Hành trình tiếp biến văn hóa nói chung, ẩm thực nói riêng của người Việt bắt đầu từ hàng nghìn năm trước. Tuy nhiên, rõ nét nhất là khi văn hóa Việt giao thoa với văn hóa phương Tây, với sự xâm lược của người Pháp.
Những biểu hiện của tiếp biến văn hóa ẩm thực bắt đầu từ những nguyên liệu vốn xa lạ với người Việt. Đó là những giống cây trồng, vật nuôi của phương Tây du nhập vào Việt Nam chủ yếu được trồng ở những vùng có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt, Sa Pa: Khoai tây, cà rốt, bắp cải, hành tây, củ dền, đậu Hà Lan, măng tây, dâu tây, quả phúc bồn tử, các giống xà lách Pháp... Cùng với đó là cây cà phê, hồ tiêu trồng ở mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió, bò sữa tại các cao nguyên, nho ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ...
Từ các loại nguyên liệu và cách thức chế biến của phương Tây, người Việt đã tạo ra vô số món ăn, uống đặc sắc, riêng có của mình. Trong đó, bánh mì và bia hơi là hai sản phẩm đặc trưng.
    |
 |
Bánh mì Việt Nam luôn nằm trong danh sách những món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Ảnh: HÀ ANH |
Ngược dòng lịch sử, năm 1891 (hoặc 1892, tùy tài liệu), ông Alfred Hommel mở một xưởng nấu bia bên đường đê Parreau (tức đường Hoàng Hoa Thám ngày nay). Sở dĩ ông Hommel chọn địa điểm này là vì nơi đây có một cái giếng ngầm không bao giờ cạn. Nước ở giếng này rất trong và ngọt. Năm 1954, người Pháp rút đi, xưởng nấu bia của ông Alfred Hommel cũng đóng cửa. Sau đó 3 năm, Nhà máy bia Hà Nội ra đời với sự giúp đỡ của các chuyên gia Tiệp Khắc (trước đây), cho ra đời những chai bia Trúc Bạch. Với nguồn nước độc đáo, bia Trúc Bạch cũng có chút tiếng tăm. Thế nhưng, bia hơi mới là sản phẩm “danh bất hư truyền” của Nhà máy bia Hà Nội.
Năm 1960, những mẻ bia hơi đầu tiên ra đời. Và giờ đây, bia hơi đã trở thành một phần ẩm thực của Hà Nội. Thứ nước giếng độc nhất vô nhị đã tạo ra loại bia ngon nổi tiếng. Và thế là, từ một thức uống xa lạ, bia hơi đã gắn chặt với đời sống thường ngày của người Hà Nội cho đến tận ngày nay.
Bánh mì vốn là món ăn chính của người phương Tây, tựa như cơm của người Việt. Bánh mì phương Tây thường có dạng vuông hoặc tròn với các nguyên liệu như: Bơ, sốt mayonnaise, trứng opla, hành tây, xà lách... Khi bánh mì đến với người Việt, nó được biến cải thành hình dạng ổ dài, ăn kèm với pa tê, chả lụa, thịt nướng, dưa chua, hành lá, phá lấu, xíu mại... Rồi lại thêm cả các gia vị như xì dầu, tương ớt... đậm đà, chứ không đơn điệu như món ăn của Tây. Sau này, khi “Nam tiến” chiếc bánh mì được thêm vào dưa leo, cà chua, rau thơm, khiến cho một chiếc bánh kẹp thịt tuy đơn giản nhưng có thể trở thành một bữa ăn có đủ các thành phần dinh dưỡng hoàn chỉnh.
Đến 10 năm trở lại đây, bánh mì Việt Nam luôn nằm trong danh sách những món ăn đường phố ngon nhất thế giới.
Sự tiếp biến của ẩm thực Việt Nam với ẩm thực phương Tây thể hiện qua rất nhiều món ăn du nhập vào nước ta được chế biến lại hoặc kết hợp với các nguyên liệu truyền thống tạo nên các món ăn mang đậm hương vị Việt Nam. Salad là một ví dụ điển hình. Salad vốn là món ăn khai vị với tác dụng kích thích vị giác không thể thiếu của người phương Tây. Sang đến Việt Nam, salad được phát triển thành các món gỏi mang hoàn toàn hương vị bản địa, như: Gỏi ngó sen tôm thịt, gỏi bưởi, gỏi hải sản, gỏi khô bò...
Thịt bò cũng là một ví dụ điển hình. Trong các món ăn truyền thống của người Việt không có món nào là thịt bò. Thế rồi, người Việt biến đổi món bò bourguignon (bắp bò hầm với rượu vang) của người Pháp thành món thịt bò sốt vang. Ngoài công thức nấu tương tự người Pháp, người Việt giảm lượng rượu vang, cho thêm cà chua, cà rốt và nêm gia vị bằng hoa hồi hay ngũ vị hương. Tất yếu, hương vị của món thịt bò sốt vang không hề giống với món ăn của Pháp.
Trong thế giới ẩm thực, người Việt biến đổi rất nhiều món của phương Tây cho phù hợp với điều kiện nguyên vật liệu và thói quen ăn uống của mình. Với món kem tươi dành cho tráng miệng, người Việt chế biến thành nhiều loại kem khác nhau rất ngon miệng mang đặc trưng nguyên liệu Việt Nam như: Kem chuối lát, kem đậu các loại, kem mít, kem nhãn... Các loại thức uống có nguồn gốc phương Tây đã làm phong phú thêm những loại thức uống tại Việt Nam như: Cà phê, bia, sữa, rượu vang, nước ép trái cây, sinh tố, các loại thức uống đá xay... Điểm đặc biệt của quá trình du nhập các loại thức uống này là khi người Việt biết cách tận dụng các loại trái cây nhiệt đới để kết hợp và sáng tạo nên các tên gọi khác rất mới lạ dựa trên nền công thức và cách phối trộn nguyên liệu đồ uống phương Tây.
Là một khía cạnh của văn hóa, ẩm thực Việt cũng tích cực tiếp biến những giá trị của nền ẩm thực các nước. Để đến hôm nay, cùng với truyền thống, sự tiếp biến đã làm rạng danh Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới.
TRANG ANH