Tranh giấy dó

Nghệ sĩ piano Trần Lê Bảo Quyên là chắt ngoại của nhà văn Nguyễn Tuân. Cô tốt nghiệp hệ trung cấp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2012. 5 năm sau, cô tốt nghiệp đại học chuyên ngành biểu diễn piano tại Viện Hàn lâm Nghệ thuật Darmstadt, Đức. Năm 2020, cô lấy bằng thạc sĩ biểu diễn piano tại Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Frankfurt.

Về mối lương duyên với hội họa, Bảo Quyên chia sẻ, mẹ cô thích sưu tầm tranh nên từ nhỏ, ngoài tình yêu cháy bỏng với piano, cô cũng thừa hưởng tình yêu tranh giống như mẹ. Những năm tháng sống xa nhà, sang châu Âu học tập và làm việc, bức tranh con giáp đậm nét văn hóa dân tộc của Nguyễn Tư Nghiêm mà cô mang theo trở nên quý giá với cô. Bức tranh làm cô càng thêm yêu quê hương. Với cô, giá trị của hội họa cũng như âm nhạc luôn vượt khỏi cõi trần thế, không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện như vật chất hay thời cuộc.

leftcenterrightdel
 Triển lãm: “Nguyễn Tư Nghiêm - Đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây” thu hút nhiều du khách đến tham quan.

 

Bắt nguồn từ những suy nghĩ đó, nhân dịp về nước tham gia Lễ hội Âm nhạc Cổ điển Đà Lạt 2024, Bảo Quyên quyết định trưng bày bộ sưu tập tranh 12 con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác từ năm 1993 đến 2011, trên chất liệu bột màu và màu nước giấy dó.

Đặc trưng của giấy dó, bột màu đối lập với nghệ thuật sơn dầu phương Tây. Giấy dó với đặc tính xốp, thấm màu, khô nhanh, đòi hỏi họa sĩ khi thao tác buộc phải nhập vào cùng chất liệu.

Với giấy dó, họa sĩ không có đủ thời gian để tính toán, dàn xếp, không thể cạo rửa rồi vẽ lại như vẽ sơn dầu, không sửa được. Vì thế, quá trình vẽ mang tính trực thời-ngay ở đây, lúc này, bây giờ. Khi Nguyễn Tư Nghiêm chọn giấy dó, ông chọn trở về nguồn cội Á Đông của mình theo cách sáng tạo nhất. Trong “hệ sinh thái” bột màu, màu nước, giấy dó này, Nguyễn Tư Nghiêm phục hồi lại bản tính gốc của nghệ thuật, không phải một thực hành sản xuất thẩm mỹ hiện đại mà như một thao tác tâm linh hóa thế giới.

Đối thoại với âm nhạc

Có một sự trùng lặp ngẫu nhiên khá thú vị, lần đầu tiên một lễ hội âm nhạc cổ điển được tổ chức tại Việt Nam, bộ sưu tập tranh 12 con giáp của Nguyễn Tư Nghiêm lần đầu tiên được công bố tại Đà Lạt, đồng thời cũng là lần đầu tiên được vén mở những giá trị đương đại.

Để chuẩn bị cho buổi triển lãm, Bảo Quyên đã kỳ công lên ý tưởng, biên soạn các buổi trình diễn âm nhạc, song tấu giữa cô cùng em trai-nghệ sĩ violin Trần Lê Quang Tiến và nghệ sĩ piano người Đức-Tim Allhoff. Các tác phẩm âm nhạc cổ điển được biểu diễn xen lẫn với những sáng tác cá nhân theo nhiều phong cách đa dạng tạo nên cuộc đối thoại nghệ thuật thú vị giữa Đông với Tây, giữa tranh và nhạc; giữa bột màu, giấy dó mong manh với cấu trúc chặt chẽ của âm nhạc cổ điển; tạo nên cuộc hội tụ của cái đẹp phương Đông và phương Tây, đưa khán thính giả vào một trải nghiệm thú vị và thăng hoa cả về tinh thần lẫn vật chất.

Được mời làm giám tuyển cho triển lãm, nghệ sĩ thị giác Như Huy bày tỏ, anh cảm thấy may mắn, bởi Nguyễn Tư Nghiêm là một trong những nghệ sĩ mà anh yêu mến nhất. Thông qua dự án, anh tìm ra các ý nghĩa khác ẩn chứa trong tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ông không chỉ là họa sĩ bậc thầy mà còn là giọng điệu văn hóa rất quan trọng trong cuộc đối thoại văn hóa Đông Tây.

Triển lãm không chỉ tạo ra một không gian thẩm mỹ mà còn tạo ra một không gian đối thoại liên văn hóa và liên nghệ thuật về các chủ đề triết học, văn hóa thị giác và con người. Cuộc đối thoại giữa tranh giấy dó, bột màu, màu nước vẽ con giáp của Nguyễn Tư Nghiêm và nhạc giao hưởng là sự kiện thú vị, chưa từng. Một bên đại diện cho nghệ thuật phương Tây, quan niệm thời gian phương Tây, trọng tính chính xác, khoa học. Một bên là không gian phương Đông, thời gian phương Đông với hệ thức thời gian độn giáp, con người và thời gian là nhất thể và sự hòa hợp với nhịp vũ trụ được xem là đạo. Bằng các suy tư, nghiên cứu sâu sắc ở góc độ văn hóa thị giác, Nguyễn Tư Nghiêm đã lặng lẽ nhưng kiên quyết và rất nhất quán, mở ra một cuộc đối thoại, hay có thể nói, một sự tranh luận, phản biện về chủ đề bản sắc "Đông-Tây", "Ta-Họ".

Là thành viên Ban tổ chức triển lãm, Hoa hậu Ngọc Hân rất thích thú với vai trò người dẫn chương trình. Cô cho biết: "Tiếp xúc với mỗi nghệ sĩ, mỗi giám tuyển, tôi lại có được nhiều bài học lý thú, nghĩ ra nhiều ý tưởng làm sự kiện để giúp cho hội họa đương đại tiếp cận đông đảo công chúng. Tôi biết có nhiều nghệ sĩ đã và đang chỉ đam mê sáng tạo mà không quan tâm đến việc quảng bá tác phẩm. Và tôi muốn trở thành cầu nối giữa họ với các nhà tài trợ để góp phần đưa nghệ thuật trở nên gần gũi hơn trong cuộc sống ngày nay".

Bài và ảnh: ĐĂNG HÂN