leftcenterrightdel
 NSND Đàm Liên. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đến nay, ai gặp Đàm Liên cũng vẫn muốn bà diễn cho xem một tiết mục tuồng, dài hơn là một đoạn trong “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” hay “Ông già cõng vợ đi xem hội”… để được ngắm sự uyển chuyển trên những bước chân nhẹ nhàng, những biểu cảm trên khuôn mặt, dù chỉ là cái liếc mắt thôi, hay nghe bà cười, cách cười của Đàm Liên cũng thật đặc biệt: “Để cười được trong khi diễn cũng khó chứ không phải dễ đâu. Vì nghe tiếng cười có thể phân biệt được người ấy là ai, tốt hay xấu, buồn hay vui, say hay tỉnh, hạnh phúc hay đau khổ, thỏa mãn hay thất vọng… Với tôi, tiếng cười có thể lý giải và hóa giải được rất nhiều điều, cho nên khi không thể nào khóc thì... cười. Mà có khi tôi cười, người xem lại khóc. Như khi tôi đứng trên sân khấu ở Pa-ri diễn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, đến cảnh soi dưới nước, thấy lông mọc ở trên mặt mình thì á... ú… sợ, lúc đó là tiếng cười đau đớn, man dại của Hồ Nguyệt Cô. Còn trong “Ông già cõng vợ đi xem hội” lại là tiếng cười tức tối, cay cú, khi tự mãn, sảng khoái của ông già mang cô vợ trẻ đi chơi… Dưới hàng ghế khán giả, lại có nhiều người khóc”-NSND Đàm Liên chia sẻ.

“Ông già cõng vợ đi xem hội” là tiết mục tuồng chỉ 14 phút, nhưng để đời cũng như tạo nên tên tuổi của NSND Đàm Liên trong gần nửa thế kỷ qua. Đàm Liên thể hiện cả hai vai: Ông già 70 tuổi và cô vợ 17 tuổi. Với vai diễn này, Đàm Liên đạt được kỷ lục trong nghệ thuật tuồng Việt Nam với hơn 2.000 đêm diễn. Bà kể lại: “Mỗi ngày tôi diễn tới 4 “tăng”. Tôi cứ để nguyên cái mặt đó. Nghỉ xong, ăn xong tôi lại diễn. Tôi đi liên hồi đến mức những người xung quanh nói: Trời ơi, cứ diễn như thế này thì chết”. “Ông già cõng vợ đi xem hội” tới khắp các quốc gia: Liên Xô (trước đây), Ấn Độ, Pháp, Đức… Trong một buổi diễn ở Béc-lin (Đức), có khán giả sau khi xem tiết mục này đã lên sân khấu tặng Đàm Liên hai bó hoa, khi thấy Đàm Liên tháo bỏ bộ phục trang ông già, vị khán giả chợt “ồ” lên. Qua phiên dịch, Đàm Liên mới biết, vị khán giả này đã rất háo hức đi xem khi được phương tiện truyền thông giới thiệu, nhưng ông cứ ngỡ là hai diễn viên, nên đã chuẩn bị hai bó hoa để tặng. Sau phút ngỡ ngàng, vị khán giả người Đức đã ôm chầm lấy Đàm Liên bày tỏ sự thán phục bởi chưa bao giờ ông được xem một tiết mục đặc sắc đến vậy, dù bất đồng ngôn ngữ.

Bước qua tuổi 70, nhưng NSND Đàm Liên chưa bao giờ ngừng nghỉ với tuồng, dù trong người mang bệnh nặng, hằng tháng phải đến bệnh viện chạy thận, nhưng bà vẫn còn nhiều ấp ủ lắm: Một công trình nghiên cứu về những điệu cười trong tuồng, riêng Đàm Liên sáng tạo 16 kiểu cười; tranh thủ ghi băng đĩa những trình thức diễn tuồng khi có học sinh đến tập luyện… Với Đàm Liên, tuồng vẫn như ngọn lửa thắp sáng và sưởi ấm con tim, kể cả lúc vào bệnh viện khám bệnh, học trò tìm đến, bà sẵn sàng ngồi dậy hát, rồi múa để truyền niềm đam mê, nhiệt huyết nghệ thuật dân tộc tới lớp trẻ.

CHÂU XUYÊN