QĐND - Tất nhiên, “bác học” nói ở đây không phải là nhà bác học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên như chúng ta vẫn hiểu mà là dòng âm nhạc bác học (hay còn gọi là thính phòng). Trong âm nhạc, người ta chia ra làm 3 dòng: Bác học, dân gian, nhạc nhẹ. Nhạc sĩ sáng tác hoặc nghệ sĩ biểu diễn của dòng này phải được học hành bài bản, tu luyện dày công trong những nhạc viện chính quy mới có thể hành nghề.

Chu Minh là một trong số không nhiều nhạc sĩ ở nước ta thuộc dòng thứ nhất nói trên. Cùng dòng này có thể kể thêm một số tên tuổi khác như: Nguyễn Đình Tấn, Đàm Linh, Hoàng Vân, Huy Du, Vĩnh Cát, Nguyễn Văn Nam, Hoàng Đạm… Họ đều là những nhạc sĩ được tu nghiệp dài hạn tại các nhạc viện chính quy ở nước ngoài và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong sáng tác. Có người chỉ chuyên tâm sáng tác khí nhạc (nhạc không lời) như Đàm Linh, Nguyễn Văn Nam. Có người cũng viết ca khúc nhưng không nhiều như Nguyễn Đình Tấn, Hoàng Đạm. Lại có người đi cả “hai chân” toàn diện (tức viết giỏi cả khí nhạc lẫn ca khúc) như Hoàng Vân, Huy Du, Vĩnh Cát. Và Chu Minh nằm trong trường hợp này.

Số đông công chúng Việt Nam ta vẫn quen nghe thanh nhạc (nhạc có lời) hơn là khí nhạc (không lời). Vậy nên nói đến Chu Minh, có thể tên ông chưa hẳn đã được nhiều người biết đến nhưng bài hát "Người là niềm tin tất thắng" thì tin rằng ai ai cũng quen thuộc vì quá nổi tiếng, lại gắn với mốc thời gian cả dân tộc ta không bao giờ có thể quên bởi sự "đi về thế giới người hiền" của vị lãnh tụ kính yêu nhất, để lại muôn vàn tình yêu thương trùm lên khắp quê hương, xứ sở. Sau khi Bác Hồ từ trần vào ngày 2-9-1969 thì chỉ vài ngày sau, trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, toàn dân ta nghe được một bài hát rất cảm động, có cảm giác như tiếng khóc, lời mặc niệm trước anh linh Người: Đất nước nghiêng mình/ Đời đời tiếc thương/ Tên Người sống mãi/ Với non sông Việt Nam… Giai điệu bài hát chậm rãi, dàn trải, sâu lắng, rất phù hợp với việc diễn tả tình cảm của người Việt Nam khi ấy: Đau thương, buồn nhớ. Nhưng điều đặc biệt rất đáng quý ở bài hát này là tuy có giai điệu buồn như vừa nói nhưng không bi lụy, gây cảm giác não nề, thê lương cho người nghe mà vẫn rất khỏe khoắn, rắn rỏi, xốc người ta dậy chứ không ngập tràn trong nước mắt. Điều này được thể hiện rất rõ ở đoạn sau, gần về cuối bài: Vì độc lập, tự do đường lên phía trước, rực màu cờ saoHồ Chí Minh! Bác Hồ Chí Minh kính yêu! Người là niềm tin tất thắng sáng ngời. Chính yếu tố này đã khiến bài hát của Chu Minh vượt lên nhiều bài khác về cùng một chủ đề ra đời cùng thời điểm để sống mãi trong lòng công chúng theo thời gian. Nhớ lại, sự kiện Bác Hồ qua đời đã gây xúc động mãnh liệt cho giới nhạc sĩ sáng tác. Rất nhiều ca khúc được sáng tác kịp thời nhưng không vượt lên được sự xúc động tự nhiên, rơi vào tình cảm yếu đuối, bi thương nên đã không thành công. "Người là niềm tin tất thắng" của Chu Minh có sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tình cảm và lý trí, giữa cảm xúc tự nhiên của trái tim với trí tuệ tỉnh táo. Đây là bài hát ra đời sớm nhất và hay nhất sau khi Bác từ trần và cũng là một trong số những ca khúc có giá trị nhất viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh trong nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Đã có nhiều ca sĩ thể hiện bài hát này trên làn sóng cũng như các sân khấu nhưng hiệu quả nhất, đem lại xúc động lớn nhất cho người nghe là NSƯT Bích Liên và NSND Trần Khánh. Khi thu thanh bài hát này, Bích Liên phải thu đi thu lại nhiều lần vì chị đã khóc. Các nhân viên thu thanh cũng không cầm được nước mắt.

