Bà Út Bình sinh năm 1927, nghỉ hưu hơn 30 năm nay và sống ở TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Không chỉ thời còn công tác, những năm nghỉ hưu bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện ở địa phương. Những dịp lễ, tết, ngày nghỉ, bà chủ động đề xuất và tham gia các đoàn đến thăm bộ đội, thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Mấy năm gần đây sức khỏe hạn chế nhưng bà Út Bình vẫn là tấm gương mẫu mực, đóng góp với bà con khu phố, tham gia các công việc hữu ích và hướng dẫn, chỉ bảo các cháu chăm lo học hành, giúp đỡ người khó khăn.

Qua 44 năm tham gia cách mạng (từ năm 1945 đến 1989), bà Út Bình có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc. Hầu hết những kỷ niệm đó đều gắn với bộ đội trên các chiến trường miền Tây Nam Bộ, trên mặt trận giúp đỡ cách mạng Campuchia và cả trên tuyến biên giới phía Bắc, đặc biệt với anh em thương binh, liệt sĩ, những người con từ miền Bắc vào Nam chiến đấu. Một trong những kỷ niệm không bao giờ phai trong ký ức "Bà má chính ủy" là câu chuyện về kỷ vật chiếc khăn rằn đặc trưng của Nam Bộ. Trong Đại hội Anh hùng Lực lượng vũ trang Quân khu 9 năm 1970, với cương vị Thường vụ Phụ nữ giải phóng khu Tây Nam Bộ, cô Út Bình đã tặng anh chiến sĩ trẻ Hoàng Đạo Cật chiếc khăn rằn có thêu dòng chữ “Tặng anh hùng Hoàng Đạo Cật-tượng trưng Đội quân tóc dài phụ nữ miền Nam”. Anh bộ đội đặc công trẻ tuổi, người vừa lập chiến công vang dội trong trận đánh căn cứ núi Sam xúc động nói: “Chị tặng em chiếc khăn rằn là kỷ vật quý giá nhất cuộc đời em khi vào Nam chiến đấu. Nhưng biết em có giữ được hay không, vì em còn tiếp tục ra chiến trường. Em xin gửi lại chị, chờ ngày độc lập, nếu còn sống em sẽ tìm chị nhận khăn đem về biếu mẹ. Rủi em có hy sinh, nhờ chị có dịp ra miền Bắc, tìm đến nhà em, trao khăn và động viên, an ủi mẹ. Chẳng may mẹ em đã mất, chị thay em nhận chiếc khăn tang và thắp nén nhang cho mẹ...”.

Ngay lúc đó bà sững sờ lau nước mắt, bùi ngùi nhận lại chiếc khăn rằn và nhận lời với người chiến sĩ trẻ quê miền Bắc mới lần đầu gặp mặt. Hơn ai hết, bà nhận thức được rằng phía trước các anh còn bao trận chiến đấu ác liệt, còn muôn vàn hiểm nguy. Lúc đó bà cũng chưa hình dung ra ngày thống nhất đất nước, chưa hề biết tới Hà Nội-trái tim của cả nước mà hằng ngày người dân Đất mũi quê bà và cả đồng bào miền Nam đang hướng về, càng chưa biết quê hương Phúc Thọ của anh Hoàng Đạo Cật ở chốn nào. Nhận lại chiếc khăn, bà trân trọng gói cẩn thận đặt vào một thùng sắt chôn giấu kỹ ở căn cứ. Năm 1971, nghe tin anh bộ đội đặc công Hoàng Đạo Cật anh dũng hy sinh ở Kiên Giang, mắt bà nhòa lệ khi khui thùng sắt, lấy khăn lên rồi luôn giữ bên mình. Đến năm 1976, dẫu việc đi lại còn rất vất vả, khó khăn, nhưng bà đã ra miền Bắc, tìm đến quê hương anh hùng Hoàng Đạo Cật ở xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội), để trao chiếc khăn rằn cho người mẹ già của liệt sĩ trong niềm yêu quý của bà con xóm làng ở một miền quê xa lạ mà bỗng chốc trở nên gắn bó, thân thương. Chiếc khăn rằn kỷ vật ấy đang được lưu giữ ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo Tỉnh ủy Bạc Liêu đến thăm và chúc mừng bà Út Bình (ngồi giữa)-đảng viên 75 năm tuổi Đảng nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-2023). Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp

Trở lại miền Nam, dù bộn bề công việc của cơ quan, của Hội Liên hiệp Phụ nữ, cùng với những chuyến đi thăm hỏi, động viên bộ đội đang chiến đấu trên chiến trường nước bạn, bà Bình vẫn dành nhiều công sức đi tìm mộ liệt sĩ Hoàng Đạo Cật. Khi được biết nơi yên nghỉ của anh ở tận Rạch Giá, Kiên Giang, bà đã lo liệu mọi việc, đón gia đình anh Cật vào bốc mộ, phối hợp tổ chức đưa hài cốt liệt sĩ về mai táng chu đáo, trang trọng trong nghĩa trang quê nhà. Đến năm 1992, được tin mẹ anh Hoàng Đạo Cật qua đời, mặc dù đã nghỉ hưu, đồng lương có hạn nhưng bà Út Bình vẫn thu xếp để ra cúng 49 ngày của mẹ và nhận chiếc khăn tang như lời dặn của người đồng chí trước lúc ra trận, mặc dù thời gian trôi qua đã mấy chục năm. Bà thường tâm sự với mọi người: “Bộ đội thì đứa nào cũng thương cả, nhưng thương nhất là mấy đứa thương binh, bệnh binh và mấy đứa quê miền Bắc vào Nam chiến đấu”.

Trong những năm bộ đội ta làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, bà Út Bình đã 17 lần dẫn đoàn đại biểu phụ nữ vượt biển khơi mang quà sang thăm, động viên bộ đội, thương binh trên đất bạn. Tại nghĩa trang tỉnh Koh Kong (Campuchia), bà lần lượt thắp hương lên từng phần mộ của hơn 400 chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam quê ở Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp... Những năm 1981-1983, khi chiến tranh biên giới phía Bắc còn ác liệt, “Bà má chính ủy” đã 7 lần lặn lội từ Đất mũi Cà Mau lên Lạng Sơn để trao quà của chính quyền, nhân dân và phụ nữ tỉnh Minh Hải tặng bộ đội đang chiến đấu giữ gìn từng tấc đất biên cương nơi địa đầu phía Bắc của Tổ quốc. Đồng chí Nguyễn Như Hoạt (sau này là Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) là cán bộ chỉ huy đơn vị chiến đấu thời kỳ đó luôn ghi nhớ và trân trọng những lần được đón tiếp các đoàn do bà Út Bình dẫn đầu đến thăm, động viên bộ đội trên các điểm chốt biên cương. Nhiều năm liền, bà Út Bình gắn bó với các phong trào: “Hũ gạo chống Mỹ”, “Con gà, liếp rau thương binh” và sau này là “Chiếc áo mùa đông” hay “Chiếc khăn tấm lòng Đất mũi” của phụ nữ Minh Hải, phụ nữ miền Tây mà bà là người khởi xướng và tổ chức thực hiện. Biệt danh “Bà má chính ủy” do bộ đội miền Tây đặt cho bà từ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong quá trình Quân đội ta tham gia đấu tranh chống bọn diệt chủng Pol Pot, bởi tấm lòng và sự đóng góp của bà trên lĩnh vực tư tưởng, tình cảm của nhân dân đối với bộ đội ta.

Là người phụ nữ tham gia kháng chiến từ rất sớm, được tổ chức tin cậy giao nhiều trọng trách ở các tỉnh vùng đồng bằng sông nước, được bộ đội yêu quý, nhưng đời tư của bà có những nỗi buồn riêng mà chỉ khi gần gũi lắm bà mới nói ra. Đó là sau nhiều lần sinh con, nhưng đến nay bà chỉ còn lại một người con gái, hiện cùng sống với bà tại TP Bạc Liêu. Bởi những lần mới sinh con, bà vừa công tác vừa nuôi con nhỏ trong bưng biền vô cùng thiếu thốn, địch thường xuyên vây bắt, ruồng bố nên không có sữa cho con bú. Mấy lần bà phải gửi con nhỏ mới sinh được mấy chục ngày hay vài tháng tuổi nhờ cơ sở cách mạng hoặc người quen chăm nuôi giúp để chuyển vùng hoạt động ở địa phương khác. Không chỉ một lần, mà đã hai lần bà ngất lịm nhiều ngày khi được tin đứa con nhỏ do mình rứt ruột đẻ ra không còn nữa vì thiếu sữa, bệnh tật. Chỉ có bà, chỉ người phụ nữ Việt Nam kiên trung, bất khuất mới vượt qua nỗi đau riêng như thế để đứng vững, tiếp tục cống hiến cho kháng chiến, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Với những cống hiến trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, bà Út Bình đã được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Huân chương Chiến công hạng Nhì và hàng chục huân, huy chương cao quý khác. Cán bộ, chiến sĩ luôn yêu quý, kính trọng và gọi bà với những cái tên trìu mến: “Bà má chính ủy”, “Mẹ chính ủy sư đoàn”, và đặc biệt, bà mãi xứng danh là người đại biểu của nhân dân.

NGUYỄN NHÂN TỎ