Có nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, người nông dân các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ sáng tạo nên chiếc niêu đất.

Nơi đây, thời tiết khắc nghiệt, thức ăn vừa nấu xong dễ bị thiu vào mùa hè hoặc đông cứng vào mùa đông. Vì thế, người nông dân cùng nhau tìm cách tạo ra dụng cụ để giữ thức ăn được lâu hơn. Và, chiếc niêu đất ra đời.

Và, cũng thật bất ngờ, một vật phẩm sáng tạo trong khốn khó lại có “năng lực” diệu kỳ. Niêu đất không chỉ nấu thức ăn ngon, giữ nhiệt tốt mà còn nấu được nhiều món, dễ lau chùi, dễ rửa, lại không tốn nhiều tiền mua. Thế là, chiếc niêu đất theo chân những nhà buôn tỏa ra khắp nước, trở thành một vật dụng không thể thiếu trong mỗi căn bếp từ nông thôn đến thị thành.

leftcenterrightdel
 Chiếc niêu đất khiến người ta bùi ngùi nhớ về truyền thống xưa.

Nhưng rồi, thế thời đổi khác, thời hiện đại ập đến với đồ kim khí lên ngôi. Nồi gang, rồi nhôm, inox ăn đứt nồi gang về độ tiện lợi. Cùng với đó là nếp sống công nghiệp tràn vào khắp hang cùng ngõ hẻm, lẽ tất yếu, sự tiện dụng được người ta ưu tiên. Chiếc niêu đất bị hắt hủi, vào thùng rác, ra hàng rào.

Thế rồi, khi càng đi xa trên con đường hiện đại, người ta lại càng bùi ngùi nhớ về truyền thống.

Trong căn bếp nhà bà ngoại tôi luôn lưu giữ hai chiếc niêu đất cỡ lớn. Ngày thường, chúng ít khi được sử dụng. Nhưng đến ngày Tết, ngoại tôi luôn dùng chúng vào hai việc-kho cá và nấu cơm.

Cuối năm, mùa tát cá. Cái lưng còng của ngoại cặm cụi ra tận bờ ao, nơi người ta đang hào hứng với mùa tát cá cuối năm. Mặc cho những mẻ cá trắm, cá chép béo ú núc ních nhảy chộn rộn đầy những thúc, ngoại kiên nhẫn chờ đợi, mắt dõi theo những người “hôi cá”. Đó là những người “vô sản”, đứng hóng trên bờ, chờ chủ ao thu hoạch xong cá rồi mới được xuống “hôi”. Ngoại chờ họ bởi hai lẽ. Lẽ thứ nhất, đó là những người nghèo, trời lạnh căm căm cuối năm nhưng họ vẫn băng băng lội bùn để mong kiếm được mớ cá tạp, bán đi kiếm ít tiền lo cái Tết. Ngoại mua cả của họ mà không bao giờ mặc cả, thậm chí, còn trả giá cao hơn cả ngoài chợ.

Lẽ thứ hai, là thứ cá ngoại nhắm mua. Khi người ta tát ao, nước động, lũ cá diếc thường rúc đầu xuống bùn để lẩn tránh. Vì thế, chủ ao ít khi chịu khó đi mò từng vốc bùn để túm lũ cá tinh quái ấy. Nhưng với những người “hôi cá” thì khác. Nắm được “quy luật” rúc bùn của bọn cá diếc, khi chủ ao thu hoạch xong, họ xuống ao, lần mò dưới lớp bùn nhão nhoét. Mỗi lúc, dân “hôi cá” lại túm được một chú cá diếc béo múp, ném vào cái chậu lê theo. “Tàn canh mãn võ”, ngoại tìm người bắt được mớ cá diếc to nhất.

Cá diếc mua về, ngập bùn, ngoại thong thả rửa từng con. Ngoại rửa kỹ nhất cái mang cá, vì trong đó thường rất nhiều bùn. Sau khi mổ sạch, ngoại xếp từng con vào cái niêu đất. Lưng niêu, ngoại đổ vào hai bát tương nguyên hạt, thêm nắm hạt tiêu chưa xay. Nồi cá kho được bắc lên bếp rơm, đun đùng đùng đến khi sôi sùng sục. Ngoại rắc trấu kín nồi, rồi bỏ đó lên nhà. Nồi cá kho liu riu từ trưa đến tận cuối chiều.

Cách ngoại kho cá rất đơn giản, nhưng ngon đến kỳ diệu. Con cá mềm bục nhưng không hề nát, thơm nức mùi tương mới, lẩn quất vị tiêu ấm áp.

Nhà chẳng thiếu gì nồi nấu cơm, từ nồi điện cho đến nồi gang, nhưng dịp Tết, ngoại luôn chọn chiếc niêu đất. Ngoại bảo, để nhớ về ngày xưa!

Nhưng có lẽ, đâu chỉ là vì ngày xưa. Nhà ngoại tôi thuộc hạng trung nông, cũng có chút của ăn của để. Ông ngoại lại là trưởng tộc nên nhà thường nhiều cỗ bàn. Vì thế, bà ngoại tôi rất biết nấu nướng. Và chắc chắn, không chiếc nồi nào có thể nấu cơm ngon hơn nồi đất.

Gạo tám xoan nấu bằng niêu đất, bằng bếp rơm, rồi ủ trấu, cho ra thứ cơm ngon ám ảnh: Thơm mùi gạo, nồng nàn vị rơm, dẻo xoắn tận ruột. Thứ cơm ấy tăng vị bội phần khi thưởng thức cùng cá diếc kho tương niêu đất. Ăn “thủng nồi trôi rế” mà vẫn thòm thèm!

Ngoại đã đi xa nhiều mùa xuân, nhưng hai chiếc niêu đất vẫn còn đó. Chúng ngày càng đậm thời gian, cái màu gạch non ban đầu đã thay thế bằng màu sành. Thế nhưng, hai chiếc niêu đất ấy chưa bao giờ là quá khứ. Tết này, tôi lại ấm áp trong căn bếp của ngoại. Lại được đợi chờ thưởng thức một cực phẩm dân dã.

TRANG ANH