Tốt nghiệp THPT, Quế Chi lần lượt theo học và tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và Khoa Sư phạm Mỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để thỏa lòng ước mơ vừa trở thành cô giáo dạy mỹ thuật theo nghề sư phạm của bố, vừa được tự do sáng tác tranh. Với nền tảng học vấn, kỹ năng này đã trang bị cho Quế Chi sự hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực sáng tác mỹ thuật đến giáo dục nghệ thuật. Quá trình công tác, chị đã có nhiều sáng kiến trong ngành mỹ thuật và đạt nhiều giải thưởng về sáng kiến phương pháp dạy môn Mỹ thuật của ngành giáo dục Thủ đô

leftcenterrightdel

 Họa sĩ Quế Chi. Ảnh do nhân vật cung cấp

Về sáng tác mỹ thuật, Quế Chi đã khám phá và thực hành trên nhiều chất liệu, phong cách khác nhau, như: Khắc gỗ, in độc bản, khắc cao su, acrylic, bột màu, màu nước...

Ở mảng tranh sơn acrylic, Quế Chi luôn thả lỏng mình cho cảm xúc dẫn dắt vào thế giới đa sắc màu của nghệ thuật “trừu tượng biểu hiện”, với những bức tranh ám ảnh về những công việc, những người nghệ sĩ, những phong cảnh nơi Quế Chi cùng đoàn làm phim rong ruổi khắp nơi. Chính vì vậy mà ở mảng tranh này, có một Quế Chi tung tẩy hân hoan lạ thường, những đường nét phóng khoáng chấm phá hòa quyện, đan xen như vô định mà khi ngắm kỹ luôn gợi về miền ký ức, về những vũ điệu, về 4 mùa, về những vùng cao xa mờ trong mây...

leftcenterrightdel
Tác phẩm "Ngăn đê" (khắc gỗ in màu, năm 2017) của họa sĩ Quế Chi. 

Còn ở mảng tranh khắc gỗ, người xem sẽ thấy một Quế Chi cần mẫn, tỉ mỉ qua từng nét khắc tinh tế giao hòa khi dày khi mỏng, khi lỏng khi chặt luôn được tính toán chi li từng nhát đục, nét khắc bởi vì chỉ một sơ sẩy là bức tranh bỏ đi không sửa được. Nhìn những bức tranh khắc gỗ với rất nhiều bức họa chân dung văn nghệ sĩ bạn nghề của Quế Chi mới thấy khả năng tạo hình, khả năng phân mảng sáng tối miêu tả ánh sáng rất độc đáo, vì thể loại tranh khắc thường các họa sĩ thể hiện mang tính ước lệ, tính trang trí mà rất ít người dám thể hiện “ánh sáng”. Đó là một khác biệt có phần “liều lĩnh” của Quế Chi. 

leftcenterrightdel
 Tác phẩm "Vũ điệu Tây Nguyên" (khắc gỗ).  

Là một hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội, họa sĩ Quế Chi từng tham gia nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật, như: Triển lãm tranh đề tài múa-Hội Mỹ thuật Hà Nội (năm 2010); Triển lãm Thủ đô kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội; Triển lãm nhóm "Sắc hạ" 2022 và 2023; Triển lãm "Rừng Xòe" 2022-2023 tại Thanh Hóa, Quảng Trị và Hà Nội; các triển lãm của Câu lạc bộ Nữ họa sĩ cùng Câu lạc bộ Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc-Hội Mỹ thuật Việt Nam. Mới đây nhất, triển lãm với tên gọi "Tương giao" diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội vừa kết thúc ít ngày được coi là dấu ấn đặc biệt trong hành trình nghệ thuật của nữ họa sĩ Quế Chi. Đó là sự kết hợp của một nữ nghệ sĩ sau bao năm cầm cọ với một cô giáo Mỹ thuật cầm phấn, cầm bút trên bục giảng và đôi tay khéo léo tinh tế của một cô thợ mộc cầm đục, cầm dũa thực sự để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật sống động và đa dạng, phóng khoáng, bay bổng...

leftcenterrightdel
Tác phẩm "Múa đương đại" (khắc gỗ in màu, năm 2018).  

Hàng loạt tác phẩm triển lãm của Quế Chi không chỉ thể hiện sự đa dạng trong phong cách, chất liệu thể hiện mà còn cho thấy sự miệt mài lao động sáng tạo và cống hiến của chị trong lĩnh vực mỹ thuật. Xem tranh của Quế Chi tôi như bị cuốn hút, bị thôi miên trong những dòng chảy ký ức miên man, căng tràn khát vọng sống, khát vọng đam mê của những hình tượng, nhân vật trong thế giới đa sắc màu, những không gian tung tẩy của chị. Đặc biệt là những hình ảnh về con người, về phụ nữ, về các nghệ sĩ... được thể hiện độc đáo, sinh động, chân thực, đa sắc thái, khi sặc sỡ, khi huyền ảo lung linh. Những ký ức vô thức trong ta vốn nằm sâu trong thăm thẳm giờ như trồi sinh, động cựa vươn mình. 

Họa sĩ LÊ TIẾN VƯỢNG