Trùng tu di tích kiến trúc có nghĩa là gia cố di tích kiến trúc đó để làm cho nó tiếp tục sống với thời gian, khôi phục lại giá trị lịch sử và nghệ thuật của nó. Trùng tu di tích là việc chỉ thực hiện sau khi đã nghiên cứu, đánh giá và nhận thấy bắt buộc phải làm để bảo tồn, phát huy giá trị thẩm mỹ và lịch sử của di tích. Trong trùng tu di tích, nguyên tắc hàng đầu là tôn trọng chất liệu gốc.

Ở nước ta có hàng nghìn di tích kiến trúc lịch sử văn hóa với các quy mô khác nhau và được phân cấp quản lý phù hợp với tính chất cùng các điều kiện cụ thể. Đặc điểm chung của những di tích kiến trúc này là tồn tại đã lâu, trong đó có nhiều di tích kiến trúc đã bị xuống cấp, nhiều nơi phải có biện pháp trùng tu, bảo vệ khẩn cấp.

Đa phần các di tích kiến trúc có giá trị lịch sử văn hóa rất lớn. Nó gắn liền với đời sống xã hội sản xuất nông nghiệp tự cấp tự túc, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa tinh thần cũng như tinh thần chống giặc ngoại xâm kiên cường. Cái đẹp của một công trình kiến trúc cổ ở nhiều khía cạnh: Kiểu dáng, họa tiết mỹ thuật, đặc trưng văn hóa của thời kỳ và đương nhiên không thể thiếu yếu tố thời gian.

leftcenterrightdel

Cần tôn trọng yếu tố gốc. Minh họa: LÊ ANH 

Bởi thời gian được xem là yếu tố quyết định đến sự thu hút của dư luận. Thời gian giúp công trình kiến trúc tăng giá trị lịch sử, giúp thu hút du khách đến tham quan để tìm hiểu, khám phá. Thực tế cho thấy, du khách sẽ tìm được trong rêu phong, cổ kính của công trình kiến trúc không chỉ là giá trị lịch sử, thẩm mỹ mà còn là vẻ đẹp trầm mặc, hút hồn, qua đó để yêu đất nước, yêu dân tộc và yêu văn hóa Việt Nam hơn.

Qua nghiên cứu nhận thấy, những di tích kiến trúc mang đậm giá trị lịch sử văn hóa thường tập trung ở những vùng đất cổ xưa, những đô thị được người xưa chọn làm kinh đô, nhưng cũng có những di tích nằm ở những nơi sơn thẳm cùng cốc, tách biệt với nơi sinh hoạt phồn hoa đô hội của con người. Đa phần các di tích kiến trúc được thiết lập, xây dựng từ gỗ, gạch cùng số ít là kiến trúc gạch đá của người Chăm.

Ví dụ ở Hà Nội, chỉ tính sơ qua đã có 15 di tích kiến trúc nổi tiếng. Điển hình là di tích Thành Cổ Loa, một bằng chứng thép đánh dấu thời kỳ lịch sử đầy hấp dẫn về thần kim quy và mối tình đầy trắc trở của Mỵ Châu và Trọng Thủy. Đặc biệt, những nghiên cứu của các nhà khảo cổ học đã xác định tòa thành cổ có quy mô rộng khoảng 500ha này có tuổi đời "vĩnh cửu" nhất tại Việt Nam được xây dựng từ thời vua An Dương Vương, có cấu trúc 9 vòng xoáy ốc cực kỳ phức tạp. Từ Hà Nội, phát triển sang Bắc Ninh ta cũng thấy có hàng trăm di tích kiến trúc nổi tiếng như chùa Dâu, chùa Dạm, thành cổ Luy Lâu. Sang Hải Dương có các khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc. Đến Quảng Ninh sẽ có di tích Yên Tử. Ở Thừa Thiên Huế có cố đô Huế. Ở Quảng Nam có Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.

Có thể nói, mỗi di tích đều có một giá trị riêng gắn với lịch sử văn hóa từng thời kỳ, trong đó giá trị về kiến trúc được xem là trung tâm và là linh hồn. Đây cũng chính là nguồn gốc để công tác bảo tồn, trùng tu dựa vào, qua đó nhằm phát triển du lịch, thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói”.

Trên thế giới, từ lâu việc bảo tồn, trùng tu di tích kiến trúc này đã được đặt ra. Tính đến nay, các nhà khoa học đã xây dựng được lý thuyết tương đối hoàn chỉnh và thu được khá nhiều kinh nghiệm thông qua công tác bảo tồn các di tích lịch sử và văn hóa. Các chuyên gia đã tổng kết được những nguyên tắc chung về trùng tu các di tích và thể hiện điều ấy trong hai bản Hiến chương Athena năm 1931 cùng Hiến chương Quốc tế về bảo tồn và trùng tu di tích và di chỉ (Hiến chương Venice) năm 1964. Hiện nay, những nguyên tắc cơ bản trong các bản Hiến chương ấy vẫn giữ nguyên giá trị. Đó là những nguyên tắc được đúc kết qua kinh nghiệm thực tiễn trùng tu các di tích kiến trúc ở Hy Lạp, Italy và Pháp.

