 |
Nông dân Quảng Ngãi thu hoạch vụ mùa. Ảnh: ĐV |
Trở về quê vào một buổi chiều chan chứa nắng vàng và cảnh sắc đập vào mắt tôi trước tiên không phải là lũy tre làng, khói bếp lam chiều hay con đường gập ghềnh khúc khuỷu… mà đó là cánh đồng lúa bạt ngàn với một màu vàng óng tưởng chừng như bất tận chạy dài tới tận chân đê. Vâng, cái màu vàng đó là màu của rơm rạ, của những hạt lúa báo hiệu một mùa gặt bội thu đã tới. Tôi thực sự nao lòng trước cảnh sắc của đồng quê đẹp tựa một bức tranh thủy mặc, mà ở đó có đủ sắc màu của lúa vàng; màu xanh của nét chấm phá, đó là lũy tre làng; màu trắng bàng bạc của khói bếp, của sương giăng và màu hồng tía pha lẫn chút tím sẫm của những đám mây chiều hoàng hôn phản chiếu. Người lãng mạn và yêu thiên nhiên như tôi xưa nay vẫn không thể từ bỏ những cảm hứng và thói quen hòa mình vào thiên nhiên, nhất là thiên nhiên đẹp. Tôi cố ngắm thật kỹ, thật no nê đến thỏa thích cái bức tranh “
mùa thu vàng” ấy và cầu mong nó không mất đi (?!). Nhiều lúc tôi tự nhủ, thật là ngốc nghếch rằng: Nếu bức tranh vàng cứ nguyên xi vậy thì dân mình lấy đâu ra gạo để ăn…
Và thế là bức tranh vàng ấy cứ dần dần mất đi và không còn nữa khi quê tôi bước vào vụ gặt. Từng thửa ruộng được người dân gom hết cái màu vàng ấy về để cuối cùng còn mỗi một màu
 |
Nông dân Nam Định tuốt lúa trên đồng. Ảnh: Đào Vinh |
nâu sẫm của đất. Bước vào mùa gặt lúa, cũng mệt mỏi bởi có quá nhiều việc phải làm. Người lớn lo làm các công việc gặt lúa thì trẻ con, người già cũng khá bận rộn bởi các công việc vặt và cả nấu cơm, đun nước, thu dọn nhà cửa. Bây giờ trẻ con không có các thú vui rang thóc nổ bỏng để cắn chắt và làm cốm, hay chơi trò bện rơm… Nhưng chúng tôi ngày trước thì đủ trò. Những đêm trăng sáng, khi lúa nếp bắt đầu ngậm sữa chắc hạt là cả bọn lại rủ nhau đi tuốt trộm lúa về rang để làm cốm ăn. Thú nhất là những buổi tối chơi trò đuổi bắt trú nấp quanh các đống rơm. Mặc dù ngứa và rặm phải biết nhưng đứa nào đứa nấy do mải chơi vui nên quên khuấy hết. Tôi còn nhớ như in những đêm trăng, khi đồng hồ mới chỉ 2 giờ sáng, mẹ đã đánh thức tôi dậy để đi gặt lúa.
 |
Theo mẹ ra đồng (chụp ở Hoàng Su Phì, Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Văn Thế |
Mẹ bảo: “
Ruộng nhà rộng, mai sợ trời nắng nên con chịu khó đi gặt cùng mẹ cho nó mát”. Tôi ngoan ngoãn nghe lời và cùng mẹ bước thấp bước cao ra đồng gặt lúa. Ánh trăng sáng vằng vặc nhìn khá rõ nên khi trời tang tảng sáng, hai mẹ con tôi đã gặt xong cả thửa ruộng lúa rộng tới 2 sào. Lần nào cũng vậy, mẹ lại “động viên” và thưởng cho tôi mấy đồng để ăn quà. Không chỉ riêng tôi, mà đứa trẻ quê nào cũng vất vả, cũng phải lao động từ rất sớm. Chúng tôi chỉ thực sự vất vả vào vụ gặt hoặc vụ cày cấy, còn ngày thường, cả bọn lại chăn trâu, thả diều sau những buổi tới trường.
Mùa gặt quê tôi rộn ràng của âm thanh từ máy tuốt lúa, từ tiếng nói cười râm ran của những người dân được mùa. Sắc màu, âm thanh hòa quyện trong cái mùi thơm ngai ngái, nồng nồng của rơm rạ-cái mùi quả là đặc trưng, bình dị mà mỗi con người sinh ra, lớn lên ở quê đều không dễ gì quên được…
HƯƠNG GIANG