Mỗi cổ tích như một viên ngọc quý lóng lánh sắc màu văn hóa nên nhìn từ góc độ nào cũng thấy phát sáng những ý nghĩa. Viên ngọc ấy lại được đặt dưới thấu kính hội tụ những luồng quan niệm nhân văn từ nhiều khoảng trời không gian, thời gian nên càng lộng lẫy, chói lọi khác thường. Là sự kết tinh những giá trị tinh thần nên muốn tìm hiểu tâm hồn, tính cách một dân tộc, người ta thường tìm đến cổ tích. Đối thoại với thế giới cũng lấy cổ tích làm sứ giả đại diện... Với văn hóa Việt, không thể không “cử” Thạch Sanh hay cô Tấm... Ở đâu cũng vậy, nhân vật cổ tích là một “cổ mẫu” để đời sau xây dựng nên bao nhân vật mới. Hình tượng cô Tấm là rất tiêu biểu. Sẽ có hàng vạn cô Tấm “thoát thai” từ mẫu gốc để sống một đời sống riêng. Tức nhân vật được viết lại theo cái nhìn mới. Mỗi văn bản cổ tích là một “liên văn bản” phức tạp và đa dạng bậc nhất vì không chỉ “liên” với hôm qua mà còn “liên” với hiện tại và tương lai. Nhân vật cổ tích cũng giàu có tư tưởng bậc nhất và cũng gây tranh luận nhiều nhất. Ví như thằng Bờm khôn hay dại, cô Tấm hiền hay ác...

Ngày nay, thế giới thiên về quan niệm: Một mặt phải trả cổ tích về cho cổ tích, tức phải dựa vào đặc trưng thể loại để phân tích. Một mặt phải soi chiếu bằng ánh sáng của thời hiện đại để tìm ra các ý nghĩa mới. Có vậy mới khắc phục những bắt bẻ vô lối, kiểu như cô Tấm không có “trí khôn”: Đến tuổi đi bắt tôm cá ngoài đồng mà không phân biệt được bùn hay phân trâu; khi là hoàng hậu trèo lên cây cau cũng không nhận ra hành động chặt gốc hay đuổi kiến... Một thời người ta muốn viết lại cái kết truyện Tấm Cám với lý do nếu để thế thì cô Tấm “dã man” quá. Đó là những suy nghĩ “ngây thơ” như cổ tích!!!

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH

Nhìn bằng tinh thần đối thoại của thời 4.0 càng thấy Tấm Cám thật sự hiện đại, mới mẻ. Cứ như là truyện của hôm nay vậy.

Bất cứ một đối thoại nào cũng phải có các yếu tố cơ sở: Hiểu nhau, bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe nhau. Trước hết phải có tiếng nói. Ta thấy các nhân vật trong Tấm Cám đều nói để làm nên một cuộc đối thoại mà ý nghĩa nội dung của nó sẽ vang mãi muôn đời sau. Tiếng nói nhân vật nào cũng “văn vẻ”, đa tầng đa nghĩa của “kẻ hiểu đời”. Mẹ Cám nanh nọc ác độc cũng biết “làm văn” đầy ẩn dụ: “Chuông khánh còn chẳng ăn ai/ Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre”. Thậm chí con gà cũng “nói”: “Cục ta cục tác/ Cho ta nắm thóc/ Ta bới xương cho”, nghĩa là nó rất “khôn”, đòi trả công trước. Đích thực chi tiết này là sản phẩm của thời buôn bán trao đổi lợi ích. Cô Tấm nói nhiều nhất. Gọi Bống lên ăn cơm cũng rất “văn chương”: “Bống bống bang bang/ Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta/ Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”. Ngôn ngữ là tư tưởng. Lời này cho thấy cô Tấm có gì đấy hợm của, khinh người vì coi cơm mình là vàng là bạc còn của người khác thì ngược lại!? Nhưng có thật đúng với giọng cô Tấm? Con chim vàng anh cũng “nói”, dĩ nhiên theo giọng Tấm nhưng chua ngoa, dạy người: “Giặt áo chồng tao/ Thì giặt cho sạch/ Phải phơi bằng sào/ Chớ phơi bờ rào...”. Đến khung cửi cũng “nói” đầy đanh đá, thách đố: “Cót ca cót két/ Lấy tranh chồng chị/ Chị khoét mắt ra”... Cám nói ít nhất. Vì nó chỉ là “con rối” của mẹ nó. Những sự “văn vẻ” này cho thấy truyện được nhiều lần nhuận sắc của các thầy đồ Nho. Dựa vào tần số “tiếng nói” này để nhận định đây là truyện về chủ đề “mẹ ghẻ con chồng” là có cơ sở. Nhưng đó chỉ là một lớp mã phụ!