Trong cuốn giáo trình của Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh có tên “Bảo tồn và trùng tu các di tích kiến trúc” do Nhà xuất bản Xây dựng tái bản năm 2014, PGS, TS, kiến trúc sư Nguyễn Khởi đã đưa ra các nguyên tắc, nhiệm vụ cơ bản của phương pháp trùng tu hiện đại gồm những điểm chính, trong đó việc gia cố di tích, bảo đảm cho di tích tồn tại lâu dài ở dạng nguyên gốc tối đa là nguyên tắc quan trọng hàng đầu.

Thực tế công tác trùng tu di tích ở Việt Nam những năm qua có những thành công rất lớn, góp phần quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Điển hình như từ năm 2003 đến năm 2010, trong khuôn khổ Chương trình Bảo tồn di sản văn hóa do Bộ Ngoại giao Đức tài trợ, nhóm chuyên gia GCREP đã giúp bảo tồn, trùng tu tại Thừa Thiên Huế 6 bức tranh tường ở cung An Định (2003-2005); khu vực tầng 1, 2 của cung An Định (2005-2008); trùng tu Bửu Thành Môn và Bình Phong lăng Tự Đức; đình làng Trần Đăng ở ngoại ô Hà Nội (2009-2010); chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh.

Tuy nhiên, việc trùng tu di tích không phải lúc nào cũng đạt kết quả tốt. Nguyên nhân là các nhà trùng tu không tuân thủ nguyên tắc tôn trọng yếu tố gốc trong thực hiện. Cách đây vài năm, tình trạng “khoác áo mới” cho di tích khiến dư luận ngỡ ngàng cũng từng xảy ra tại dự án trùng tu Ngọ Môn (Huế). Các nhà trùng tu đã dùng công nghệ tẩy sạch hết màu thời gian rồi phủ một lớp sơn mới, khiến cửa Ngọ Môn hiện ra là một tòa thành mới toanh...

Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy việc tôn trọng yếu tố gốc giúp cho di tích kiến trúc của một số nước đạt được hiệu quả lớn. Ví dụ, cách trùng tu các công trình kiến trúc ở Venice, thành phố cổ kính 1.500 năm tuổi. Trong thành phố này, mỗi ngôi nhà là một di sản được bảo tồn nguyên trạng. Tường của nó sứt sẹo, mốc meo và hầu như không thay đổi qua thời gian. Cả khu phố không xuất hiện nhà cao tầng, biển quảng cáo cũng không hề được treo, đặc biệt không có kiến trúc mới xây chen... Chính quyền thành phố cũng cho phép người dân tự do sinh hoạt, ngay cả việc phơi quần áo trước nhà, tự chọn màu sơn cho ngôi nhà của mình...

Cộng hòa Séc có lâu đài Praha thuộc diện cổ nhất trên thế giới với nhiều cung điện đền đài, được bao bọc bởi bức tường thành. Để bảo tồn nó, các nhà khoa học đã trùng tu lần lượt các công trình bằng cách quây phủ bên ngoài để tu sửa phục chế bên trong sao cho thật nguyên vẹn. Tuy nhiên, thành phố cổ Praha vẫn xây dựng những công trình kiến trúc mới, nhưng yêu cầu khắt khe của họ là phải phù hợp với thẩm mỹ nghệ thuật đương đại.

Nhật Bản cũng là một quốc gia tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di sản kiến trúc. Thời gian trùng tu các tòa nhà cổ ở Nhật Bản thường kéo dài trong nhiều năm. Họ huy động rất nhiều người thợ thủ công truyền thống và sử dụng tối thiểu công nghệ hiện đại trong trùng tu. Cũng vì lý do này mà các nghề thủ công truyền thống như làm chiếu tatami, lợp ngói nhà truyền thống, kỹ năng trát vữa, làm mộc truyền thống đến các kỹ năng trang trí thủ công với các vật dụng nhỏ nhất... được hỗ trợ và phát triển, đem lại việc làm, thu nhập cho người lao động. Ví dụ điển hình chính là việc Nhật Bản đã mất 5 năm (2010-2015) để trùng tu lâu đài Himeji-một tòa thành cổ gần 700 năm tuổi ở thành phố Himeji, tỉnh Hyogo, cách thủ đô Tokyo 650km về phía Tây. Trước đó, vào năm 1956 nước này cũng đã trùng tu lâu đài này, nhưng phải mãi đến 1964, việc trùng tu trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối yếu tố gốc mới hoàn thành.

Ở nước ta, các văn bản quy phạm pháp luật về trùng tu di tích kiến trúc đã hoàn thiện, tuy nhiên, việc áp dụng và thực hiện những văn bản ấy chưa toàn diện và đúng đắn. Rất mong các ngành chức năng, đặc biệt là ngành văn hóa cần phát huy tốt vai trò hơn nữa. Cần xác định trùng tu là phục chế lại công trình kiến trúc, nghĩa là bằng cách nào đó phải trả lại cho nó đúng vóc dáng, vẻ đẹp của một công trình xưa cũ đã trải qua bao dấu ấn thời gian. Nếu đi chệch khỏi tinh thần này, nghĩa là đã đập cũ xây mới.

Kiến trúc sư VŨ VĂN PHÚC