“Ăn” là một từ rất quen thuộc trong giao tiếp hằng ngày. “Ăn” là một từ trong nhóm từ phổ quát (những từ thông dụng chỉ sự vật, hiện tượng, hành động cơ bản) của mọi ngôn ngữ. Bởi ai sinh ra và lớn lên đều phải ăn, uống, ngủ, cười, nói, đi, chơi... Từ "ăn" (theo nét nghĩa vừa dẫn trên) trong tiếng Anh là “eat”, tiếng Pháp là “manger”, tiếng Nga là “есть”... Nhưng nếu một học sinh mới đi học hoặc là người nước ngoài học tiếng Việt mà bắt gặp những câu sau chắc chắn sẽ rất lúng túng, khó có thể giải nghĩa được ngay.

Chẳng hạn khi nghe nói: “Đợi cho ông ấy “ăn” xong điếu thuốc lào đã!” thì người nghe không hiểu sao lại có tổ hợp “ăn thuốc” (trong hút thuốc lào, thuốc lá...). Bởi đã nói đến ăn là nói đến các động tác, cắn, xé, nhai và nuốt. Hơi thuốc hít vào bụng, vào phổi cần gì nhai? Nhưng người Việt cho rằng, phàm những gì được cho vào miệng đều thuộc “phạm trù ăn”. Ăn thuốc lào, ăn thuốc lá tuy không nuôi sống cơ thể nhưng có tác dụng kích thích các hoạt động cơ thể, làm thay đổi trạng thái cơ thể. Hay ví dụ câu: “Kỳ thủ Lê Quang Liêm đi con tốt ăn luôn con xe trắng”. “Ăn” ở đây không liên quan gì đến miệng và dạ dày cả.

Trong các cuộc đấu cờ, khi người chơi đưa thế cờ có lợi cho mình, triệt tiêu được một hay nhiều quân của đối phương, người ta dùng từ “ăn” để chỉ nó có giá trị rất lợi hại, thậm chí làm mất thế phòng thủ của bên kia. Trong câu nói của người Việt: “Hôm nay, một đô la ăn 23 nghìn đồng Việt Nam” cũng gần với cách nói từ “ăn” trong cuộc chơi đấu cờ, nhưng "ăn" này lại khiến người nghe liên tưởng đến giá trị nhiều hơn của sự vật (1USD đổi được tới 23.000VND). Còn câu “Con sông này ăn ra biển" thì "sông" tuy vào vai chủ ngữ nhưng không phải chủ thể (của hành động ăn). Đó là một cách nói chỉ sự lan ra hoặc hướng đến nơi nào đó, nói về khu vực hoặc phạm vi tác động của cái gì. Hoặc các thành ngữ như: “Rễ mạ ăn nông, rễ khoai ăn rộng, sông ăn ra biển”... là một cách nói hình ảnh mang tính hoán dụ. Ở đây, “ăn” không liên quan gì tới mồm miệng ăn uống hết.

“Cá không ăn muối cá ươn” là một câu tục ngữ quen thuộc trong dân gian. Cá là loài động vật có xương sống, sống ở nước, thở bằng mang, bơi bằng vây chẳng có lý do gì mà ăn muối cả (kể cả cá biển). Chúng ta vẫn biết kinh nghiệm của người dân là “khi chế biến cá mà không ướp muối sẽ dễ bị ươn, thiu, mất phẩm chất”. Nhưng câu tục ngữ này hướng tới một hàm ý (không liên quan gì đến cá): “Con cháu không nghe lời răn dạy của ông bà, cha mẹ (hay người trên) tất sẽ hư hỏng, không nên người”. Cá chỉ là cái “cớ” để diễn tả ý tục ngữ. Bài học muối cá trở thành bài học làm người.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN 

Trong cuộc sống thường ngày, khi một đứa bé nghe bố mẹ nói: “Mày lại muốn ăn đòn phải không?”, thì chắc chắn cô bé (hay cậu bé) kia không hề thích thú gì. “Ăn đòn” chỉ một hình phạt mà ai đó phải nhận. Trẻ không ngoan, kẻ trộm bị bắt hay tù nhân trước công đường (ngày xưa) sẽ phải nhận hình phạt là những trận đòn roi tùy theo mức độ. Dùng tổ hợp “ăn đòn” nghe rất chi hình ảnh, nhưng thực chất là một lời đe nẹt: “Mày mà cứ tái diễn hành động không hay đó (như ăn vụng, lười học, nói bậy, không nghe lời) thì mày sẽ nhận về hình phạt được coi là rất đáng sợ (bị đánh đòn)”. “Cậu bé” trong bài thơ “Quê hương” của Giang Nam từng hồi tưởng thuở ấu thơ đáng nhớ của mình: “Có những ngày trốn học bị đòn roi”.

