QĐND - Đắm mình trong cát, trong gió; thưởng ngoạn Tháp Poshanu, Lầu Ông Hoàng, Suối Tiên, Bãi Ông Địa; ngắm nghía những khu nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí hiện đại... quả thật, Mũi Né êm đềm và lãng mạn hơn tôi tưởng. Nhưng chưa hết! Mấy ngày ở đây, bên cạnh vẻ kỳ vĩ, hoang sơ, bí ẩn và sự sở hữu độc quyền một kỳ quan cát đầy quyến rũ, Mũi Né còn để lại trong tôi ấn tượng về một doanh nhân-cựu chiến binh.
Biểu tượng cây xương rồng
Tôi gặp một trong những chủ đầu tư của Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Muine Cactus (Cây xương rồng Mũi Né) - Nguyễn Thái Hồng Hạnh. Nhìn bảng quy hoạch tổng thể, tôi thấy Mũi Né Cactus rộng hơn 25 héc-ta, bao gồm khu khách sạn 5 sao, khu biệt thự (34 căn) cao cấp; hệ thống nhà hàng, bể bơi trong nhà và ngoài trời, sân ten-nít, phòng hội nghị, hội thảo cùng hệ thống cây xanh, non bộ, vườn, sảnh... Tất cả quyện vào nhau thành một quần thể. Phóng tầm mắt ra ngoài thực địa, hiện lên trước mắt tôi một khu nghỉ dưỡng tọa lạc trên sườn dốc thoai thoải ở cái thế "lưng tựa đồi cao, mặt hướng biển". Hẳn với cái thế này, ngôi biệt thự nào ở đây cũng dễ dàng ngắm mặt trời mọc và đón cái nắng hắt vào, cái gió thổi vào từ biển...
 |
Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải |
Sau cái bắt tay, biết tôi cũng là lính, anh hồ hởi bảo: “Gia đình mình mấy thế hệ đều là "Bộ đội Cụ Hồ". Đến đây, bạn hãy coi như nhà của mình nhé”. Tôi cảm động và nhận thấy ở anh nét chất phác, gần gũi. Đứng trên "sở chỉ huy", anh giới thiệu cho tôi về Dự án và các công trình phụ cận. Nhìn động tác dứt khoát của anh, tôi lại liên tưởng đến vị tư lệnh đứng trên đài quan sát. "Dự án khởi công từ tháng 9 năm 2009, đến nay đã xong cơ sở hạ tầng, dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2012. Còn nhiều việc phải làm lắm bạn ạ" – Anh nói. Đoạn, anh mời tôi tới chỗ có bộ bàn ghế giả gỗ ngoài trời, vì theo anh, vừa nhâm nhi ly cà phê vừa chuyện trò và ngắm biển chiều tà sẽ thú vị hơn nhiều. "Em muốn biết là vì sao anh lại dám bán cơ nghiệp ngoài Hà Nội để vào đây và cả hình ảnh cây xương rồng nữa..." – Tôi chủ động vào cuộc. "Trước hết mình nói về cây xương rồng" – anh hào hứng trả lời.
Theo anh, cái thương hiệu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nhiều khách hàng quyết định bỏ đồng tiền của mình ra là nhìn vào cái thương hiệu. Chính vì thế, các doanh nghiệp đều chú ý tạo dựng, chăm chút và bảo vệ thương hiệu của mình.
Và, như anh nói, cây xương rồng còn gắn với người cha của anh - người lính đã từng lăn lộn trên hầu khắp các chiến trường - một kỷ niệm không bao giờ quên. Chuyện là, bọn địch lợi dụng những bụi xương rồng tua tủa gai để làm hàng rào vòng ngoài, nhưng tương kế tựu kế, tổ trinh sát luồn sâu của cha anh đã tận dụng những bụi xương rồng để tránh được cái nắng, cái nóng ban trưa như rang của cát, và đặc biệt là để che mắt được địch, tiếp cận chúng. Lần công tác ấy, tổ trinh sát của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hóa ra là vậy. Cây xương rồng có sức sống mãnh liệt. Sự gai góc của nó là để chống chọi, đúng hơn, là để hòa đồng với thiên nhiên. Nó chắt chiu từng giọt nước, nó can trường và kiên trì phơi mình trước nắng, trước gió không chỉ để tồn tại mà còn để phát triển, đơm hoa, kết trái. Mũi Né được ví như một tiểu sa mạc, việc lấy cây xương rồng làm biểu tượng, tôi hiểu, là một phần thông điệp mà anh và các cộng sự muốn nhắn nhủ tới các thế hệ đi trước, rằng hãy đặt niềm tin ở lớp con, cháu.
