Chọn đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam tôn vinh một bậc thầy nhạc sĩ, những người tổ chức thực lòng muốn tri ân nhạc sĩ Chu Minh khi ông đang dần bước vào tuổi 90. Rất nhiều các thế hệ học trò của ông và người mến mộ đã hiện diện đông chật tại nhà hát để thưởng thức những giai điệu Chu Minh.

leftcenterrightdel
NSND Chu Minh nhận hoa từ Ban tổ chức và các thế hệ học trò.

Nhạc sĩ Chu Minh sinh năm 1931 tại đầu phố Cột đồng hồ bên trong đê sông Hồng (khu vực đầu cầu Chương Dương phía Hà Nội ngày nay). Ngày Toàn quốc kháng chiến, tuy mới 15 tuổi, Chu Minh đã lên đường cùng cả dân tộc. Cái tên Chu Minh cũng đã thay đổi cái tên khai sinh Triệu Đạt Hiền từ những ngày khói lửa ấy. Cậu bé mê âm nhạc và chơi vĩ cầm cũng đã trưởng thành cùng âm nhạc ở cái thuở trường chinh này. Những sáng tác đầu tay như “Việt-Trung-Xô” và “Chiến thắng biên giới” đã là sự trình làng có ấn tượng. Nhờ thế, ông đã là một trong 10 người được cử đi học tại Trung Nam nghệ thuật học viện ở Vũ Hán (Trung Quốc) với lớp trung cấp âm nhạc ngắn hạn. Đi học về, ông trở thành một trong 7 người đầu tiên thành lập Đoàn Văn công nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) cùng những sáng tác mới như “Hoa sen”, “Ta yêu Cụ Hồ”…

Sau Hiệp định Geneva, Chu Minh cùng đoàn quân tiếp quản Hà Nội rồi cùng đoàn nhạc sĩ Việt Nam sang Thượng Hải thu âm những đĩa nhạc đầu tiên mang tên “Tiếng hát Việt Nam”. Khi trở về, với tư cách là một nhạc sĩ sáng tác, ông đã xuống tiếp quản Hải Phòng sau khi là “vùng 300 ngày”. Trở về Hà Nội, Chu Minh viết hàng loạt bài ngợi ca hòa bình như “Ánh lửa tình yêu”, “Lúa hợp tác”, “Lớp người công nhân”… Năm 30 tuổi, ông lại được cử đi học đại học âm nhạc tại Khoa Sáng tác, Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh. Người mà ông thụ giáo là thầy Tô Hạ-một nhà soạn nhạc đã có nhiều năm học âm nhạc ở Mỹ. Có lẽ bởi thế, Chu Minh đã hoàn toàn thay đổi tư duy ca khúc thành tư duy khí nhạc. Sự thay đổi này đã giúp cho Chu Minh hoàn thành bản giao hưởng 3 chương: “Miền Nam tuyến đầu”. Tác phẩm đã được công diễn tại nhạc viện một cách trọng thể. Đấy dường như là tác phẩm giao hưởng kinh điển đầu tiên của nền giao hưởng Việt Nam non trẻ. Nhưng khi về nước, trớ trêu là ông lại được phân công lên làm Hiệu trưởng Trường Văn hóa-Nghệ thuật Tây Bắc, lúc ấy còn rất sơ khai. Tuy nhiên, khi đàn anh Đỗ Nhuận và Thứ trưởng Lê Liêm nghe giao hưởng “Miền Nam tuyến đầu” thì đã ngay lập tức giới thiệu Chu Minh với Trường Âm nhạc Việt Nam. Hiệu trưởng Tạ Phước nghe xong giao hưởng thì đề nghị ngay Chu Minh về trường dạy đại học và làm chủ nhiệm Khoa Sáng tác. Lòng thành đã cảm kích trời đất. Những non nớt của nhận thức ở tầng lớp lãnh đạo đã dần dà được sửa chữa. Chu Minh làm thầy từ đấy.

leftcenterrightdel
NSND Quang Thọ trong đêm nhạc.

