Thiếu cả số lượng lẫn chất lượng

Hiện nay thị trường và nhu cầu của nhiều hãng phim đang rất cần các biên kịch giỏi, có tay nghề. Tuy nhiên những biên kịch có năng lực và có tác phẩm sản xuất được, không nhiều. Trong khi khâu đào tạo biên kịch của ta còn chưa thực sự được chú trọng. Số lượng biên kịch được đào tạo bài bản trong Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội không có nhiều và vẫn chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu thị trường. Một số nghệ sĩ, hãng phim có tổ chức các khóa đào tạo biên kịch nhưng hiệu quả mang lại không cao, rất ít học viên có khả năng viết ra những kịch bản có chất lượng.

Ngoài ra, cùng với xu hướng hội nhập, giao lưu với các nền văn hóa nước ngoài và phim ảnh của họ, sự cạnh tranh xâm lấn từ những bộ phim nước ngoài của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Thái Lan... đã cho thấy phim Việt có nhiều thứ còn bất cập, lạc hậu hơn so với phim nước ngoài. Nó bộc lộ công nghệ, quy trình làm phim của ta đã bị thế giới bỏ xa. Từ đó để chúng ta nhìn nhận lại nền điện ảnh, phim truyền hình của nước nhà dù có những thành tựu vẻ vang nhưng đã không còn tiến kịp thời đại. Và cần phải đổi mới cả một quy trình từ đào tạo cho đến sản xuất.

Biên kịch là người tạo ra kịch bản cho các bộ phim điện ảnh, phim truyền hình, là khâu sáng tạo đầu tiên của quy trình sản xuất phim. Vì thế, vai trò, chất lượng của biên kịch cần được coi trọng đúng mức, cả với sự đãi ngộ tương xứng, phù hợp và trọng thị.

Thời gian qua, nhìn lại thị trường và hoạt động phim ảnh (cả điện ảnh lẫn truyền hình) của nước nhà, số phim gây tiếng vang, thành công về doanh thu lẫn giá trị nghệ thuật là không nhiều. Đáng chú ý, các phim đó hầu như không có nhiều sự đóng góp của các tên tuổi biên kịch trẻ, các gương mặt mới.

Hiện nay, có thể thấy, khâu đào tạo biên kịch của ta còn nhiều “lỗ hổng” và manh mún. Nhìn vào đội ngũ biên kịch kế cận, nhìn vào sản phẩm phim ảnh công chiếu, sẽ thấy phần nào. Trong khi phim Mỹ, phim Trung Quốc, phim Hàn... đa dạng về thể loại, đề tài và mang được hơi thở thời đại, dấu ấn cuộc sống và văn hóa bản địa, thì phim Việt vẫn còn nhiều sản phẩm nhàm chán, đơn điệu. Lý do có nhiều, nhưng cốt yếu là do thiếu các biên kịch giỏi. Không có nhiều kịch bản đa dạng thì tất yếu sẽ không có nhiều thể loại phim, càng không thể có nhiều phim hay. Muốn có phim hay, đòi hỏi nhiều hơn sự cống hiến, sáng tạo không ngừng, bắt đầu từ đội ngũ biên kịch.

Biên kịch trẻ Vân Anh, tác giả của những bộ phim, như: “Mình cưới thật em nhé”, “Người nhà quê”, “Ra Giêng anh cưới em”, “Đi qua mùa mưa”,

“Vitamin tình yêu”, “Bình minh muộn”, chia sẻ: “Để trở thành một biên kịch cần có các yếu tố, như: Luôn sáng tạo, kỹ năng viết, nhiệt huyết đam mê, tính kỷ luật và có khả năng chịu áp lực trong công việc. Nhưng để trở thành biên kịch giỏi, việc này rất là khó và không phải ai cũng có khả năng làm được. Để trụ lại với nghề, biên kịch phải luôn sáng tạo, tìm ra cái mới, cách viết mới, câu chuyện mới lạ... để mình không bị tụt hậu so với sự phát triển nhanh của điện ảnh”.

Cần sự đãi ngộ xứng đáng

Môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ của ta dành cho các biên kịch cũng là một phần lý do khiến cho việc sản xuất phim ảnh ở ta khó phát triển.

Hiện có nhiều biên kịch trẻ làm việc tại các công ty sản xuất phim với mức lương cơ bản 5-7 triệu đồng/tháng, còn những biên kịch dày dạn kinh nghiệm thì 7-10 triệu đồng/tháng. Với một công việc đòi hỏi luôn sáng tạo, kỹ năng viết, nhiệt huyết đam mê, tính kỷ luật và có khả năng chịu áp lực trong công việc như nghề biên kịch thì mức thu nhập đó không tương xứng.

Có những biên kịch trẻ làm tự do thì chịu những rủi ro như nhà sản xuất sau khi nhận kịch bản lại trả nhuận bút trễ quá, o ép giá, không được công nhận tên tuổi dù chính họ viết ra kịch bản đó...

“Nghề biên kịch là nghề có tương lai, tiềm năng cho các bạn trẻ đam mê viết, sáng tạo. Không phải ai cũng thấu hiểu hết nỗi niềm đứng sau hào quang đó. Họ âm thầm đứng sau hào quang và chỉ mong sao tác phẩm được tỏa sáng. Nhưng đôi khi sự thầm lặng của họ đã bị lợi dụng, không được tôn trọng, trả công xứng đáng cho chất xám, sự lao tâm khổ tứ mà họ cày ngày cày đêm để cho ra “đứa con tinh thần”.  Các bạn cần có chính kiến để có thể tìm được những nhà sản xuất tôn trọng chất xám, công sức. Các bạn cứ sáng tạo hết mình đi. Gõ nhiều cánh cửa nữa. Nếu bạn có tài năng, sẽ tìm được cánh cửa tốt nhất cho mình”- biên kịch Vân Anh nói.

ĐỨC THỌ