Đã thành thông lệ, sau Tết Nguyên đán hằng năm, cả nước có hàng vạn thanh niên nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ của công dân với Tổ quốc. Trước ngày họ lên đường về đơn vị mới, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương và các đơn vị kết nghĩa đã có những buổi gặp mặt, trao quà, động viên tinh thần rất đầm ấm và thiết thực.

Gần đây, khi đến xã Yên Bình (Thạch Thất, Hà Nội) dự một hội nghị vốn được triển khai thường niên, tôi gặp và trò chuyện với bạn trẻ trúng tuyển nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2025 Bùi Anh Tú. Trong bộ quân phục mới, Tú trải lòng, từ sau khi biết em trúng tuyển NVQS, ngôi nhà em dường như không ngớt tiếng cười nói, thăm hỏi của khách. Nhiều bạn cùng học phổ thông, hội đồng niên đến chơi, thăm hỏi, chia tay, rồi có nhiều chú, nhiều anh, nhiều bác đại diện chính quyền, đoàn thể cũng đến động viên. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với Tú và những thanh niên trúng tuyển NVQS đợt này là được tham dự Chương trình “Xuân chung tay đoàn kết-Tết thắm tình quân dân”, do UBND huyện Thạch Thất phối hợp với một số đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn tổ chức trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Trong chương trình, họ được chia sẻ thông tin từ những cựu chiến binh, cựu quân nhân; được tặng quà, được tham gia các trò chơi dân gian và tham dự ăn cỗ Tết. Chàng thanh niên dân tộc Mường có khuôn mặt trẻ măng tâm tình, sự quan tâm, động viên của các tổ chức và cá nhân khiến em háo hức chờ mong ngày hội giao quân nhanh đến.

leftcenterrightdel

Thanh niên quận Ba Đình, TP Hà Nội hăng hái lên đường nhập ngũ trong ngày hội tòng quân (tháng 2-2024). Ảnh: PHẠM HƯNG 

Câu chuyện của Tú khiến tôi nhớ lại ngày nhận giấy báo trúng tuyển vào Học viện Chính trị và lệnh gọi nhập ngũ cách đây gần 30 năm. Khi biết tin, rất nhiều bà con trong thôn đến nhà tôi chia vui, tặng quà. Đám bạn phổ thông của tôi cũng đến nhà trò chuyện tíu tít. Có cậu còn mang theo cả đàn ghi ta đến. “Ban nhạc lâm thời” ấy hát say sưa các bài ca, trong đó tôi nhớ nhất là nhạc phẩm “Lá xanh” của nhạc sĩ Hoàng Việt:

 “Lá còn xanh như anh đang còn trẻ

Lá trên cành như anh trong toàn dân

Gió rung cây cành lá tưng bừng đùa vui

Anh trai làng có đi chiến dịch mùa xuân?

Anh là lá trên cành ngại chi gió mưa

Anh là trai phải ra chiến trận phen này”...

Nếu ai từng nhập ngũ, từng sống trong môi trường được mệnh danh là “đại học tổng hợp” với đặc trưng “kỷ luật sắt” thì khó có thể quên kỷ niệm trong lễ giao quân.

Tôi từng đi nhận quân ở nhiều địa phương nên chứng kiến những cảm xúc trong lúc tiễn thanh niên lên đường của rất nhiều bạn trẻ. Từ sớm, nhân dân, người thân đưa con em mình từ các xã về tập trung ở sân vận động của ban CHQS huyện và hàng ngũ chỉnh tề để tham dự buổi lễ. Xe và cán bộ các đơn vị nhận quân sẵn sàng đưa họ về đơn vị mới. Sau các thủ tục gọn nhẹ, họ được đưa đến các xe chở quân. Những chàng lính trẻ kiêu hùng vẫy tay tạm biệt người thân trong ánh mắt tự tin và miệng cười rạng rỡ. Còn trong hàng trăm người đưa tiễn đầy lưu luyến, bịn rịn ấy, tôi thấy thấp thoáng đâu đó những khuôn mặt thiếu nữ e ấp và cả những giọt nước mắt của lời hứa chờ đợi. Lúc ấy, lời bài hát của Hoàng Việt sáng tác từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp lại có dịp ngân vang trong tâm khảm của tôi:

“Lá còn xanh như bao anh còn trẻ

Sức oai hùng đang căng trong toàn thân

Ngó lên cây màu lá tươi đầy trời xanh

Anh trai làng vấn vương gia đình làm chi!

Ra tiền tuyến thi tài cùng nhau giết Tây

Em chờ anh với bao chiến công lẫy lừng”.

Tháng 4-2024, tôi có tham dự một buổi họp tổng kết thực hiện công tác tuyển quân của một huyện ở ngoại thành Hà Nội. Đồng chí chính trị viên ban CHQS huyện chia sẻ với tôi rằng, anh từng tổ chức hàng chục lễ tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, nhưng mỗi lần tổ chức lại có một cảm xúc mới. Anh tâm tình, những người tổ chức như anh luôn đem hết nhiệt huyết, tinh thần để hội tòng quân diễn ra trang trọng, ý nghĩa, nhanh chóng, an toàn. Hiện nay, hình thức, kết cấu buổi lễ giao quân được quy chuẩn và thực hiện khá thống nhất. Điều đó giúp mọi công dân nhận thức được giá trị, trách nhiệm, niềm vinh dự, tự hào khi được góp sức phục vụ Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Tôi từng trò chuyện với nhiều cán bộ nghiên cứu lịch sử trong Quân đội ta và được các anh giải thích rằng, hội tòng quân tổ chức hằng năm ở các địa phương hiện nay là hoạt động mang tính truyền thống, xuất phát từ thực tế nhu cầu của nhân dân và cũng là việc làm kế tục lịch sử, trở thành một nét đẹp văn hóa.

Các nhà sử học quân sự phân tích, là đất nước nông nghiệp thường xuyên phải đối mặt với giặc ngoại xâm, trong tiềm thức của người Việt, lên đường tòng quân, gia nhập Quân đội để chiến đấu bảo vệ quê hương, xóm làng, đất nước là một niềm vinh dự, tự hào và được người Việt rất trân trọng. Tư tưởng đó trở thành một phần không thể thiếu trong lý tưởng sống của lớp lớp thanh niên, được các thế hệ trao truyền, kế tục và phát huy. Và để lý tưởng ấy ăn sâu thì những người ở hậu phương luôn trân trọng, luôn động viên họ lên đường, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Đây chính là nguồn gốc của ngày hội tòng quân. Họ dẫn chứng, ngay như trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, dù bị kìm kẹp, khủng bố nhưng phong trào tòng quân, gia nhập các nghĩa quân của Phan Đình Phùng, Đề Thám... ở các địa phương vẫn rất sôi nổi cho dù phải tiến hành bí mật. Họ cũng khẳng định, hội tòng quân phát triển mạnh và được tổ chức trang trọng, ý nghĩa như hiện nay khởi đầu có lẽ chính là phong trào Nam tiến sôi nổi, mạnh mẽ, rộng khắp các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và trong cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sau khi thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Sài Gòn (ngày 23-9-1945), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Thực tế cho thấy, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng về Nam Bộ kháng chiến, trong một thời gian ngắn, hàng chục vạn người, đủ các lứa tuổi, thành phần, kể cả trong nước cũng như kiều bào tình nguyện gia nhập giải phóng quân xung phong vào miền Nam chiến đấu chống quân xâm lược. Mỗi tỉnh tổ chức từ 1 đến 2 chi đội Nam tiến, gồm hầu hết chiến sĩ đã qua huấn luyện quân sự, được trang bị tốt nhất, gấp rút lên đường. Cùng với các địa phương, các đơn vị vũ trang tập trung trang bị mạnh tương đương trung đoàn như Chi đội Vi Dân, Thu Sơn, Độc Lập 1, Bắc Bắc... lần lượt hành quân Nam tiến. Nhiều Việt kiều ở Pháp, trong đó có những trí thức giỏi cũng tình nguyện về nước tham gia kháng chiến. Đến nay, trong một vài cuốn sử vẫn ghi rất rõ về sự kiện này.

Dân tộc Việt Nam vốn có lòng nồng nàn yêu nước, yêu hòa bình. Điều ấy đã được chứng minh trong lịch sử. Để đất nước có được những thành quả, sự ổn định và nền hòa bình cùng tương lai tươi đẹp ngày hôm nay, các thế hệ người Việt đã không tiếc máu xương, hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Thế nên, thật dễ hiểu khi tiếng trống và hội tòng quân mang ý nghĩa lớn lao với mỗi người Việt và trở thành nét đẹp văn hóa trường tồn cùng văn hóa dân tộc.

Đại tá TRỊNH BÁ HƯNG, Chính ủy Lữ đoàn 84, Cục Tác chiến điện tử, Bộ Tổng Tham mưu