Qua ca khúc vừa nhắc tới ở trên, ta thấy rõ bút pháp của Chu Minh là ngay cả khi viết ca khúc, ông cũng thể hiện tư duy khí nhạc với việc tạo nên những quãng rất thú vị, tạo hiệu quả đột xuất cho người nghe. Nhưng cái giỏi của ông là không vì thế mà giai điệu bị trúc trắc, khó nghe, khó hát như nhiều tác giả được học hành nhiều trong nhạc viện khi viết ca khúc thường dễ mắc phải. Ngược lại, "Người là niềm tin tất thắng" có giai điệu khá mượt mà, ngọt ngào, nghe thuận tai, dễ nhập tâm mặc dù ở phần sau của bài, lúc gần về kết, ông cho đổ những quãng giai điệu độc đáo. Như vậy là ngay cả ở thể ca khúc, Chu Minh cũng thể hiện rõ chất bác học của một nhạc sĩ gần như cả đời gắn với nhạc viện (ở Nhạc viện Hà Nội - nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhiều năm ông đứng đầu Khoa Lý luận, sáng tác, chỉ huy dân âm nhạc vẫn gọi tắt là Lý, sáng, chỉ - góp phần đào tạo nên nhiều nhạc sĩ nổi tiếng).

Nhạc sĩ Chu Minh. Ảnh: Đức Nghĩa

Trong lĩnh vực ca khúc, ngoài bài vừa nhắc ở trên, Chu Minh còn nhiều bài khác. Ông sáng tác từ rất sớm, ngay giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp đã có: "Chiến thắng biên giới", "Hoa sen", "Ta yêu Cụ Hồ", "Lớp người công nhân"… Trong kháng chiến chống Mỹ có: "Đường đi trăm nẻo", "Lời ca mở tuyến". Về sau, ông có "Màu xanh ánh mắt quê hương", "Đừng buồn nghe em" và đặc biệt xuất sắc là bài "Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam", phổ thơ Hoàng Trung Thông. Bài này lại một lần nữa khẳng định phong cách bác học của ông trong sáng tác âm nhạc nói chung, sáng tác ca khúc nói riêng. Phổ một bài thơ chưa mấy người để ý nhưng viết về một chủ đề lớn là Tổ quốc với tầm vóc lớn lao, niềm tự hào dân tộc bất diệt, Chu Minh đã tìm được giai điệu rất phù hợp cộng với phần phối khí công phu, đầy đặn, lại được giọng hát đặc sắc NSND Trần Khánh thể hiện đã tạo nên một tác phẩm thanh nhạc đĩnh đạc, trang trọng, hoàn chỉnh. Đây là bài hát không dễ thể hiện. Giai điệu không cầu kỳ, rắc rối nhưng chất trí tuệ của ngôn ngữ âm nhạc đã không thể phù hợp với những giọng hát hời hợt hoặc ngược lại là lên gân, cường điệu. Ngoài cố NSND Trần Khánh, người viết bài này chưa thấy ai thể hiện được bài hát trên mặc dù cũng có người được đào tạo chính quy về thanh nhạc tìm đến nhưng lại quá nặng nề mà không đạt được sự sâu sắc về tư tưởng, cảm xúc.

Nói đến nhạc sĩ Chu Minh, sẽ là rất khiếm khuyết nếu không nhắc đến mảng sáng tác khí nhạc. Hầu như nhạc sĩ nào dạy môn sáng tác ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng có viết nhạc không lời. Nhưng Chu Minh đã có được một số thành quả đáng kể. Có thể nhắc đến những tác phẩm: Sonate số 1,2,3 và Tổ khúc "Khăn quàng đỏ" viết cho piano. Giao hưởng "Việt Nam tuyến đầu", Giao hưởng thơ "TP Hồ Chí Minh - dáng đứng Việt Nam". Nhạc kịch 4 màn "Tiếng ru"… Viết khí nhạc cũng như ca khúc, Chu Minh luôn rất khó tính. Vậy nên ông cho ra đời không nhiều tác phẩm nhưng đều là những "đứa con tinh thần" khỏe khoắn, thông minh, sáng giá. Các tác phẩm nhạc không lời của ông có thể ở những mức độ hiệu quả khác nhau nhưng đều chững chạc, giàu trí tuệ. Tuy nhiên, ông lại có bút pháp phóng túng trong sáng tác - sự phóng túng của người thuần thục, điêu luyện trong nghề giống như chỉ khi người ta đã rất giỏi làm việc gì thì không còn nệ vào những quy định mang tính khuôn mẫu. Điều này thể hiện rõ trong sáng tác ca khúc của ông. Ta khó có thể phân định rạch ròi các đoạn mạch, câu cú trong khúc thức ở các bài hát ông đã cho ra đời. Nhưng nghe lại thấy rất hoàn chỉnh, ổn thỏa bởi mạch giai điệu đã tuôn chảy một cách tự nhiên giống như một dòng suối không thể chảy theo hướng khác.

Với nhiều đóng góp trong lĩnh vực sáng tác, PGS, nhạc sĩ Chu Minh đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ngay từ đợt đầu tiên, năm 2001. Sinh năm 1931 với tên khai sinh là Triệu Đạt Hiền. Ông năm nay đã hơn 85 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn với khả năng làm việc say sưa hằng ngày.

NGUYỄN ĐÌNH SAN