Trong ngôi nhà dài nhỏ nhắn nằm ở cuối buôn Zô, chị H’Lin Mlô đang cặm cụi chuẩn bị cơm tối cho gia đình trong gian bếp lửa. Chị cho hay, nhà cũng có nồi cơm điện nhưng ít khi dùng vì gia đình thích ăn cơm nấu bếp củi. Chị kể, lúc dựng ngôi nhà này, vợ chồng chị suy tư nhiều. Năm 2010, vợ chồng chị làm nhà ra ở riêng nhưng nguồn gỗ khan hiếm, giá cả đắt ngang với nhà xây. Tuy nhiên, vì muốn lưu giữ nếp nhà dài nên vợ chồng chị quyết định tìm mua gỗ dư của một số hộ dân trong buôn. Cuối cùng, gia đình chị cũng dựng được ngôi nhà dài rộng 6m, dài 15m. Chị H’Lin Mlô tâm sự: “Diện tích ngôi nhà khiêm tốn so với nhu cầu của cuộc sống hiện đại, song chật hay rộng là do cách sắp xếp của mỗi gia đình. Được ở trong ngôi nhà truyền thống, sinh hoạt theo phong tục của đồng bào Ê Đê là điều tôi cảm thấy thoải mái nhất. Nếu sau này có điều kiện, tôi sẽ mua thêm gỗ nới rộng ra, sắm các vật dụng trang trí cho ngôi nhà xinh đẹp”.

leftcenterrightdel
Già Y Tháp Nie thẩm chiêng trong ngôi nhà dài.

Bên ngôi nhà dài đã nhuốm màu thời gian, già Y Tháp Niê ung dung mang chiêng ra thẩm. Già cho biết, ngôi nhà này dựng cách đây 50 năm, dài 30m, bề ngang rộng 6m. Thời ấy, cây rừng còn nhiều, già chỉ việc đem lễ vật ra cúng xin thần rừng rồi nhờ thêm những anh em trong buôn mang rìu ra chặt. Công đoạn vận chuyển gỗ chủ yếu dựa vào sức kéo của trâu, bò nên phải mất hai mùa khô già mới chuẩn bị đủ nguyên liệu dựng nhà. Tiếp đến, già Y Tháp Niê nhờ bà con trong buôn chung tay làm liên tục 3 tháng trời mới xong ngôi nhà. Trải qua bao mùa mưa nắng, ngôi nhà vẫn nguyên vẹn, không bị sâu mọt tấn công, già chỉ gia cố thêm ít ván gỗ xung quanh nhà cho thêm chắc chắn. Già Y Tháp Niê tâm sự: “Hồi đó làm nhà ít tốn tiền, nhà này làm cho nhà khác rồi cứ thế giúp nhau. Ngôi nhà được coi là tài sản lớn nhất của một đời người nên phải làm cho chắc chắn. Làm xong, gia chủ đốt heo làm lễ lên nhà mới cúng thần linh và đãi bà con buôn làng một bữa thật to, rồi cứ thế vào ở cho tới già”. Ngôi nhà trở thành chứng tích của thời gian, cùng già Y Tháp Niê trải qua bao thăng trầm đổi thay của cuộc sống. Cứ đi đâu xa vài hôm là già lại thấy nhớ nếp nhà quen thuộc. Không chỉ gìn giữ nhà dài, già còn giữ cả ghế Kpan, chiêng và chiếc áo thổ cẩm của đồng bào Ê Đê. Vào những ngày lễ, tết, con cháu già Y Tháp Niê lại đoàn tụ, quây quần trong ngôi nhà cũ, nấu những món ăn truyền thống, kể cho nhau nghe những vui buồn trong cuộc sống.

Trưởng buôn Y Sóc Niê thông tin: Toàn buôn Zô có 96 hộ thì đều giữ được nhà dài truyền thống Ê Đê. Đây là điều anh rất vui và tự hào khi người dân buôn Zô vẫn giữ được bản sắc dân tộc trước “cơn lốc đô thị hóa” về tận buôn làng. Người dân vẫn gìn giữ nếp nhà dài, nấu những món ăn truyền thống, tổ chức các nghi lễ đặc sắc như lễ cúng nhà mới, lễ cúng sức khỏe... Bản thân anh cũng là chủ nhân của ngôi nhà dài hơn 20 năm tuổi, trong nhà có đủ ghế Kpan, các loại chóe, trống... Điều Trưởng buôn Y Sóc Niê trăn trở nhất hiện nay là nguồn gỗ cho các gia đình trẻ dựng nhà, bởi gỗ ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, trong khi đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Anh hy vọng người dân tiếp tục phát huy tinh thần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH