Sinh ra và lớn lên ở Đông Anh, một huyện ngoại thành Hà Nội, những năm học phổ thông, Thanh Huấn đã nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn của địa phương và các lớp học năng khiếu do nhà văn hóa huyện tổ chức. “Hồi ấy, tôi học cùng lúc cả lớp đấu kiếm, pencak silat và lớp hát chèo”-Thanh Huấn nhớ lại. Những năm học cấp 3, có thời gian Thanh Huấn đã theo học thể thao chuyên nghiệp nhưng rồi bỏ dở vì thấy không phù hợp, phần vì gia đình không muốn con theo nghiệp thể thao vất vả. Rồi vì muốn theo con đường nghệ thuật, lại có lợi thế ngoại hình, Thanh Huấn theo học lớp đào tạo người mẫu và được một số công ty người mẫu mời về làm việc. Nhưng rồi, anh vẫn cảm thấy đây không phải là con đường dành cho mình. Nhớ lại những ngày học hát chèo ở nhà văn hóa huyện, dù chỉ được dạy hát, làm quen cơ bản với hai làn điệu chèo nhưng những giai điệu, lời hát của làn điệu Lới lơ, Cách cú vẫn luôn trong tâm trí của chàng trai trẻ và anh nhận ra, chèo mới là thứ anh yêu thích thực sự. Vậy là tốt nghiệp THPT, khi các bạn học chọn thi vào những ngành kinh tế, tài chính-ngân hàng thì Huấn quyết định thi vào Khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Kết quả không như mong muốn: Huấn… trượt cả hai trường.
|
|
Đại úy QNCN Hoàng Thanh Huấn |
Tuổi trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết nhưng quan trọng là có được quyết tâm theo đuổi đam mê và Thanh Huấn đã chọn cách theo đuổi đam mê đến cùng… Năm sau, Huấn thi lại và đỗ vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Liên tục trong 4 năm học, Thanh Huấn luôn đạt điểm cao nhất nhì lớp các môn năng khiếu. Là sinh viên sân khấu, học giỏi nhưng ít ai biết rằng suốt quãng đời sinh viên, Huấn có công việc “tay trái” là bốc vác hàng thuê. Ngày đi học, chiều tối về theo xe hàng đi làm đến tối, có hôm mưa gió, khuya mới về đến nhà. “Thật ra, mình đi làm thêm không phải vì gia đình khó khăn mà lúc đó chỉ nghĩ đơn giản là làm thêm để rèn luyện sức khỏe, vừa có thêm tiền tiêu vặt. Sau này trưởng thành hơn, nhớ lại thấy những ngày đó đã mang lại cho mình nhiều điều ý nghĩa”-Thanh Huấn chia sẻ.
“Hay là ra trường con về quê làm cán bộ văn hóa huyện, vừa gần nhà vừa ổn định”-mẹ Thanh Huấn đã nói vậy khi anh chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Đã từng một lần quyết tâm theo đuổi đam mê, chẳng lẽ bây giờ mình lại bỏ cuộc? Câu hỏi ấy khiến Huấn nhiều đêm mất ngủ. Rồi một lần nữa, anh quyết tâm phải sống với đam mê, cuộc đời này anh chỉ có thể gắn bó với chèo mà thôi…
Đã đôi lần, Thanh Huấn tâm sự rằng, nhiều loại hình nghệ thuật mang tính giải trí cao, mới lạ cũng khiến anh thấy hay, thấy choáng ngợp. Nhưng nếu ai hỏi Thanh Huấn có khi nào hối hận khi theo chèo trong khi có nhiều cơ hội tốt để theo các loại hình giải trí hiện đại dễ nổi tiếng hơn, thu nhập tốt hơn… thì anh sẽ trả lời rằng, anh không bao giờ hối hận về con đường mình đang đi! Có chăng anh chỉ thích tìm hiểu, học hỏi những điều mới lạ để bồi đắp thêm cho chèo hấp dẫn hơn. Anh quan niệm, ai cũng phải tìm ra những con đường đi riêng cho mình để khỏi tụt lại phía sau. Tuổi trẻ là một lợi thế cho anh dễ dàng thích nghi, tiếp thu những điều mới mẻ và chắt lọc, lựa chọn những cái hay rồi ấp ủ, nuôi nấng, bồi dưỡng cho ước mơ làm mới nghệ thuật chèo.
|
|
Thanh Huấn vào vai Lê Vinh (người quỳ) trong vở "Đời luận anh hùng" của Nhà hát Chèo Quân đội dự Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc 2016. (Vở diễn đoạt HCV, Thanh Huấn đoạt HCB cá nhân) |
Nhớ lại lúc mới công tác tại Nhà hát Chèo Quân đội, Thanh Huấn tham gia vở diễn đầu tiên “Thương nhớ trầu cau” dự Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc năm 2011 và giành Huy chương Bạc cá nhân. Dịp Nhà hát Chèo Quân đội khôi phục vở chèo cổ “Lưu Bình, Dương Lễ”, vào vai Lưu Bình, Thanh Huấn được soạn giả Mai Văn Lạng đánh giá là đã tạo nên một nhân vật Lưu Bình đầy mới lạ… Các vai diễn sau đó Thanh Huấn đảm nhiệm đều cho người xem những ấn tượng đặc biệt và được giới chuyên môn đánh giá cao. Thanh Huấn chia sẻ: “Tôi may mắn khi được về công tác tại Nhà hát Chèo Quân đội, nơi tôi được sống với chèo, nơi chúng tôi gọi nhau là bố-con, mẹ-con, anh, chị-em như một gia đình. Đặc biệt, với sự quan tâm của ban lãnh đạo nhà hát, sự giúp đỡ, chỉ bảo của các nghệ sĩ đi trước, nghệ sĩ trẻ như tôi được tạo điều kiện để phát huy tối đa năng lực qua các vai diễn khó, các cuộc thi. Nhờ vậy mới có một Thanh Huấn của ngày hôm nay”.
Giống như bao nghệ sĩ trót yêu và đam mê nghệ thuật dân tộc, Thanh Huấn biết rõ chèo nói riêng và các loại hình nghệ thuật dân tộc nói chung đang trong giai đoạn khó khăn, thách thức trước sự tụt hậu so với các loại hình nghệ thuật mới mẻ, hiện đại mà giới trẻ yêu thích. “Không có bước chuyển nào là dễ dàng cả, khó khăn là chuyện đương nhiên. Bản thân tôi cũng gặp không ít khó khăn để phát triển trong nghề. Giai đoạn hiện nay, giữ được chỗ đứng của chèo đã khó chứ chưa nói đến chuyện phát triển chèo đi sâu vào lòng giới trẻ. Đó là thử thách lớn của người yêu chèo và muốn bảo tồn, phát triển chèo như tôi. Nhưng tôi tin mình sẽ là một người tiên phong trong giới trẻ yêu chèo tìm tòi, sáng tạo để hòa nhập giữa chèo cổ và hiện đại, giúp cho giới trẻ thời công nghệ yêu thích chèo hơn”-Thanh Huấn trải lòng.
DƯƠNG THU