Cổ tích luôn là nỗi khát khao của một tinh thần nhân bản nhưng ở Tấm Cám đậm đặc hơn cả. Phải tràn đầy sự mong muốn một tinh thần dân chủ mới sáng tạo ra ông vua bình dân, gần dân, sống giữa dân gian, đi hội như mọi người, cũng như người thường khi nhặt một chiếc hài rơi. Chọn vợ cũng rất dân chủ, bất kể ai “ướm vừa hài” là lấy!... Đây là “ông vua” lý tưởng! Các ông “vua con”, các quan chức ngày nay có được thế không?!

Tại sao lại là cái hài?

“Người xinh cái gót cũng xinh”. Người Việt rất chú ý đến vẻ đẹp của gót chân. Đó chính là sự thách thức với cái lam lũ, vất vả suốt ngày lội bùn nên dân gian lấy cái gót chân làm đối tượng mỹ cảm-một biểu hiện của sự lạc quan vượt lên trên hiện thực. Nhạc sĩ An Thuyên trong Ca dao em và tôi có câu thật hay, thấm thía, rất truyền thống: “Và người con gái tôi yêu nơi làng quê/ Có ai ngờ chân lấm bùn mà tôi ngỡ gót chân tiên...”. Chữ “ngỡ” bắc cầu đưa “tôi” từ thế giới thực (lấm bùn) đến thế giới “tiên” (gót chân tiên). Cái hài ôm gót chân nên rất đúng với tư duy cổ tích, hài đẹp tức là chân đẹp...!

Khát khao một tinh thần dân chủ, bình đẳng là chủ đề chính đã chi phối hành động nhân vật một cách triệt để. Vì lẽ này nên khi đã là hoàng hậu, về giỗ cha, Tấm vẫn trèo cau! Tấm có hiếu một cách lý tưởng, bình dân một cách lý tưởng! Ngày nay, khi đã có “tí” cao sang thì các “nàng” liệu có được như vậy?

Tại sao lại hái cau?

Bao nhiêu câu ca dao về trầu cau và truyện cổ Trầu cau ca ngợi tình cảm gia đình, tình nghĩa anh em. Chi tiết này có trong Tấm Cám là “đắc địa”!

Truyện là một “liên văn bản” Phật giáo-cổ tích. Một là nhân vật Bụt (phiên âm từ Buddha). Hầu hết mọi khảo dị đều có nhân vật Bụt, cho thấy truyện ra đời sau khi Phật giáo truyền vào nước ta khá lâu. Bụt như một giấc mơ đẹp: Giúp kẻ khó, kẻ yếu, hóa giải mọi khó khăn. Nhờ Bụt, Tấm xong việc nhặt thóc gạo. Nhờ Bụt, Tấm có trang phục đi hội. Hai là mô típ “hóa thân”. Các nhà sư, tăng lữ đã “nhúng bút” vào văn bản Tấm Cám để dẫn câu chuyện đi theo con đường luân hồi. Nhưng họ không thắng được tinh thần nhân bản của văn hóa bản địa nên 4 lần Tấm chết đều nằm trong chủ đề chính: Khát vọng đổi mới!

Không gian cổ tích không có vật cản nên sự hóa thân cũng dễ dàng, người biến thành vật và ngược lại. Năm 1915, nhà văn Franz Kafka viết tiểu thuyết Hóa thân nổi tiếng, sử dụng mô típ của cổ tích. Cô Tấm hóa thân tới 4 lần, không lần nào giống lần nào: Chim vàng anh xinh xắn vương giả, cây xoan đào đỏ lòng thơm gỗ, khung cửi dân dã quen thuộc, quả thị chân quê mộc mạc.

Hạt nhân của mô típ “hóa thân” là khát vọng được sống một cuộc đời mới trong một môi trường mới tốt đẹp hơn. Thời hiện đại, người ta đi du lịch là từ sự gợi ý của cổ tích: Con người phải luôn hướng về cái mới. Dù yêu nhau cũng phải tạo ra môi trường mới, nếu không sẽ nhạt yêu. Ý nghĩa phổ quát bật ra: Cái cũ kỹ buồn chán sẽ bào mòn nhân tính. Cái tù đọng là kẻ thù của con người!

