Cách trung tâm thành phố chừng 8km, làng Thanh Tiên (sau khi sáp nhập với làng Thanh Vinh nay trở thành thôn Thanh Vinh, phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa, TP Huế) nổi tiếng với nghề làm hoa giấy (thường gọi là hoa giấy Thanh Tiên) từ hơn 300 năm trước.
Dù trải qua bao thăng trầm, song nghề truyền thống khi Tết đến, xuân về này vẫn luôn được các thế hệ người dân trong làng gìn giữ. Năm 2013, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) công nhận làng nghề truyền thống.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/14/2025/02/05/upload_2218/batamhoagiay43325456pm.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Bà Trần Thị Thanh Tâm (bên trái) gắn bó với nghề hơn 40 năm qua. |
Hiện toàn thôn có 280 hộ với 1.080 nhân khẩu. Thôn Thanh Vinh nằm bình yên cuối dòng sông Hương đoạn đổ về ngã ba Sình. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề làm nông và có thêm nghề làm hoa giấy. Không phải cầu kỳ, phức tạp, tất cả công đoạn sản xuất hoa giấy đều được làm thủ công với hai thứ nguyên liệu chính là tre và giấy màu.
Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, các nghệ nhân đã gắn kết, tạo ra muôn vàn loài hoa lung linh sắc màu: Hoa huệ, hoa hồng, hoa lan, hoa cúc, hoa loa kèn, hoa tường vi... và đặc biệt là hoa sen. Vừa cần mẫn gửi gắm tình yêu, cảm xúc vào từng cánh hoa, nghệ nhân Nguyễn Hóa (sinh năm 1961) vừa vui vẻ kể với chúng tôi: “Ngày trước, vào dịp Tết, các gia đình thường mua hoa giấy Thanh Tiên về đặt ở những nơi thờ tự như miếu, bàn thờ tổ tiên cho đến hết năm mới thay.
Ngày nay, hoa giấy còn được dùng để trang trí ở các quán ăn, nhà hàng, các quán cà phê, phòng khách... Vì thế, không chỉ tập trung vào tháng Chạp mà hoa giấy được những người thợ trong thôn làm rải rác suốt năm”.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/14/2025/02/05/upload_2218/hoasen96425456pm.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Sản phẩm hoa sen của làng nghề hoa giấy Thanh Tiên.
|
Có mặt khắp nơi trong không gian từ nhà ở đến cơ quan, công sở..., hoa giấy Thanh Tiên đã tô điểm hương xuân, sắc xuân thêm rực rỡ sắc màu. Hoa sen được làm vô cùng tinh xảo với các màu sắc như hồng phấn, trắng, được trưng bày ở Đại nội Huế, các nhà lưu niệm, bảo tàng lịch sử, văn hóa; xuất hiện trong các lễ hội festival Huế; lễ hội áo dài...
Về làng quê yên ả bên dòng sông Hương thơ mộng những ngày giáp Tết vừa qua, tận mắt nhìn thấy những người thợ thủ công say mê uốn từng cánh hoa giấy, lòng thấy rạo rực, sắc xuân đang tươi cười trong bình yên thôn xóm. Hiện trong làng có khoảng 10 hộ vẫn giữ nghề truyền thống. Gia đình vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Hóa và Trần Thị Thanh Tâm giữ lửa cho nghề này đã hơn 40 năm. Những nhành hoa, bó hoa đủ loại, rực rỡ sắc màu “nở” khắp cả gian nhà ông Hóa, trông thật bắt mắt.
Hoa giấy làm xong, các nghệ nhân cắm trên cây chông kết bằng rơm rạ, rồi theo những chuyến đò ngược dòng Hương lên phố; theo những chiếc xe đạp, xe máy lan tỏa đến các chợ khắp vùng. Ông Hóa cho biết: “Mỗi lao động một ngày trung bình làm được khoảng 30 bông hoa, mỗi bông bán được 10.000 đồng. Nghề này chủ yếu lấy công làm lãi, làm vì tình yêu nghề, vì mong muốn giữ nghề truyền thống của ông cha”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Hóa luôn đau đáu làm sao để gìn giữ nghề làm hoa giấy có tự lâu đời trên vùng quê này. Bởi lẽ, cuộc sống đổi thay, phát triển, nhiều mặt hàng công nghệ cao xuất hiện, làm sao hoa giấy Thanh Tiên có chỗ đứng bền vững. Hơn nữa, con trẻ bây giờ ít chọn nối nghiệp truyền thống cha ông... Với nỗi niềm đó, nghệ nhân Nguyễn Hóa luôn trăn trở tìm cách gìn giữ và lan tỏa nghề. Vì thế, hơn 10 năm nay, gia đình ông Hóa trở thành nơi trưng bày và là địa chỉ để du khách tham quan, học sinh trải nghiệm với nghề làm hoa giấy.
Năm 2013, ông Nguyễn Hóa cho dựng tấm bảng ngay đầu ngõ: “Điểm trải nghiệm làm hoa giấy Nguyễn Hóa”. Vì thế, tìm về miền quê này, du khách trong và ngoài nước, nhiều trường học đã đưa học sinh đến đây để tham quan và trải nghiệm. Ngôi nhà của vợ chồng ông Hóa trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu và trải nghiệm làm hoa giấy thú vị của những tâm hồn đồng điệu. Từ nơi này, các bạn trẻ được bồi đắp thêm tình yêu và niềm tự hào về những giá trị văn hóa của ông cha.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/14/2025/02/05/upload_2218/ongnguyenhoa10525457pm.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Nghệ nhân Nguyễn Hóa luôn đau đáu gìn giữ nghề truyền thống của làng Thanh Tiên.
|
Vượt ra khỏi không gian Huế, hoa giấy Thanh Tiên trở thành địa chỉ trong hành trình tham quan của du khách muôn nơi. Chị Agneta Niemack đến từ Đức chia sẻ: “Đến Huế, tôi rất thích về làng hoa giấy Thanh Tiên. Thật tuyệt vời khi được tận mắt nhìn thấy các nghệ nhân uốn từng cánh hoa tinh tế. Chúng thật xinh xắn, mảnh mai. Nhất định có dịp tôi sẽ trở lại nơi này”. Còn Mai Trường An, chàng trai đến từ Quảng Nam thì rong ruổi trên chiếc xe máy về Thanh Tiên để vừa ngắm nhìn hoa giấy, vừa lưu lại nhiều bức ảnh đẹp để khoe với vạn bè. Trường An chia sẻ: “Tôi rất thích hình ảnh con em trong làng vác trên vai các cây hoa giấy dạo bán khắp nơi. Chính sắc màu của muôn loài hoa đã mang xuân về trên mọi nẻo đường”.
Năm 2019, ông Hóa đứng ra vận động 20 hộ dân tham gia xây dựng nhãn hiệu tập thể của Hội làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng chứng nhận. Tháng 7-2023, nghệ nhân Nguyễn Hóa được UBND TP Huế cấp chứng nhận OCOP về sản phẩm hoa sen giấy Thanh Tiên "Đạt hạng sản phẩm 3 sao".
Bà Tâm cho chúng tôi hay: “Dù lấy công làm lãi, nhưng mỗi lần nhìn thấy sản phẩm của mình có mặt khắp nơi, tôi thực sự rất vui. Mỗi năm, gia đình tôi làm được mấy chục nghìn bông hoa giấy. Bán chạy nhất là những ngày giáp Tết cổ truyền của dân tộc”.
Xứ Huế vào xuân; những cơn mưa vẫn không ngăn được bước chân tìm về làng nghề hoa giấy Thanh Tiên. Trên mọi nẻo đường, từ phố phường đến làng quê, hoa giấy có mặt muôn nơi, rực rỡ. Sắc màu hoa giấy Thanh Tiên góp phần tô điểm, mang xuân về với mọi nhà.
Bài, ảnh: TRẦN VĂN TOẢN