“Đóa sen vàng” đất thành Nam
NSND Kim Liên sinh ngày 15-1-1942 tại xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Bà thừa hưởng gien di truyền giọng hát chèo của thân phụ Nguyễn Thọ Hiện, kép chính trong gánh hát của cụ Trùm Toái nổi tiếng thành Nam suốt mấy chục năm đầu thế kỷ 20. Năm 1959, Kim Liên cùng đội văn nghệ Xuân Trung dự hội diễn tại huyện Xuân Trường, được Ban giám khảo “chấm” luôn vào Đoàn Văn công nhân dân tỉnh Nam Định.
Tháng 5-1963, Bác Hồ về thăm Nam Định. Tỉnh ủy chỉ đạo Đoàn Văn công nhân dân biểu diễn phục vụ Bác trích đoạn “Cuộc đời theo Đảng” trong vở chèo “Chị Tâm bến Cốc” của Tào Mạt. Đoạn trích nói về cô Tâm (do Kim Liên thủ vai), vợ của một tên lính ngụy, nhưng bí mật hoạt động cách mạng. Địch nghi vấn, bắt Tâm và tra khảo rất dã man. Tâm không khai nửa lời! Địch dùng kế hiểm, thả cô ra, dẫn tới sự nghi ngờ cô phản bội trong một số cán bộ của ta. Tâm đã quyết tâm chứng minh lòng trung thành của mình đối với Đảng, với cách mạng. Kết thúc đoạn diễn, Bác Hồ tặng Kim Liên bó hoa, khen chị đóng vai cô Tâm rất giỏi và Người gọi chị là “Đóa sen vàng”, thuận nghĩa tự Kim Liên và hợp nghĩa đời. Người dặn Kim Liên: “Bác mong cháu cố gắng để làm được như cô Tâm!”.
Ngâm thơ Bác ở trời Âu
Sau lần diễn đó, nghệ sĩ Kim Liên nỗ lực làm theo lời Bác Hồ dạy, noi gương cô Tâm bến Cốc, trở thành diễn viên tài sắc của làng chèo. Ngày 24-12-1968, Kim Liên được Bộ Văn hóa mời lên Hà Nội ngâm bài thơ chúc mừng năm mới Xuân 1969 của Bác Hồ. Kim Liên cùng hai nghệ sĩ khác, mỗi người ngâm bài thơ theo 3 kiểu tự chọn. Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh tất cả để Bác chọn một kiểu, cho phát sóng ngay sau khi Bác chúc Tết cả nước lúc Giao thừa. Kim Liên vừa mừng vừa lo, sợ mình phụ lòng trông mong của Bác. Với lòng kính yêu Bác và tinh thần trách nhiệm, Kim Liên đã đọc đi đọc lại rất kỹ để cảm nhận nội dung, ý nghĩa của bài thơ. Rồi chị sử dụng điệu sa mạc và lẩy kiều để thể hiện, tạo nên một áng thơ bằng âm thanh tuyệt đẹp, đúng ý của Bác và được Bác chọn để khai xuân dân tộc, bay tới muôn nhà.
“Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to” khẳng định ý nghĩa của chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, dấy lên niềm tin thắng lợi, tấn tới trong năm mới 1969. “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” thể hiện lý tưởng và mục tiêu chiến đấu cao cả, chuyển hóa thành bão lửa cách mạng, hợp quy luật và giàu nhân văn! Câu kết “Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc-Nam sum họp xuân nào vui hơn” như lời hiệu triệu toàn dân tộc xốc tới “lập bản hùng ca khải hoàn” thống nhất non sông.
Mùa xuân năm 1969, Bộ Văn hóa thành lập Đoàn nghệ thuật tổng hợp đi lưu diễn dài ngày tại thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp) và một số nơi khác ở châu Âu, cùng khoảng thời gian Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam bước vào thời kỳ đàm phán 4 bên, gồm: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa; bắt đầu từ ngày 25-1-1969, thay cho đàm phán hai bên trước đó. Đoàn gồm 78 người, do đồng chí Cù Huy Cận, Thứ trưởng Bộ Văn hóa làm trưởng đoàn. Nghệ sĩ Kim Liên khi ấy thuộc Đoàn Chèo Nam Hà được triệu tập tăng cường cho Nhà hát Chèo Trung ương, với nhiệm vụ ngâm bài thơ chúc mừng năm mới Xuân 1969 của Bác Hồ.
Ngâm thơ Bác ở trong nước đã hoàn thành được Bác khen, nhưng giờ sang trời Âu, xa Bác hàng chục ngàn dặm..., nghệ sĩ Kim Liên không khỏi hồi hộp lo lắng. Song, một lần nữa, niềm tin yêu của Bác đối với đoàn và cá nhân chị đã nhân lên sức mạnh kỳ diệu. Tại thủ đô Paris hoa lệ từng ghi dấu những kỷ niệm đặc biệt trong đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, sau mỗi câu thơ chị ngâm là một tràng vỗ tay nổi lên rào rào từ phía khán giả. Sau tràng vỗ tay thứ sáu, người xem yêu cầu chị ngâm lại bài thơ tới “quá tam ba bận” rồi mới đồng ý dành sân khấu cho tiết mục khác...
