Theo đó, năm 2019, kỹ sư Quách Tự Hải là Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình được cử sang Houaphanh để giúp nước bạn thiết kế và xây dựng các trạm thủy luân-là mô hình trạm bơm thủy lợi không dùng điện đang hoạt động rất tốt ở Hòa Bình. Một lần đến khảo sát cánh đồng bản Đon ở huyện Xamneua, Quách Tự Hải nghe mấy bác nông dân đang làm ruộng gần đó trò chuyện với nhau bằng tiếng địa phương.

Ông Hải trố mắt ngạc nhiên. Sao bà con người Lào ở đây lại nói tiếng Mường quê ông? Đại ý, họ vừa nói với nhau: Ông ấy là cán bộ Việt Nam sang giúp bà con mình làm thủy lợi cấy lúa đấy! Ông cất tiếng Mường hỏi lại với nội dung:

- Ồ, bà con mình nói tiếng Mường à?

Mấy người dân cũng ngạc nhiên không kém. Thế là hồ hởi ùa tới, tíu tít hỏi han, miệng nói, mắt cười... xôn xao giữa cánh đồng. Qua chuyện trò, ông Hải được bà con cho biết đây là bản người Mường duy nhất ở vùng này, từ Việt Nam di cư sang đã nhiều đời. Hiện toàn bản có hơn 100 gia đình với gần 1.000 người, đa số là người Mường, chỉ một số ít phụ nữ là người Lào lấy chồng bản Đon thôi...

leftcenterrightdel

Ngôi nhà sàn của đồng bào Mường ở bản Đon, huyện Xamneua, tỉnh Houaphanh (Lào). 

Hôm sau trở lại tỉnh lỵ Houaphanh, trò chuyện với lãnh đạo tỉnh và một số đồng nghiệp ở Sở Nông lâm nghiệp, làm việc với các ngành chức năng của tỉnh, ông Quách Tự Hải được cung cấp thêm những thông tin tin cậy: Bản Đon là bản người Mường gốc Việt duy nhất ở huyện Xamneua và cả tỉnh Houaphanh, là một trong 9 dân tộc được công nhận ở tỉnh này. Hiện tại cả bản có 103 hộ gia đình với 850 nhân khẩu, đều mang họ của người Lào, mang mặc trang phục Lào, nhưng giao tiếp “nội bộ” với nhau bằng tiếng Mường có pha lẫn một ít tiếng Lào và vẫn giữ nhiều phong tục, tín ngưỡng, sinh hoạt, ẩm thực... truyền thống của người Mường Việt Nam.

Điều thú vị là người đồng cấp với kỹ sư Quách Tự Hải, ông Bun Phon, Phó giám đốc Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Houaphanh, cũng chính là người Mường ở bản Đon. Ngoài ra, ông Phu Son, nguyên Phó tỉnh trưởng Houaphanh cũng là người Mường bản Đon. Các ông cũng như toàn thể bà con trong bản đều rất tự hào về dân tộc mình và mong muốn được kết nối, tìm hiểu rõ hơn về xuất xứ, nguồn cội...

Sau chuyến công tác, ông Quách Tự Hải đã hào hứng kể lại câu chuyện trên với bạn bè, người thân và anh em Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Hòa Bình mà ông cũng là hội viên. Mọi người hào hứng bàn soạn về một chuyến du khảo lên bản Đon để tìm hiểu rõ hơn cộng đồng những người Mường xa xứ. Công việc đang chuẩn bị thì xảy ra đại dịch Covid-19.

Mãi đến đầu năm 2023, kế hoạch “xuất ngoại” trên đây mới thực hiện sau khi được lãnh đạo tỉnh đồng ý với phương thức tự túc kinh phí. Đoàn hơn chục người gồm một số cán bộ Văn phòng Hội VHNT tỉnh Hòa Bình cùng một số hội viên có điều kiện tài chính và hiểu biết về văn hóa Mường, do nhà thơ Lê Va, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hòa Bình làm trưởng đoàn kiêm... lái xe.

Xuất phát từ TP Hòa Bình vào một sáng trung tuần tháng 5, theo Quốc lộ 6 lên Mộc Châu rồi qua Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, đến khoảng 3 giờ chiều, đoàn tới huyện Xamneua là thủ phủ của tỉnh Houaphanh. Đoàn được ông Phó tỉnh trưởng tỉnh Houaphanh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Xamneua đón tiếp hết sức thân tình. Hôm sau, đoàn được dẫn đi theo đường 6A hướng lên Xiangkhouang, chừng ba chục cây số là tới bản Đon. Nói sao hết niềm vui mừng của anh em đoàn công tác và bà con bản Đon khi gặp nhau, nhận ra nhau qua tiếng chào hỏi và các nghi thức xã giao của người Mường...

Cả đoàn chia nhau về các gia đình chuyện trò tìm hiểu, đến khi mặt trời gác núi thì tụ về tham gia buổi giao lưu tập trung trên sân trường học. Tại đây, cán bộ và nhân dân bản Đon xếp hai hàng dài bên lối vào cùng vỗ tay đón khách, khiến mọi người vừa xúc động vừa lúng túng vì quá bất ngờ trước sự đón tiếp trọng thị của dân bản.