Cái chi tiết bản lề này cũng mở cho ta thấy một khoảng lặng của tính cách Việt: Khát khao đổi mới nhưng không triệt để. Vẫn chỉ đổi từ cái này sang cái khác, gần gũi, là cái xinh xắn mà không phải cái kỳ vĩ, hoành tráng. Không có đột biến lớn lao. Không chỉ là hạn chế của đầu óc tưởng tượng mà còn là đặc trưng: Thiên về tư duy mô hình cái “nho nhỏ”!

Cái kết của cổ tích luôn lôi cuốn mọi chú ý vì dồn vào đấy sự bùng nổ của khát khao thay đổi. Ai chẳng muốn hạnh phúc, may mắn. Cái kết sẽ thỏa mãn. Cổ tích trước hết dành cho trẻ em nên người lớn phải đọc bằng tâm hồn trẻ thơ để được trở về với trẻ thơ. Chẳng ai thích già nên ai cũng thích cổ tích. Tấm Cám (và hầu hết truyện Nôm khuyết danh của ta) có cái kết thật đích đáng, là khát vọng công lý: Thiện thắng ác. Các cổ tích của Pháp (như truyện Finette Cendron), Ả Rập, Tiểu Á, Bắc Phi... cũng có cái kết kiểu này: Giết (mụ) phù thủy rồi làm mắm cho con mụ ta ăn. Đây là dấu vết của công lý cổ xưa-“Ăn miếng trả miếng”. Kẻ thù ác (với ta) thế nào, (ta) sẽ “trả lại” y như thế (cho đúng luật) và hơn thế (cho bõ hờn)! Phải như thế mới là cổ tích: Người tốt phải gặp thật nhiều tốt lành. Kẻ xấu phải bị trừng trị đích đáng.

Kết cấu cổ tích luôn là sự phân cực tuyệt đối: Xấu xa, ác độc, tham lam... (Lý Thông, mẹ con Cám...)/ tốt đẹp, hiền lành, thật thà... (Thạch Sanh, Tấm...). Nếu nhân vật chính diện “hóa thân” theo chiều lý tưởng (càng tốt đẹp hơn) thì nhân vật phản diện phải ngược lại: Cám phải chịu “hóa thân” thành mắm. Tại sao vậy? Đó là “môi trường” không gian tăm tối (luôn đóng kín); có tính chất khủng khiếp, đáng sợ (nồng nặc, khó chịu); chịu đựng thời gian dài (hàng năm, ngày xưa còn chôn hũ mắm xuống đất) để biến sinh vật sống thành “xác không thối”. Cơ thể “nó” (cá, tôm, cua, cáy...) vẫn có thể còn nguyên (để mà sám hối về những điều xấu!) nhưng đã “biến” thành cái khác (mắm). Quan niệm cái ác trở về cái ác, không cho chúng lẫn vào cái tốt nên cho “mẹ/con” chúng ăn là hợp logic.

Được gia công bởi nhiều thế hệ, được phú thêm nhiều giọng điệu nên cô Tấm càng trở nên ước lệ. Nhờ cái không cụ thể này mà ai cũng cảm nhận cô đẹp và hiền theo cách riêng. Nhân vật đi vào lòng người đến mức có nơi dân gian lập đền thờ!

Đến đây có thể rút là cái hạt nhân biện chứng của truyện:

Truyện là một mô hình dân chủ lý tưởng: Có nhiều tiếng nói, ai cũng có thể nói. Muốn có dân chủ phải tạo ra một “môi trường dân chủ”. Truyện đã kiến tạo một “môi trường dân chủ” thật sự bình đẳng, ai cũng như ai (vua như dân, dân lại như vua. Vua chẳng giúp vợ tí tẹo nào, mẹ con Cám lại có thể giết hoàng hậu dễ dàng như chúng là “vua” vậy!).

Khát khao dân chủ, khát khao đổi mới, khát khao công lý là 3 chân đế vững chắc nâng đỡ tòa tháp cổ tích Tấm Cám sừng sững mãi với thời gian! Truyện đủ tầm “đối thoại” với các đỉnh cao cổ tích trên thế giới!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