Nghệ sĩ Kim Liên nhớ lại, sau đêm diễn ấy, nhiều bà con Việt kiều đến thăm đoàn nghệ thuật của nước ta tại Paris. Ai cũng hồ hởi kể với chị rằng, từ khi phái đoàn Chính phủ ta và Bộ trưởng Xuân Thủy sang dự Hội nghị Paris về Việt Nam và bây giờ lại có đoàn nghệ thuật nước nhà sang biểu diễn nên rất tự hào. Nghe bà con bày tỏ, Nghệ sĩ Kim Liên cảm động rơi nước mắt.
|
|
NSND Kim Liên (thứ hai, từ trái sang) kể chuyện ngâm thơ Bác Hồ với người thân.
|
Nhớ mãi ơn Người
Sau khi đoàn nghệ thuật Việt Nam từ Paris trở về, tổng kết đợt lưu diễn, nghệ sĩ Kim Liên được đoàn bầu là đại diện (duy nhất) của Nhà hát Chèo Trung ương nhận Huy hiệu Bác Hồ, cùng với các nghệ sĩ: Thanh Huyền (ca múa), Đinh Thìn (nhạc), Thanh Bình (múa), Ái Liên (hát cải lương), Mai Phụng (công nhân).
Ngày 16-7-1969, Lễ trao Huy hiệu Bác Hồ cho các nghệ sĩ được tổ chức tại Nhà khách Chính phủ. Bác cho 6 người nhận Huy hiệu ngồi ở hàng ghế sân khấu quay xuống toàn đoàn. Sau khi gắn Huy hiệu cho từng người, Bác hỏi chuyện về tình cảm của Việt kiều dành cho đoàn và kết quả đoàn lưu diễn tại Pháp. Các đồng chí chỉ huy đoàn báo cáo chi tiết nên Bác rất vui.
Nhân dịp này, Bác hỏi riêng nghệ sĩ Kim Liên: “Kim Liên sang Pháp ngâm thơ, Việt kiều có thích không?”. Nghệ sĩ Kim Liên báo cáo với Bác về việc trình diễn và kết quả của tiết mục ngâm thơ của Bác ở Paris: "Thưa Bác! Không phải con diễn hay, mà vì thơ của Bác hay quá. Con ngâm thơ Bác mà con cũng cảm động thực sự. Vì thế nên con lấy được tình cảm của khán giả ạ!”...
Hôm ấy, nghệ sĩ Kim Liên được Bác Hồ tặng cái thước gỗ do Bác tự “thửa” khi Người còn bôn ba tìm đường cứu nước. Cái thước có khắc 3 chữ SNK (suy nghĩ kỹ) được Bác đặt trên bàn làm việc cùng với một quả cân bằng sắt Bác dùng để chặn giấy và để “cân nhắc”, ngụ ý khi định làm bất cứ một việc gì thì phải “cân nhắc và suy nghĩ kỹ" xem có nên làm hay không...
Giờ đây, “Đóa sen vàng”-Kim Liên sinh sống cùng con cháu ở nhà số 88 đường Phù Nghĩa, phường Hạ Long, TP Nam Định. Qua tuổi bát tuần với những thành quả rực rỡ trên con đường nghệ thuật (danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, rồi trở thành Phó trưởng đoàn Chèo Hà Nam Ninh, đến Nghệ sĩ Nhân dân), bà cũng thành công mỹ mãn trong xây dựng tổ ấm gia đình.
Bà bảo, đấy là sản phẩm của ý chí phấn đấu thực hiện lời Bác Hồ dạy bà năm 1963: “Bác mong cháu làm được như cô Tâm bến Cốc”. Thật vậy, bà đã qua chặng đường 12 năm dằng dặc (1963-1975), vừa nuôi đàn con lít nhít, vừa đi biểu diễn khắp nơi theo yêu cầu nhiệm vụ, lại vừa hướng về Mặt trận Quảng Trị động viên chồng yên tâm đánh giặc. Bài hát văn “Gửi anh một khúc dân ca”: “Đến giờ anh lại hành quân/ Gửi anh một khúc hát văn ra chiến hào...” do bà hát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam những năm chống Mỹ, nay vẫn văng vẳng trong tâm hồn biết bao người.
Năm 2008, sau khi đã “cân nhắc và suy nghĩ kỹ”, bà quyết định tặng cái thước gỗ có khắc 3 chữ SNK cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thực sự, trong thâm tâm bà không muốn rời xa kỷ vật Bác Hồ đã tặng trước khi Người đi xa có 44 ngày.
Trong sự nghiệp biểu diễn của mình, NSND Kim Liên có 4 lần được gặp Bác Hồ và một lần được ăn cơm với Bác. Qua đó, những lời chỉ bảo ân cần của Người như hành trang theo suốt sự nghiệp của bà sau này. Đặc biệt, phương châm “cân nhắc và suy nghĩ kỹ” trước mỗi việc làm mà Bác dạy cách nay hơn nửa thế kỷ, vẫn luôn luôn đồng hành trong cuộc sống.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG