NSƯT Mai Lai.

Trên các tấm pa-nô, áp phích được treo trang trọng tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải (Trung Quốc) tháng Mười vừa qua, có một dòng chữ in đậm: “Cao nhã đàn tranh Việt Nam”. Bên cạnh là hình ảnh một người phụ nữ xinh đẹp và duyên dáng trong chiếc áo dài dân tộc, nghiêng người trước cây đàn của mình: Cây đàn tranh Việt Nam.

Người đầu tiên thuyết trình về đàn tranh tại nước ngoài

Đi biểu diễn, giao lưu và giới thiệu về cây đàn tranh Việt Nam với bạn bè quốc tế, xưa nay không hiếm. Nhưng đứng trên giảng đường của một học viện âm nhạc có tầm cỡ thế giới về âm nhạc dân tộc truyền thống để giảng về vai trò, kĩ thuật và khả năng diễn tấu đa dạng, sinh động rất riêng… của cây đàn tranh Việt Nam thì cho tới nay mới có 1 người: Nghệ sĩ ưu tú Mai Lai, Chủ nhiệm bộ môn Đàn tranh, Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đó là một việc khó. Hơn nữa, cây đàn tranh xuất hiện ở Việt Nam vào đời Lý – Trần lại được bắt nguồn chính từ những cây đàn kìm, đàn sắt của Trung Quốc. Sau gần một thế kỷ, một cô giáo, một nghệ sĩ của Việt Nam đã tự hào mang cây đàn tranh thấm đẫm hồn dân tộc mình để giới thiệu một cách chuyên sâu và biểu diễn minh họa trước các giáo sư hàng đầu, các nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc của Trung Quốc.

Gia đình cô giáo Mai Lai - một ban nhạc chuyên chơi nhạc dân tộc mang tên “Tre Việt” (chồng là Nghệ sĩ ưu tú Đồng Văn Minh, con trai lớn Đồng Quang Vinh và con trai thứ Đồng Minh Anh cùng cháu gái Minh Trang) đã có những buổi giao lưu âm nhạc đầy ý nghĩa với các thầy cô và học sinh bộ môn đàn Guzheng của Trung Quốc. Cây đàn tranh Việt Nam có hình dáng tương đối giống cây đàn Guzheng của Trung Quốc. Nhưng về âm thanh, về kĩ thuật nhấn nhá, mổ, vỗ… của cây đàn tranh Việt Nam thì khác. Đặc biệt, kĩ thuật nhấn nhá tay trái trên cây đàn tranh Việt Nam được các giáo sư Trung Quốc đánh giá cao. Bài thuyết trình của cô giáo Mai Lai rất chi tiết đã đưa ra các làn điệu chèo, các bài ca Huế, vọng cổ… Cách rung thế nào cho ra chất Huế, nhấn nhả thế nào thì đúng với chèo… tất cả được cô và cháu Minh Trang biểu diễn minh họa. Theo yêu cầu của các giáo sư, cô giáo Mai Lai đã hướng dẫn cho họ cách chơi một số bài dân ca bằng đàn tranh Việt Nam và họ mong muốn, từ nay các thầy cô và học sinh bộ môn đàn tranh của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ thường xuyên có những cuộc giao lưu về âm nhạc dân tộc truyền thống với các thầy cô và học sinh bộ môn đàn Guzheng của Học viện Âm nhạc Thượng Hải, Trung Quốc.

Người thầy tận tụy – Người nghệ sĩ tài hoa

Tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1982, được giữ lại làm giảng viên, ngay từ năm thứ nhất đại học, cô đã quen với công việc giảng dạy vì thường được nhà trường mời hướng dẫn học sinh trung cấp. Cô kể: “Đến với cây đàn tranh từ khi 10 tuổi tại Nhà văn hóa quần chúng, số 9 Cao Bá Quát, nhà nghèo, không đủ tiền để mua đàn, tôi phải xin tiền mẹ thuê đàn để tập. Đàn khi ấy cũng đâu có tốt nhưng không hiểu sao, cứ có tiếng đàn tranh cất lên là người tôi như bị mê đi, cuốn theo tiếng đàn, không sao cưỡng lại được. Yêu tiếng đàn như thế nhưng thời gian được học đàn cũng không nhiều. Tôi phải chăm sóc 4 đứa em vì bố mẹ đang ở xa… 15 tuổi, sau rất nhiều lần biểu diễn ở trường phổ thông, được bạn bè cổ vũ, tôi thi vào Trường âm nhạc Việt Nam và đỗ với số điểm rất cao. Ngay trong những ngày đang học, tôi cũng đã được đi tới rất nhiều nơi của đất nước để biểu diễn phục vụ đồng bào và các chiến sĩ ở biên giới, hải đảo…

Nghệ sĩ Mai Lai, con trai Đồng Quang Vinh, cháu gái và chồng - NSƯT Đồng Văn Minh.

Khi đã trở thành giảng viên, tôi vinh dự vì có nhiều học sinh của mình đoạt những giải thưởng cao trong các kì  thi âm nhạc dân tộc trong nước và quốc tế. Có nhiều học sinh đạt thành tích cao và thực sự có tài với cây đàn tranh Việt Nam như vậy nhưng tôi vẫn thấy tiếc vì thấy cây đàn tranh còn nhiều bất cập: Dây đàn còn nhỏ quá, ngựa cũng nhỏ, mặt đàn lại bị võng. Khi chơi mạnh quá là ngựa chạy, xê dịch, làm cao độ bị biến dạng, ảnh hưởng đến quá trình diễn tấu. Thứ hai là thời tiết cũng gây ảnh hưởng đến dây đàn… Tôi mong cây đàn tranh Việt Nam tiếp tục được nghiên cứu để cải tiến, nâng cao về chất lượng hơn nữa!”.

Ban nhạc Tre Việt của gia đình nghệ sĩ cũng là niềm tự hào không chỉ của riêng chị. Chồng chị, nghệ sĩ Đồng Văn Minh, người của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, nổi tiếng chơi đàn và làm đàn giỏi (anh làm đàn Tơ-rưng, Klông Put, đàn đá… và cả một cây đàn rất ấn tượng với cái tên Piano Tre). Con trai Đồng Quang Vinh từng làm MC của chương trình “Vượt qua thử thách” của Đài Truyền hình Hà Nội. Sau 5 HCV và rất nhiều giải thưởng với cây đàn Tơ-rưng, sáo Mèo… Vinh đã nhận học bổng toàn phần để sang Học viện Âm nhạc Thượng Hải, Trung Quốc học khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy. Con trai Đồng Minh Anh cũng gặt hái nhiều thành công với các giải thưởng từ đàn đá, đàn Tơ-rưng…

Ngoài những chuyến lưu diễn thành công tại nhiều nước và cả trong nước, bận rộn như vậy nhưng ban nhạc gia đình “Tre Việt” vẫn sắp xếp thời gian để có nhiều buổi biểu diễn từ thiện cho các trại thương binh, các trại trẻ mồ côi… Đem tài năng và những cây đàn do chính mình làm ra để mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống là điều đáng trân trọng đối với gia đình nghệ sĩ Mai Lai.

TUYẾT LAN