Cách đây 79 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã quy tụ dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trước hết bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cội nguồn của thắng lợi chính là tinh thần đại đoàn kết toàn dân đứng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, làm chủ vận mệnh của mình, của đất nước mình.
Tháng 8-1945, thời cơ cách mạng xuất hiện khi quân đội Nhật đầu hàng Đồng Minh, Chính phủ bù nhìn hoang mang, rệu rã. Bấy giờ, với số lượng đảng viên khiêm tốn vài nghìn người, Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo nhân dân toàn quốc tiến hành cuộc cách mạng giành chính quyền từ Trung ương đến các địa phương. Cách mạng diễn ra nhanh chóng, chỉ trong vòng nửa cuối tháng 8-1945, ách cai trị của quân phiệt Nhật, thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn do chúng dựng lên sụp đổ.
Cách mạng Tháng Tám thành công thể hiện sức mạnh đoàn kết của nhân dân “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Chúng ta không thể nào quên cuộc mít tinh giành chính quyền ở Hà Nội quy tụ hàng trăm nghìn người và những cuộc đấu tranh giành chính quyền ở các địa phương của hàng chục nghìn người từ thành phố đến thôn quê với đông đảo các giai cấp, tầng lớp xã hội. Đường lối đúng đắn của Đảng đã huy động được sức mạnh của nhân dân mà cao trào “phá kho thóc của Nhật” từ tháng 3 đến tháng 8-1945 và cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn cùng các địa phương trong nửa cuối tháng 8-1945. Ở vào thời điểm đó, không gì có thể ngăn cản nổi sức mạnh của nhân dân đứng lên làm chủ vận mệnh của mình dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Kể từ cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến và kiến quốc, bảo vệ nền độc lập dân tộc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tiến hành sự nghiệp đổi mới tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược hơn 30 năm để đi đến thành quả cuối cùng, đánh đuổi thực dân đế quốc, giang sơn thu về một mối cũng chính là thành quả của tinh thần đoàn kết, tập hợp quần chúng nhân dân trong sự nghiệp chung của toàn dân tộc.
Từ năm 1986, đất nước ta tiến hành đổi mới toàn diện. Vượt qua khó khăn ban đầu, dân tộc ta đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội kéo dài trong những năm 1975-1990. Từ năm 1996 trở đi, đất nước ta đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã tiến hành được gần 40 năm. Biết bao thách thức đặt ra với Đảng ta, nhân dân ta trên con đường đổi mới, từ những thách thức bên ngoài như sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đến những thách thức bên trong như xuất phát điểm quá thấp do duy trì quá lâu cơ chế cũ trong quản lý kinh tế. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn để đạt được những thành tựu rực rỡ.
Đóng góp vào thắng lợi đó chính là do Đảng ta đã có đường lối đổi mới đúng đắn, được nhân dân ủng hộ. Khối đại đoàn kết toàn dân được tập hợp trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, tất cả cùng phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong công cuộc đổi mới, “ý Đảng” và “lòng dân” đã gặp nhau, điều đó thể hiện vô cùng phong phú trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Có thể kể đến công cuộc xây dựng nông thôn mới trong hơn 10 năm trở lại đây. Nông thôn Việt Nam đã “thay da đổi thịt” từng ngày, từ chỗ đáp ứng các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều địa phương tiếp tục tiến lên xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trong quá trình đó, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, phải kể đến sự đóng góp vô cùng to lớn của nhân dân các địa phương đã chung tay, góp sức xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn tươi đẹp như hiện nay.
Một bài học luôn vẹn nguyên giá trị mà Đảng ta vẫn đang giữ vững và thực hiện, đó là lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Khi đất nước còn chìm dưới ách cai trị của thực dân, phong kiến, mục tiêu độc lập dân tộc là mục tiêu cao nhất, là khát vọng của nhân dân, đã quy tụ được sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Ngày nay, khi đất nước đã độc lập, tự do, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc trở thành khát vọng của toàn dân Việt Nam, chắc chắn sẽ quy tụ được sức mạnh toàn dân để phấn đấu đạt được mục tiêu ấy. Sở dĩ công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được thành tựu to lớn, bởi người dân cuối cùng chính là người thụ hưởng thành quả. Mệnh đề “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chỉ hoàn thiện khi thêm một câu “dân thụ hưởng”. Người dân có quyền và phải được thụ hưởng những thành tựu của công cuộc đổi mới.
Đất nước ta có đạt được những mục tiêu đến năm 2030 và 2045 hay không tùy thuộc vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, vào sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó yếu tố sức mạnh dân tộc mà nòng cốt là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân là yếu tố quyết định đến việc đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển cao vào năm 2045.
Nếu như trong kháng chiến, “cứ địa lòng dân” là bảo đảm cho chiến thắng thì trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hôm nay, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết chung sức, đồng lòng của nhân dân thực hiện đường lối cách mạng của Đảng sẽ là bảo đảm cho thành công. Điều đó cũng là minh chứng sinh động của việc chúng ta đã kế tục xuất sắc sự nghiệp của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và công cuộc kháng chiến, kiến quốc vĩ đại của dân tộc, xứng đáng với những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như toàn dân Việt Nam mong muốn, khát vọng.
TS NGUYỄN BÌNH