Càng đi sâu vào các tình huống giao tiếp, ta càng thấy từ “ăn” trong tiếng Việt phân ra nhiều nét nghĩa (“Từ điển tiếng Việt” đã dẫn, phân thành 14 nét nghĩa) và người nghe hay người đọc không thể tách từ này khỏi ngữ cảnh. Bởi nếu thế, sẽ không hiểu được nghĩa chính xác của nó. Còn rất nhiều các thành ngữ, tục ngữ mượn thành tố “ăn” để diễn tả nghĩa biểu trưng, như: Ăn chưa sạch bạch chưa thông (chỉ ai đó còn non dại, thiếu hiểu biết, suy nghĩ chưa được chín chắn); ăn gió nằm mưa/ ăn gió nằm sương (tả cảnh cuộc sống phải chịu đựng gió mưa vất vả ngoài trời); ăn gửi nằm nhờ (cảnh sống nhờ ở nhà người khác một cách tạm bợ); ăn hại đái nát (nói những người đã không làm được gì có ích mà còn làm hại đến lợi ích của người khác); ăn không ngồi rồi (chỉ ăn mà không chịu làm); ăn lông ở lỗ (chỉ ai đó sinh hoạt trong trạng thái còn sơ khai, lạc hậu-như người nguyên thủy); ăn xổi ở thì (lối sống chỉ tính chuyện tạm bợ trước mắt, không suy nghĩ đến chuyện lâu dài); v.v..

Bên cạnh đó, còn những tổ hợp nói “ăn” nhưng lại chẳng phải ăn. Chẳng hạn, ta có các kết hợp từ: Ăn cánh: Hợp thành một phe cánh với nhau (ví dụ: Ăn cánh với bọn đầu nậu; không ăn cánh với ai; chơi bài ăn cánh), trong đó phe cánh là nghĩa trội. Ăn chia: Chia phần giữa những người, những bên cùng tham gia một công việc (ví dụ: Ăn chia lợi nhuận; làm ít chỉ giỏi ăn chia) “chia” là nghĩa trội. Ăn chơi: Tiêu khiển bằng các thú vui vật chất (ví dụ: Ăn chơi trác táng; thạo nghề ăn chơi; ăn chơi khắp chốn), “chơi” là nghĩa trội. Ăn học: Ăn và học (nói khái quát) (ví dụ: Đủ tiền ăn học; ăn học thành tài), “học” là nghĩa trội. Ăn hỏi: Làm lễ hỏi vợ theo tục lệ cổ truyền (ví dụ: Đem trầu cau đến ăn hỏi; một tuần lễ nữa thì đến ngày bên nhà Hậu dẫn lễ ăn hỏi và bốn hôm sau lễ ăn hỏi, người ta xin đón dâu (Nguyễn Công Hoan), trong câu văn này “hỏi” là nghĩa trội. Ăn mặc (ví dụ: Ăn mặc gọn gàng; thích ăn mặc đẹp; ăn mặc cho lịch sự), trong đó “mặc, trang phục” là nghĩa trội. Ăn nói: Nói năng (coi như một người có khả năng nào đó trong việc giao tiếp bằng lời). Ví dụ: Ăn nói lưu loát; người có tài ăn nói; Quái, tao lạ cái ông nghị nhà mày ăn nói lắm giọng! (Nguyễn Công Hoan). Ở đây, “nói” là nghĩa trội. Ăn tiêu: Chi tiêu cho đời sống hằng ngày (ví dụ: Ăn tiêu tằn tiện; chỉ giỏi ăn tiêu; làm giỏi ăn tiêu cũng khéo), “tiêu” là nghĩa trội. Ăn xin: Đi xin bố thí, ăn mày (ví dụ: Ăn xin cổng chợ; cả nhà ăn xin), “xin” là nghĩa trội...

Quan sát các tổ hợp trên (ăn cánh, ăn chia, ăn chơi, ăn học, ăn hỏi, ăn mặc, ăn nói, ăn tiêu, ăn xin) ta thấy tất cả các từ ghép trên đều bắt đầu bằng thành tố “ăn” và cùng kết hợp với một thành tố khác (cả hai đều là động từ) để tạo nên một động từ mới, mang nghĩa khái quát. Nhưng sự kết hợp “hai thành một” này không là phép cộng nghĩa đơn thuần mà động từ đứng sau mới là nghĩa chính (nghĩa trội). “Ăn” mặc dù là thành tố đứng trước nhưng ngữ nghĩa chính lại phải nhường cho thành tố sau nó.

Trong câu thơ “Dạo tìm khắp chợ thì quê/ Giả danh hầu hạ, dạy nghề ăn chơi” (“Truyện Kiều”-Nguyễn Du), ta thấy “chơi” là hành vi chủ đạo của Mã Giám Sinh. Hay là câu “Bây giờ đất thấp trời cao/ Ăn làm sao nói làm sao bây giờ?" (“Truyện Kiều”), thì qua tổ hợp “ăn làm sao nói làm sao”, Nguyễn Du muốn nói đến sự lúng túng, khó xử của nàng Kiều trước tình thế trớ trêu (mắc kế Hoạn Thư, phải vào vai Hoa Nô-kẻ hầu hạ trong nhà họ Hoạn-phải bưng rượu, đánh đàn mua vui cho Hoạn Thư trước mặt Thúc Sinh, người mà nàng trước đó không lâu thôi còn “đầu gối tay ấp”)...

Sự đa nghĩa và chuyển nghĩa của từ “ăn” trong tiếng Việt chính là xuất phát từ nhu cầu biểu hiện của cuộc sống. Cuộc sống đời thường đa dạng làm nên cuộc sống ngôn từ đa nghĩa.

Từ “ăn” muôn sắc muôn màu

Làm nên tiếng Việt đẹp giàu hôm nay.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH