Tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục bàn về vấn đề tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách, điều đó khẳng định nhu cầu tăng tính hiệu quả của hoạt động Quốc hội là yêu cầu thực tế khách quan. Nhưng cũng lại đang tồn tại một thực tế khác, một yêu cầu thực tế khách quan khác mà nhiều năm nay Đảng chỉ đạo, Nhà nước quyết tâm làm nhưng hiệu quả chưa cao, đó là tinh giản bộ máy, cắt giảm biên chế, cải cách hành chính nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong toàn bộ hệ thống chính trị. Xem ra câu chuyện vẫn cần trao đổi thêm để thống nhất trong nhận thức và hành động, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Có một yếu tố mới thuận hơn cho việc trao đổi về vấn đề này, đó là ý kiến hết sức chân thành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trên diễn đàn Quốc hội được rất nhiều báo, đài viện dẫn, đưa tin. Ông cho rằng, các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ không nên tham gia làm đại biểu Quốc hội. Công bằng mà nói, các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ hoàn toàn đủ tiêu chuẩn, uy tín để được cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội. Và được bầu làm đại biểu Quốc hội cũng là một vinh dự lớn, thể hiện tín nhiệm của nhân dân. Tuy nhiên, do tính chất của công việc, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ hai cơ quan hành pháp và lập pháp có khác nhau, làm cho một người phải đảm trách cả hai trọng trách thật là khó khăn. Đặc biệt đối với các bộ trưởng mà người ta thường gọi là tư lệnh ngành, với một núi công việc, nhiều công việc phải xử lý hằng ngày, ngồi họp tại các kỳ họp Quốc hội kéo dài cả tháng, có vẻ như ngồi nhưng không an tâm, có khi “nhấp nhổm” thì “họp cũng kém chất lượng”, mà giải quyết công việc của tư lệnh ngành cũng không thể tốt như bình thường! Ý kiến muốn “nhường ghế đại biểu Quốc hội” cho người khác của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là ý kiến chân thành, đáng suy ngẫm và trân trọng.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

Quốc hội và Chính phủ là hai cơ quan Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, đòi hỏi người làm việc ở các cơ quan này có tố chất, năng lực chuyên môn khác nhau, tri thức và kỹ năng xử lý công việc khác nhau. Đành rằng hệ thống Nhà nước ta với 3 nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp là thống nhất (không tam quyền phân lập), nhưng chức năng, nhiệm vụ và cách thức hoạt động của 3 nhánh quyền lực này có khác. Một người phải kiêm nhiệm cả chức năng lập pháp và hành pháp, lại ở cương vị quan trọng như Bộ trưởng quả thật là khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi muốn nhấn mạnh là hoàn thành xuất sắc chứ không chỉ hoàn thành vì là Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng trước con mắt của người dân không thể quá mờ nhạt dù hoạt động ở cương vị nào.

Qua ý kiến rất chân thành của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, có lẽ Đảng và Nhà nước nên triển khai một cách triệt để hơn ý tưởng không để các chức danh quan trọng trong cơ quan hành pháp, tư pháp tham gia làm đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp cụ thể, cần thiết có thể luân chuyển cán bộ từ cơ quan lập pháp sang hành pháp, hoặc ngược lại. Khuyến khích các cá nhân hoạt động có hiệu quả, uy tín cao trong cơ quan hành pháp, tư pháp tham gia làm đại biểu Quốc hội chuyên trách. Những đại biểu chuyên trách ấy khi tham gia hoạch định chính sách, xây dựng luật pháp, giám sát các cơ quan hành pháp, tư pháp và giám sát tối cao chắc chắn có nhiều hiểu biết để hoạt động của cơ quan lập pháp có hiệu quả cao hơn những người chưa từng một ngày hoạt động trong cơ quan hành pháp hoặc tư pháp. Như vậy, vấn đề không chỉ là tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách mà cần thảo luận kỹ về chất lượng của đội ngũ này. Đặc biệt, tránh các trường hợp cơ hội thông qua bầu cử để thăng tiến, đồng thời tránh những người yếu kém, hoạt động kém hiệu quả ở cơ quan hành pháp “chạy” sang lập pháp để có chức vị cao hơn, trong khi có nhiều người làm hành pháp giỏi không muốn làm đại biểu Quốc hội chuyên trách vì nhiều lý do!

