QĐND - Được đưa vào danh sách “Thành phố Hồ Chí Minh-100 điều thú vị” năm 2012, chùa Giác Lâm, ngôi chùa cổ nhất Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục là điểm khám phá thú vị đối với du khách.
 |
Tượng Phật Thích Ca trong khuôn viên chùa. |
So với lịch sử hơn 300 năm của Thành phố Hồ Chí Minh, chùa Giác Lâm được xây dựng rất sớm. Từ năm 1744, vợ chồng cư sĩ tên Lý Thoại Long xây cất một cái am tại vị trí chùa Giác Lâm hiện nay (số 565 (số cũ 118) đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh). Đến năm 1772, thiền sư Tổ Tông-hòa thượng Viên Quang tới trụ trì, từ đó mới đổi tên chùa là Giác Lâm. Dưới thời hòa thượng Viên Quang, chùa Giác Lâm trở thành một trung tâm đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho chư tăng ở Gia Định và cả Nam Bộ. Khoảng năm 1799-1804, hòa thượng Viên Quang cho xây lại chùa lần thứ nhất. Hơn 1 thế kỷ sau, năm 1906, hòa thượng Hoằng Nghĩa đã tôn tạo chùa Giác Lâm lần hai. Lần gần đây nhất, chùa Giác Lâm hoàn thành đợt trùng tu là năm 1999.
 |
Bảo tháp chùa Giác Lâm. |
Chùa Giác Lâm được xây dựng hài hòa với thiên nhiên theo kiểu chữ Tam-kiến trúc tiêu biểu của các chùa khu vực Nam Bộ, gồm các hạng mục: Chính điện, giảng đường, trai đường. Chính điện là hạng mục tiêu biểu nhất, kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, khá rộng và sâu, có nhiều cột to hơn vòng ôm; khắc câu đối, chữ thiếp vàng. Giữa các hàng cột là các cửa võng, chạm trổ các đề tài trang trí truyền thống như cửu long, tứ linh, tứ quý, hoa điểu… Trong chính điện tôn trí “tiền Phật, hậu Tổ”. Phía trước chính điện thờ tượng thế A Di Đà, Thích Ca, Di Lặc. Hai bàn thờ hai bên phải trái, thờ tượng Quan Thế Âm, Đại Thế Chí. Ngoài ra, ở đây còn có tượng cửu long, dọc hai bên tường có bộ tượng Thập Bát La Hán, bộ tượng Thập Điện Diêm Vương, tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và tượng Long Vương. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chính điện chùa Giác Lâm được dùng làm cơ sở hậu cần, nuôi cán bộ cách mạng làm công tác trinh sát nội thành.
 |
Chính điện chùa Giác Lâm được xây dựng hài hòa với thiên nhiên. |
Ngày nay, chùa Giác Lâm trở thành nơi chứa đựng nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Ngoài những hạng mục chính, chùa hiện có 38 tháp phần lớn được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, với phong cách nghệ thuật thể hiện sự giao thoa giữa các văn hóa của các cộng đồng sinh sống tại Nam Bộ như Khmer, Việt, Chăm…
Ngày 16-11-1988, chùa Giác Lâm đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Bài và ảnh: TẤN NAM