ảnh tư liệu

Để có thể đón tiếp, tạo điều kiện ăn ở, tập huấn chu đáo nhất, phía bạn đề nghị ta tách ra mỗi năm có khoảng 30 vận động viên sang tập huấn. Thế nên, đáng ra tất cả Đoàn Thể Công với 90 người sang bạn tập huấn một năm thì tách ra bóng đá đi năm đầu (1967-1968), sau đó là đội bóng chuyền và bóng rổ (1968-1969). Thể dục dụng cụ theo kế hoạch sang Bình Nhưỡng tập huấn giai đoạn 1969-1970 nhưng sau đó không thể thực hiện vì một số lý do khách quan.

Đội Bóng đá trẻ Thể Công (quen gọi là thế hệ Thể Công 1965) nhận nhiệm vụ sang CHDCND Triều Tiên tập huấn do Đại úy Ngô Xuân Quýnh là đoàn trưởng, các huấn luyện viên và 26 cầu thủ đang ở trên, dưới độ tuổi "bẻ gãy sừng trâu" đã được tuyển chọn, sàng lọc kỹ càng và huấn luyện bài bản trong nước. Quá trình tập huấn ở Triều Tiên, các yêu cầu về chuyên môn, nhu cầu được thi đấu cọ xát của đội trẻ Thể Công đều được bạn đáp ứng. Nhưng bạn đề nghị phía ta tự tổ chức huấn luyện mà không có HLV của bạn trực tiếp hoặc gián tiếp huấn luyện, chỉ đạo.

Tập huấn một năm ở Đoàn Thể dục thể thao Quân đội CHDCND Triều Tiên mang tên Y Phan (có nghĩa là mồng 2 tháng 8-ngày thành lập Quân đội CHDCND Triều Tiên) là hành trình vô cùng đặc biệt, vừa trau dồi kỹ thuật, lối đá, vừa nâng cao nền tảng thể lực của Đội Bóng đá trẻ Thể Công. Cứ đến bữa ăn, chuyên gia dinh dưỡng của bạn lại khuyên các cầu thủ trẻ chúng tôi ăn thật nhiều vào bữa sáng. Nếu thấy hôm nào các cầu thủ của ta ăn uống không ngon miệng hay bỏ lại thức ăn, bếp trưởng sẽ ra hỏi ngay để tìm hiểu nguyên nhân, do nhà bếp nấu ăn không vừa miệng, đồ ăn không ngon hay do cầu thủ tập luyện quá sức, dẫn đến mệt mỏi, biếng ăn.

Đang độ tuổi sung sức, được ăn uống đầy đủ, chúng tôi tập luyện hăng say, kể cả khi tuyết rơi dày vẫn ra sân tập như thường. Có bữa tuyết rơi ngập mắt cá chân, anh em chúng tôi dùng tay móc tuyết mà tập tiếp. Nhờ vậy, đá giao hữu các giải ở CHDCND Triều Tiên với mật độ dày, thời gian tới 120 phút mà nhiều khi kết thúc trận, anh em vẫn còn thòm thèm muốn đá thêm. Nhân đây tôi cũng nói thêm, ta và bạn rất quý nhau, nhưng khi đá giao hữu thì bạn chơi rất quyết liệt, đá rát, thậm chí cũng có lúc “ăn thua”, nhưng sau trận đấu, các bên lại nói cười vui vẻ, dành cho nhau sự tôn trọng tuyệt đối.

Chính nhờ những trận đấu giao hữu trong 120 phút, dưới mọi loại điều kiện thời tiết đã giúp chúng tôi cải thiện rõ rệt thể lực và sức bền. Một đội bóng trẻ trước khi đi tập huấn chưa có gì nổi bật, thi đấu báo cáo cấp trên trước lúc lên đường còn thua đậm đội Thể Công I, vậy mà chỉ sau 12 tháng tập huấn (từ tháng 11-1967 đến tháng 11-1968) trở về đã chơi ngang ngửa lớp đàn anh, thậm chí còn luôn giành phần thắng trước Thể Công I.

Không ngừng tiến bộ

Trở về nước sau chuyến tập huấn đầy ắp kỷ niệm ở CHDCND Triều Tiên, chúng tôi-thế hệ Thể Công 1965 lại được đi tập huấn ở Hungary (cùng một số anh ở đội I), từ tháng 8 đến tháng 11-1969. Điều đáng nói là trong quá trình tuyển chọn cầu thủ cho đội trẻ Thể Công, có hai trường hợp đặc biệt được đặc cách gia nhập Thể Công sớm trước khi tập trung chính thức vài tháng, đó là Nguyễn Viết Cầu (từ Hà Nội) và Vương Tiến Dũng (từ Nghệ An). Hai cầu thủ trẻ tài năng này được sớm phát hiện, gia nhập Thể Công theo chân các anh đội I thi đấu ở Giải vô địch bóng đá miền Bắc. Các anh Vương Tiến Dũng và Nguyễn Viết Cầu chính là hai cầu thủ đầu tiên thuộc thế hệ Thể Công 1965. 