Mở đầu chương trình giao lưu là hai cụ ông cao niên lên kể những hiểu biết của mình về bản Đon bằng tiếng Mường, đôi khi có pha lẫn những từ tiếng Lào, tuy nhiên, mọi người trong đoàn đều hiểu được nội dung câu chuyện. Theo đó, tổ tiên của họ từ tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa của Việt Nam sang đây từ vài trăm năm trước. Đầu tiên chỉ có 3 gia đình, sau đó thêm khoảng chục gia đình nữa cùng sang khai phá đất hoang lập bản. Năm này qua năm khác, con cháu ngày một đông đúc, bản Mường mở rộng, hình thành như ngày nay.

leftcenterrightdel

Đại diện Hội VHNT tỉnh Hòa Bình tiếp nhận bộ chiêng cổ của gia đình nhà thơ Nguyễn Tiến Lợi (bên phải) ủng hộ. Ảnh: QUỐC KHÁNH

Xúc động nhất là đến phần nghi lễ buộc chỉ cổ tay. Một lớp học ba gian được dọn hết bàn ghế ra ngoài, nền nhà trải chiếu cho khách và chủ cùng ngồi. Gian đầu tiên đặt một mâm cỗ có các lễ vật quen thuộc như mâm cỗ của người Mường. Thật thú vị khi thầy cúng cũng chính là ông mo Mường quen thuộc. Bài cúng cũng không khác gì áng mo mà mọi người trong đoàn vẫn thường nghe ở quê nhà.

Sau lễ cúng là nghi thức buộc chỉ cổ tay. Ông mo một tay nắm bàn tay khách, một tay cầm dây chỉ vàng kéo đi kéo lại trên cổ tay khách và nói như thôi miên “điều tốt đi vào, điều xấu đi ra...”. Sau khi được thầy mo buộc chỉ, mỗi vị khách còn có thể được nhiều người buộc chỉ, có người được buộc cả hai tay...

Tuy thời gian tiếp xúc tìm hiểu không nhiều nhưng đôi bên cảm thấy thân thiết lạ thường. Các thành viên trong đoàn dễ dàng nhận ra bà con ở bản Đon sử dụng chủ yếu là tiếng Mường cổ với âm điệu của người Mường ở Tân Lạc, Lạc Sơn (Hòa Bình). Họ đều tha thiết muốn được hiểu rõ nguồn gốc và kết nối với cội nguồn người Mường ở Việt Nam. Đó cũng là lý do để sau chuyến công tác, Hội VHNT tỉnh Hòa Bình tổ chức đợt vận động quyên góp ủng hộ bà con bản Đon khôi phục và phát huy vốn văn hóa Mường.

Trước mắt là quyên góp ủng hộ bà con một số bộ chiêng Mường và trang phục của phụ nữ Mường. Tiến tới sẽ mở các lớp ngắn ngày hướng dẫn một số bài chiêng (xéc bùa) trong những lễ hội truyền thống, hướng dẫn cách chế tác và sử dụng trang phục Mường, hướng dẫn thực hiện một số mỹ tục tập quán tiêu biểu của người Mường...

Sau gần 4 tháng phát động ủng hộ, Hội VHNT tỉnh Hòa Bình đã thu được hai chục bộ trang phục truyền thống dệt thủ công của phụ nữ và trẻ em dân tộc Mường còn mới nguyên; 28 triệu đồng tiền mặt; đặc biệt là 2 bộ chiêng cổ tổng cộng 24 chiếc đủ loại và dàn chiêng giai điệu 3 chiếc đã được “phù thủy chiêng Mường” Bùi Thanh Bình thẩm định...

Trung tuần tháng 9-2023, tại Bảo tàng Di sản văn hóa Mường ở TP Hòa Bình, Hội VHNT tỉnh Hòa Bình đã tổ chức trọng thể lễ tiếp nhận đợt đầu những hiện vật và tiền mặt của các cá nhân cũng như gia đình hội viên gửi tặng cộng đồng người Mường ở bản Đon, huyện Xamneua, tỉnh Houaphanh của nước bạn Lào.

Niềm vui được nhân lên khi phát biểu tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết: Từ nay, các hoạt động giúp đỡ đồng bào bản Đon sẽ là một nội dung của chương trình hợp tác về nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Houaphanh đã được ký kết hồi tháng 10-2018. Trước mắt, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Hội VHNT tỉnh để tiếp tục phát huy kết quả của chuyến công tác vừa qua.

Những bộ trang phục Mường đều được dệt tay có ý nghĩa văn hóa không nhỏ. Đặc biệt, 27 chiếc chiêng đủ loại thì vô giá, vì đó là những món đồ mà các cao thủ mua bán cổ vật đang săn lùng ráo riết. Nói thế để biết kết quả bước đầu của chương trình quyên góp giúp đỡ người Mường tha hương “tìm về nguồn cội” thật to lớn.

Nhưng giá trị và ý nghĩa hơn là cái cách anh em văn nghệ tỉnh Hòa Bình khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Thiết nghĩ, câu chuyện trên đây cũng là một cách thức “làm văn hóa” rất năng động và hiệu quả, trong công cuộc “chấn hưng văn hóa” hiện nay!

MAI NAM THẮNG