Thắng và thua đọ ở tinh thần
Trở lại với việc bán cả cơ nghiệp... thay cho câu trả lời, anh tâm sự: "Cơ nghiệp của mình do mình tạo nên. Việc bán cơ nghiệp cũ để tạo dựng một cơ nghiệp mới cũng chẳng khác mấy việc phá bỏ căn nhà cũ để dựng nên căn nhà mới khang trang hơn, tiện nghi hơn". Nhưng làm một cuộc “cách mạng” từ Hà Nội vào đây là vấn đề không phải dễ" – tôi nói. "Đúng, song nó chỉ ở phạm vi gia đình, khó khăn đối với Dự án còn lớn hơn nhiều. Nhưng khó khăn mới cần đến bản lĩnh. Vấn đề là phải học cách chủ động đương đầu với khó khăn, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, thay vì chán nản, đối phó với khó khăn một cách tiêu cực, bị động " – anh nói như thể nói với chính mình. Nhấp ngụm cà phê, anh nói tiếp: "Bán cả cơ nghiệp nhà mình thì cũng chỉ góp được một phần đầu tư rất nhỏ cho Dự án. Song cái đó chính là cái để tạo lòng tin, để củng cố quyết tâm cho anh em. Người nước ngoài "vào" Mũi Né, chọn Mũi Né để đầu tư, mình tại sao không? Đành rằng họ rất mạnh về tiềm lực. Mình tiềm lực thì không bằng họ, nhưng, thắng và thua đọ ở tinh thần bạn ạ. Đó là câu thơ của nhà thơ lính Lê Anh Quốc mà mình rất thích bởi nó đúng cả trên chiến trường lẫn thương trường".
Tôi thấy sự tự tin, can đảm, lòng quyết tâm, đức tính kiên trì và cả dáng dấp xông pha trận mạc vẫn còn nguyên trong anh.
Cống hiến là để tri ân
Thoáng chốc mặt trời Mũi Né đã khuất sau quả đồi. Rảo bước trên con đường thênh thang ngay trong khu Dự án, giọng anh có vẻ trầm xuống: "Mình mắc nợ đồng đội nhiều lắm. Những năm đầu rời quân ngũ, anh em hẹn hò đến thăm nhau, giúp nhau ghê lắm, nhưng có giúp gì được nhau đâu. Đơn giản là cái tiền tàu xe đi lại cũng chẳng lo được, huống hồ chuyện giúp. Người nào cũng phải lo toan gia đình, miếng cơ manh áo. Nay ngoái lại thì người còn, người mất. Chẳng hiểu sao, mình vẫn thường xuyên mơ thấy anh em. Có vẻ như đồng đội đang thúc giục chúng mình phải làm cái gì đó. Vài năm nay, tụi mình cũng có giúp đỡ được một số mẹ, anh em và các cháu, nhưng chưa được là bao. Cuộc sống của anh em vẫn còn cực lắm, có anh cả mấy cha con đều bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, nhìn mà xót xa! Các bạn ấy, quả thật, đã gánh hết cho bọn mình...".
Anh im lặng. Tôi không muốn cắt ngang cảm xúc của anh. Bỗng chính anh phá tan sự im lặng: "Dân doanh nghiệp, nói làm giàu để tri ân chắc cũng còn có người ngờ vực. Nhưng rõ ràng, không giàu có thì lấy gì để tri ân, lấy gì để giúp đỡ người khác. Chẳng lẽ ta chịu ngồi nhìn người nước ngoài làm giàu trên đất mình? Cái giàu có mà bất minh thì không nói rồi, theo mình, làm giàu chính đáng là biểu hiện của cống hiến, làm giàu chính đáng để giúp đỡ được mọi người nhiều hơn. Đó là cách thiết thực nhất để tri ân đất nước, gia đình, đồng đội".
Đến giờ, tôi càng thêm vỡ lẽ là bạn bè, cộng sự quý mến anh, tin tưởng anh không chỉ vì cái chất lính đã "mặc định" trong anh, mà còn ở cái tư duy tươi mới của anh nữa. Đất trời Mũi Né sẽ không phụ lòng người. Bất giác, tôi nhớ đến câu nói: Suy nghĩ của con người làm nên con người đó, và liên tưởng đến anh.
Bài và ảnh: Đức Lê