Kháng chiến chống Mỹ, dù làm thầy, nhưng Chu Minh không muốn quanh năm bám chặt bục giảng. Những kỳ nghỉ hè, theo con đường của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông đã nhiều lần cùng đồng nghiệp dấn thân vào tuyến lửa Trường Sơn. Ở con đường huyền thoại mang tên Bác, Chu Minh đã thấm thía mọi dâng hiến, hy sinh của lớp lớp thanh niên cho độc lập dân tộc. Ông đã viết như chắt mình ra để có những “Lời ca mở tuyến”, “Đường Trường Sơn chiến công gọi chiến công”… nhưng ấn tượng hào hùng ấy còn tiếp sức cho ông sau này viết ca khúc giao hưởng “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”, rồi concerto “Tuổi trẻ” viết cho piano và dàn nhạc giao hưởng. Nó cũng là động lực cho ông có tầm nhìn về Bác Hồ kính yêu, để rồi khi Bác qua đời, nhớ những lần được gặp Bác, gần Bác, ông đã dựng lên một khúc bi tráng “Người là niềm tin tất thắng” đóng đinh thể loại này vào lịch sử âm nhạc Việt Nam hôm nay. Trong đêm nhạc, các tác phẩm khí nhạc như concerto “Tuổi trẻ”, giao hưởng “Miền Nam tuyến đầu” và “Người là niềm tin tất thắng” đã là những cái đinh vàng đóng chặt ấn tượng chương trình vào tình cảm người thưởng thức.

Căn nguyên dẫn đến ca khúc giao hưởng “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” có lẽ khởi sự từ một thông tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Nixon tới Trung Quốc cuối tháng 2-1972. Trước đấy, sự căng thẳng biên giới Liên Xô-Trung Quốc cũng đã làm rạn vỡ nhiều mơ mộng cũ. Dù gốc gác là người Hoa, được đào tạo âm nhạc ở Trung Quốc, nhưng trước những gì diễn ra kể trên, Chu Minh nhận thấy đất nước đã đến thời điểm phải vượt qua cơn dông tố này, kiên trì lời dạy của Bác: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” để hoàn thành sứ mạng thống nhất đất nước. Sau mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị năm 1972, từ Trường Sơn trở về Hà Nội, Chu Minh đã đọc được bài thơ “Đầu sóng” của Hoàng Trung Thông. Một cộng hưởng của tư duy giữa nhà thơ và nhạc sĩ đã khiến cho ông thăng hoa viết ra một tác phẩm đồ sộ và khí phách đến thế. Tác phẩm đã thực sự lay động triệu triệu con tim, tiếp tục thôi thúc lớp lớp thanh niên ra trận, trong đó có cả người viết bài này khi ấy đã tốt nghiệp đại học và chuẩn bị làm một người thầy.

Không chỉ thành công ở khí nhạc, ca khúc chính luận, mảng tình ca của Chu Minh cũng là một giọng điệu riêng. Trong chương trình cũng giới thiệu “Em xa có nhớ” qua giọng hát Tấn Minh, “Hà Nội chiều mây” qua giọng hát Vũ Thắng Lợi… Bài thơ “Và thu nữa” của tôi cũng được ông phổ nhạc rất hay qua giọng hát Ngọc Châu.

leftcenterrightdel
NSƯT Thanh Lam trong đêm nhạc với ca khúc “Nhặt tiếng đàn rơi”. Ảnh: HỒ TRỌNG TUẤN

Đóng góp giáo dục của bậc thầy Chu Minh cũng thật to lớn. Nhiều nhạc sĩ tên tuổi ở Việt Nam hôm nay đều từng là học trò của ông, như: Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Tôn Thất Lập, Ngọc Đại, Đức Trịnh, Đỗ Bảo, Minh Đạo… Tất cả đều dựng lên một chân dung “Một bậc thầy âm nhạc” vừa tầm vóc, vừa gần gũi đời thường. Chu Minh cứ sống, cứ sáng tạo, cứ lên lớp như bổn phận của mình với một bản tính hiền hòa, chia sẻ với mọi lứa tuổi và đặc biệt không bao giờ tự đánh bóng mình. Có lẽ bởi thế nên cho mãi đến hôm nay, khi tuổi làm âm nhạc của ông đã tới 70 năm, ông mới có một đêm nhạc của riêng mình. Nhưng chỉ một đêm thôi cũng đủ để cuộc đời cảm nhận đầy đủ về một tài năng như ông, một nhân cách như ông.

NGUYỄN THỤY KHA