Chung nhau uống nước một dòng sông, mỗi người lại có số phận, chí hướng khác nhau: Người theo cách mạng, người quay lưng lại với quê hương, nhưng cuối cùng, chiến thắng luôn thuộc về chính nghĩa với những người được soi rọi bởi ánh sáng cách mạng. Bằng hình thức thể hiện của nghệ thuật chèo, vở diễn “Rặng trâm bầu” của Nhà hát Chèo Quân đội đã đưa khán giả sống lại bối cảnh vùng đất Nam Bộ với những phận người trong những năm tháng cam go trước giải phóng...

Câu chuyện kịch của “Rặng trâm bầu”, tác giả Vũ Trinh-Hồng Vân (Trần Hồng Vân chuyển thể chèo), đạo diễn NSND Nguyễn Quốc Trượng lấy bối cảnh của vùng Nam Bộ trước năm 1975, xoay quanh mối quan hệ giữa 3 người: Tám Thọ (Văn Cường thủ vai), Ngọc Hiệp (Thanh Tuyết thủ vai) và Tư Xăm (Quốc Khánh thủ vai). Ba người sinh ra và lớn lên trong sự chở che, đùm bọc của những người dân nghèo, của những rặng trâm bầu. Họ đã có những năm tháng cùng nhau lớn lên, cùng nhau đi học và ôm ấp những ước mơ, hoài bão về tương lai nhưng lại cùng vướng vào mối tình tay ba… Tám Thọ và Tư Xăm đều đem lòng yêu cô gái xinh đẹp Ngọc Hiệp, thế nhưng Ngọc Hiệp cuối cùng chỉ dành tình cảm cho Tám Thọ, cùng anh đi theo ánh sáng cách mạng, cứu nước. Điều đó khiến Tư Xăm căm phẫn, thù hằn Tám Thọ và quyết đi ngược đường với Thọ-theo chính quyền quốc gia làm tay sai cho đế quốc Mỹ. Họ vẫn uống chung nước một dòng sông, nhưng chí hướng đã không còn cùng một phía.

Sau bao tháng ngày đấu tranh dũng cảm, không nhượng bộ, cuối cùng, Tám Thọ, Ngọc Hiệp cùng những chiến sĩ cách mạng và bà con trong vùng đã chiến thắng sự đàn áp của quân địch, giết Tư Xăm, bắt sống quân địch và lấy lại được căn cứ.

leftcenterrightdel
Cảnh trong vở chèo "Rặng trâm bầu"

Với hơn 100 phút, vở chèo “Rặng trâm bầu” đã tập trung ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại qua tập trung khắc họa nổi bật trí tuệ và sức mạnh con người Nam Bộ nói riêng, Việt Nam nói chung trong giai đoạn cam go, khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và lật đổ ngụy quyền. Ở đó có những con người như Tám Thọ, Ngọc Hiệp, Hưởng (Văn Phú), Lài (Hương Giang) đại diện cho khát vọng, trí tuệ, ý chí bứt phá và tự nguyện cống hiến, hy sinh trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng dân tộc. Trên mảnh đất anh hùng ấy còn có những gia đình yêu nước, cả nhà đều theo tiếng gọi của cách mạng với mong muốn sớm cứu dân làng thoát khỏi khổ cực; có những bà má như má Tám Thọ hy sinh con, cháu cho sự nghiệp cách mạng, dù thân chỉ còn da bọc xương, bị địch tra tấn nhưng nhất định không khuất phục.

Cùng với đó, “Rặng trâm bầu” còn khắc họa, ca ngợi những con người lao động nghèo, mộc mạc, bình dị, yêu quê hương, đất nước như ông Năm Mộc (Đức Hải), ông Tư Đục (Đình Lục), bà Bảy Quy (Kim Quy)... Ông Năm từ con gái vì lấy chồng ngụy quân; các ông còn đề nghị được các chiến sĩ gọi là đồng chí, đề nghị được Trung đội trưởng Hưởng giao vũ khí để có thể bắn bỏ bọn giặc, bọn bán nước; cùng bà con biểu tình đòi Tư Xăm thả người… Họ là đại diện cho những người dân hiền lành nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ, dũng cảm, biết phân biệt phải-trái, đúng-sai, căm ghét cái xấu, luôn bảo vệ chính nghĩa, ủng hộ cách mạng và luôn hy vọng vào ngày thống nhất đất nước không còn xa.

Bên cạnh đó, vở chèo cũng khéo léo lột tả, phê phán những con người đê hèn như lão Khâm (Xuân Dương) là những kẻ bán nước cầu vinh luôn bị người dân căm ghét, khinh bỉ. Lão luôn đeo kính đen những tưởng có thể che mặt, không ai nhận ra và cũng không dám đi đâu một mình vì sợ bị dân làng đánh, giết. Nhưng lão không biết một điều giống như ông Năm Mộc nói với lão: “Đã là chó thì không hóa hổ được đâu. Không cần phải che mặt”.

Đặc biệt, nhân vật Tư Xăm trong "Rặng trâm bầu" khiến người xem vừa căm phẫn lại cũng tiếc nuối. Tư Xăm cũng từng là chàng trai khao khát thống nhất đất nước như bao thanh niên khác nhưng cách yêu, cách giành lại tình yêu của Tư Xăm lại đầy sai trái-đó là theo địch để đối phó với Thọ. Bên cạnh những đoạn diễn xuất hống hách, độc ác khiến người xem căm phẫn, thậm chí chửi mắng, nhân vật Tư Xăm với sự thủ vai của nghệ sĩ trẻ tài năng Quốc Khánh nhiều lần khiến khán giả thương cảm với sự đau khổ, giằng xé bởi tình yêu. Trước Ngọc Hiệp, Tư Xăm luôn là một kẻ mềm yếu nhượng bộ. Không ít lần, hắn cố tình bỏ qua để Ngọc Hiệp chở thuyền hàng tiếp tế cho cách mạng, thậm chí khi Ngọc Hiệp gặp nạn, hắn cũng ra tay giúp… Ngọc Hiệp cũng nhiều lần khuyên Tư Xăm hãy trở về với quê hương, với những người dân, những rặng trâm bầu, với tình bạn từ thuở cắp sách tới trường… Nhưng cuối cùng, Tư Xăm vẫn quyết đi con đường sai trái.

Kết cấu chuyện logic, mạch lạc cùng với cách xử lý âm nhạc của chèo khéo léo kết hợp với chất liệu âm nhạc, văn hóa Nam Bộ, “Rặng trâm bầu” đã đưa khán giả đến với không gian, những con người, những câu hò đậm chất miền sông nước. Đặc biệt, phần thiết kế sân khấu, hình ảnh được đầu tư kỹ lưỡng làm nổi lên vẻ đẹp không gian vùng sông nước đã khiến khán giả ấn tượng mạnh, không ngớt lời khen ngay khi màn nhung kéo ra. Cuối cùng, góp vào thành công của “Rặng trâm bầu” không thể không kể đến giọng hát ngọt ngào, mượt mà và diễn xuất vô cùng thuyết phục của các diễn viên Đoàn diễn 2 đã khiến khán giả khi bức xúc, căm phẫn, chửi rủa, khi lại lặng người, xúc động...

Qua mỗi câu chuyện, phận đời bên những rặng trâm bầu sẽ trở thành những bài học, kinh nghiệm quý báu góp phần quan trọng hun đúc lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng trí tuệ con người Việt Nam trong giai đoạn xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Bài và ảnh: DƯƠNG THU