Về đại biểu Quốc hội chuyên trách với nghĩa chuyên một chức năng là đại biểu của cơ quan lập pháp thì lẽ hiển nhiên là có hiệu quả hơn kiêm nhiệm. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào ý nghĩa đó để tăng số lượng thì sẽ ảnh hưởng các chính sách khác. Trước tiên là cơ cấu. Cơ quan dân cử không thể bỏ qua cơ cấu! Vấn đề là cơ cấu sao cho đủ đại diện, nhưng phải có chất lượng. Thứ nữa, đại biểu chuyên trách tăng, đại biểu cơ cấu phải đủ, vậy số lượng đại biểu có tăng không? Nếu tăng thì có phù hợp xu thế tinh giản biên chế không? Vậy là chuyên trách hay chuyên nghiệp có lẽ cũng phải xem xét. Chuyên trách là chuyên làm một việc, nhưng chưa chắc đã chuyên nghiệp. Bác Hồ nói vừa hồng vừa chuyên ở đây là nói có chuyên môn, có nghề. Người làm chuyên một việc nào đó, làm mãi thể nào cũng thành người có nghề. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội chuyên trách như hiện nay không chỉ là “nghề” mà còn là chức vụ, địa vị. Người được bầu làm đại biểu Quốc hội chuyên trách có cấp hàm cao hơn hàm vụ trưởng! Bởi thế, nếu tăng nhiều quá thì số cán bộ có hàm cao hơn vụ trưởng bị “đội” lên. Mặt khác, những người đó đa phần chưa là đại biểu Quốc hội bao giờ. Nếu là người giỏi cũng mất ít nhất một năm mới quen công việc. Hơn nữa, để đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội chuyên trách với cấp hàm cao hơn vụ trưởng thì tuổi cũng đã kha khá, có đủ thời gian để đào tạo thành chuyên nghiệp không?

Dân gian có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, đại biểu Quốc hội không phải một nghề, nhưng làm việc gì cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp. Ở ta có vẻ vẫn chưa coi trọng điều này. Cán bộ có thể luân chuyển khắp nơi không cần xem xét nghề nghiệp, chuyên môn là gì. May là giám đốc bệnh viện, giám đốc cơ sở giáo dục chắc chắn phải là bác sĩ, giáo viên… còn các ngành nghề khác tùy theo tình hình và sự cảm nhận mà bổ nhiệm! Chính chưa có ý niệm về tính chuyên nghiệp của công việc mà năng suất lao động của chúng ta thấp. Đơn cử trong bóng đá. Một thời các đội bóng tập hợp những cầu thủ có năng khiếu, đá giỏi ở các sân chơi phong trào về  huấn luyện, thành các đội chuyên đá bóng để đấu với nhau tranh giải trong nước và cũng có thời sôi nổi với các đội Thể Công, Công an Hà Nội, Bưu điện, Đường sắt… Tuy nhiên, các đội ấy chưa thể coi là chuyên nghiệp mặc dù chỉ có một việc là đá bóng. Hiện nay, chúng ta mới đang chập chững bước vào bóng đá chuyên nghiệp. Bước chập chững ấy đã lập nên kỳ tích!

Trong xã hội hiện đại, sự phân công lao động ngày càng chuyên sâu, đòi hỏi tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Năng suất lao động không cao khi còn làm “nghiệp dư”! Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang gõ cửa, nó sẽ còn ít chỗ cho những người không có nghề. Lãnh đạo, quản lý những người có chuyên môn, có nghề nghiệp cũng phải có nghề mới có hiệu quả. Vậy là chuyên trách hay chuyên nghiệp có lẽ cũng còn nhiều điều phải trao đổi, thảo luận.                                                                                                                             

Hà Nội, tháng 11-2019

TS NGUYỄN VIẾT CHỨC (Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)