leftcenterrightdel
               

Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel trao quyết định đổi tên CLB Bóng đá Viettel thành CLB Bóng đá Thể Công-Viettel (ngày 21-11-2023). Ảnh: HÀ PHƯƠNG 

Trong chuyến tập huấn tại Hungary, đáng tiếc nhất với cá nhân tôi (và một vài anh em khác) là HLV trưởng Nguyễn Văn Tiền, linh hồn của thế hệ Thể Công 1965, người huấn luyện, đào tạo lớp cầu thủ trẻ chúng tôi ngay từ ngày đầu và sát cánh cùng đội II trong chuyến tập huấn ở CHDCND Triều Tiên đã không có mặt. Thay vào đó, HLV trưởng Hứa Tấn Hỷ cùng trợ lý Nguyễn Minh Cảnh phụ trách đội.

Đoàn chúng tôi sang Hungary với hơn 40 thành viên, lực lượng hùng hậu nhất trong tất cả các chuyến tập huấn từ trước tới nay của bóng đá Thể Công ở châu Âu. Chủ trương của đoàn trong thời gian tập huấn ở Hungary là giữ nguyên đội hình cơ bản của đội II, có bổ sung thêm một số cầu thủ của đội I. Phía bạn đón tiếp đội bóng Thể Công cũng vô cùng trọng thị, tạo mọi điều kiện tốt nhất về ăn ở, sân bãi luyện tập. Chính vì vậy, đội bóng đã không ngừng tiến bộ về mọi mặt. Sau thời gian huấn luyện ở nước ngoài về, Đội Bóng đá trẻ Thể Công trở thành mục tiêu "săn đón" của hầu hết đội bóng trong nước lúc bấy giờ và họ đều lấy làm phấn khích khi được đọ sức cùng. 

Mãi mãi Thể Công!

Hai chuyến tập huấn liên tiếp tại CHDCND Triều Tiên và Hungary thực sự là những chuyến đi cực kỳ quan trọng, giúp các cầu thủ bóng đá thế hệ 1965 nâng cao trình độ vượt bậc, làm thay đổi số phận của nhiều vận động viên trong đoàn. Khi viết những dòng này cho Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, tôi thầm cảm ơn số phận đã cho tôi được vào môi trường quân ngũ; được sống, thi đấu và tận hiến cho Thể Công.

Lứa cầu thủ trẻ thế hệ 1965 chúng tôi giờ đây mỗi khi sum họp lại bùi ngùi nhớ về kỷ niệm xưa. Chúng tôi vô cùng biết ơn lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã tin tưởng, tạo điều kiện để những vận động viên trẻ như chúng tôi được đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Ngay cả bây giờ, khi kinh tế đã phát triển, các mối quan hệ ngoại giao thuận lợi thì việc đưa một đội thể thao trong nước (30-40 người) đi tập huấn nước ngoài vài tháng trời, hay liên tục trong một năm là điều không đơn giản và thậm chí là bất khả thi. Thế mà trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, thể thao Quân đội đã làm được điều đó. Ngẫm ra thật vô cùng đáng trân trọng, đáng quý.

Giờ đây, lại càng thêm tự hào về Thể Công!

 

 

HÀNH TRÌNH THỂ CÔNG - VIETTEL FC

      - Ngày 23-9-1954: Đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội (Thể Công) được thành lập.

      - 1955-1979: Thể Công 13 lần vô địch giải hạng A Việt Nam.

      - 1981-1998: Thể Công 5 lần vô địch giải A1 toàn quốc.

     - Tháng 3-2005: Bộ Quốc phòng điều chuyển nguyên trạng CLB Thể Công về Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội.

      - Năm 2009: Đội U.19 vô địch Quốc gia 2009.

      - Năm 2011: Đội U.13 Viettel vô địch giải Thiếu niên toàn quốc 2011.

      - Năm 2012: Viettel FC vô địch giải hạng Ba Quốc gia.

      - Ngày 26-10-2014: Đổi tên Trung tâm đào tạo bóng đá Viettel thành Trung tâm Thể thao Viettel.

      - Năm 2015: Viettel FC vô địch giải hạng Nhì Quốc gia, vô địch U.15 Quốc gia, vô địch U.13 Thiếu niên toàn quốc.

      - Năm 2016: Đội U.13 Viettel vô địch giải Thiếu niên toàn quốc 2016.

      - Năm 2018: Viettel FC vô địch giải hạng Nhất Quốc gia, vô địch U.17 Quốc gia.

      - Năm 2020: Viettel FC vô địch V.League 2020, vô địch U.21 Quốc gia.

      - Năm 2021: Lần đầu tiên tham dự cúp C1 châu Á: AFC Champions League.

      - Năm 2023: Huy chương Đồng V.League, Á quân cúp Quốc gia, vô địch U.17 Quốc gia.

      - Tháng 11-2023: Đổi tên CLB Bóng đá Viettel thành CLB Bóng đá Thể Công-Viettel.

         THU HÀ - HOÀI PHƯƠNG

VŨ MẠNH HẢI - Cựu danh thủ Đội bóng đá Thể Công