QĐND - Trong quá trình sống cộng cư và giao lưu văn hóa với các dân tộc khác như người Việt, người Thái, người Thổ... người Mường ít nhiều đã tiếp thu những ảnh hưởng văn hóa của các dân tộc này. Điều đó thể hiện rất rõ trong trang phục nữ. Tuy nhiên, cho đến nay, trang phục của người Mường vẫn có bản sắc riêng.
Sự khác biệt của trang phục người Mường thể hiện ở cách tạo hình trang phục, kỹ thuật khâu, cắt may, kiểu cách phối màu. Một bộ trang phục nữ của người Mường thường gồm: Váy, áo yếm, áo khoác ngắn hoặc áo khoác dài. Chiếc váy của người phụ nữ Mường là một tấm vải may tròn thẳng từ nách xuống đến mắt cá chân, gồm hai phần: Phần dưới đồng màu xanh tím hoặc đen, phía trên có hai hoặc ba dải hình vẽ màu. Những hình vẽ và màu sắc của các dải đó thường rất đẹp. Thậm chí, cả với chiếc dải váy để mặc đi lao động, người phụ nữ Mường cũng dệt với 3-4 màu.
 |
Phụ nữ Mường hôm nay vẫn giữ gìn trang phục truyền thống.
|
Dải váy của người phụ nữ Mường được làm bằng lụa, vải hoặc vải pha lụa, có chiều dài từ 15-25cm. Chiếc váy không cắt, thân ống cắt thẳng, khâu khép lại, phía dưới có viền đỏ, xanh lá, xanh lơ hoặc vàng. Người phụ nữ Mường mặc váy bằng cách lồng qua đầu và thắt váy bằng hai dây. Trước khi mặc váy, họ đã buộc vào cổ những chiếc dải của một cái yếm. Yếm của người phụ nữ Mường ngắn hơn của người Việt xưa.
Từ xa xưa, người phụ nữ Mường luôn kiêng không để người khác nhìn thấy đôi vai của mình. Vì thế, họ thường mặc thêm một chiếc áo cánh trắng ngắn, phía trước ngực để hở.
Trong những dịp lễ hội hoặc tiếp khách, người phụ nữ Mường mới mặc đầy đủ trang phục. Chiếc váy những dịp này có cạp bằng lụa pha bông sợi hoặc lụa nguyên chất tùy theo thứ hạng và điều kiện sinh hoạt của mỗi người. Bên ngoài chiếc áo cánh, người phụ nữ Mường mặc thêm áo khoác dài thâm hoặc màu xanh lơ thẫm.
Chiếc thắt lưng của người phụ nữ Mường cũng là một đặc điểm nhận dạng trang phục. Thắt lưng là một băng vải dài hơn một sải tay, làm bằng lụa mỏng màu xanh lá hoặc vải trắng, dùng để vén váy lên cao cho khỏi vướng khi lao động trên đồng ruộng. Ngày lễ Tết, người ta thắt thắt lưng xanh lá ở trên áo dài.
Khác với nhiều dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc, đồ đội đầu của người phụ nữ Mường khá đơn giản. Đuôi tóc dài được túm lại, cuốn thành búi tó phía sau gáy, rồi gài bằng chiếc kim to. Chiếc kim này là một trong số đồ trang sức quý giá của người Mường.
Cũng đơn giản như trang phục, dù biết đến đồ trang sức từ lâu đời nhưng người phụ nữ Mường rất ít khi sử dụng. Chiếc trâm cài tóc của người Mường có hình trụ dài khoảng 10cm làm bằng xương hoặc bạc. Ở những vùng có sự giao lưu với người Thái và người Thổ, người Mường đã vay mượn những kiểu phức tạp hơn. Đó là một chiếc dây xích nhỏ bằng bạc, quấn vòng quanh búi tó, thường móc vào chiếc trâm, thêm vào đó là một vài viên đá hoa lủng lẳng.
Trong số các đồ trang sức, hoa tai là thứ được người phụ nữ Mường sử dụng phổ biến nhất. Tất cả phụ nữ đều xỏ lỗ tai và có ít nhất một đôi hoa tai để đeo trong những dịp lễ. Hoa tai thường làm bằng bạc theo hình vòng liền hoặc khuy hình tháp đáy tròn.
Có một điều khá đặc biệt trong quan niệm sử dụng đồ trang sức của người Mường, đó là những chiếc vòng cổ, vòng tay thường chỉ dùng cho trẻ em. Người Mường quan niệm những chiếc vòng cổ và vòng tay có một quyền lực siêu nhiên bảo vệ cho cộng đồng. Vì thế, ngay từ khi đứa trẻ vài tháng tuổi đã được thầy phù thủy đeo vào tay hoặc cổ một chiếc vòng, thường bằng bạc trắng hoặc bằng đồng. Những nhà nghèo không mua được vòng bằng kim loại thì xâu chỉ mấy hạt cườm bằng thủy tinh. Con gái người Mường không bỏ đồ trang sức này trước khi lấy chồng hoặc đôi khi cưới một thời gian ngắn mới bỏ.
Bài và ảnh: VI HOA