Trong kinh doanh truyền thống, hàng hóa là trung tâm. Người mua thực hiện “hai tiếp xúc”: Trực tiếp cảm nhận mẫu mã, chất lượng sản phẩm và trực tiếp giao lưu với người bán. Để thuyết phục được người mua hàng, thông thường người bán có các thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, đưa ra cho khách hàng nhiều thông tin hữu ích, từ nguồn gốc sản phẩm cho đến những tác dụng mà chỉ có sử dụng lâu dài mới cảm nhận hết. Dĩ nhiên, khi người bán thật tâm, nhiệt tình và hàng hóa cần mua có giá trị phù hợp thì người mua sẽ không ngại ngần móc hầu bao để sở hữu món hàng. Việc này khiến cho đạo đức kinh doanh hình thành và phát triển, trở thành văn hóa đặc trưng, tạo ra uy tín và mang lại niềm tin cho khách hàng.

Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, khi thương mại điện tử (TMĐT) phát triển, người mua không tiếp xúc trực tiếp với người bán và hàng hóa mà chỉ qua thông tin giới thiệu tính năng của sản phẩm trên màn hình máy tính, điện thoại. Họ không cảm nhận được chính xác bằng ngũ quan. Lúc này, trong mối quan hệ của người mua và người bán, đạo đức, sự trung thực trở thành trung tâm, nhưng cũng rất mong manh.

leftcenterrightdel

 Minh họa đạo đức, văn hóa kinh doanh thời 4.0: PHẠM HÀ

Tại các nước phát triển, gần nhất là Nhật Bản và Singapore, những nước ứng dụng phát triển TMĐT từ sớm, đạo đức, sự trung thực trong kinh doanh được đề cao. Tôi từng tham gia đấu giá một vài sản phẩm tại một trang web bên Nhật Bản. Theo quy định, trước khi đấu giá, tôi phải gửi cho nhà tổ chức một số tiền. Những lần đầu, tôi đấu giá thất bại nhưng số tiền không bị mất. Gần đây, tôi đấu giá thành công chiếc đầu đĩa than Denon DP-450USB từ số tiền đặt cọc đó. Điều quan trọng là sau một thời gian chờ đợi, sản phẩm đã về đến gia đình tôi theo đúng địa chỉ. Kiểm tra và dùng sản phẩm, tôi nhận thấy không có sự khác biệt so với thông tin họ đã đăng tải. Điều này cho thấy, ở Nhật Bản, trong TMĐT, sự trung thực và đạo đức kinh doanh được coi trọng thế nào! Đem câu chuyện này thổ lộ với một người bạn từ thời phổ thông và hiện đang sống, làm việc ở Nhật Bản, anh nói với tôi rằng, trước khi TMĐT phát triển, dù ở vùng nông thôn vắng vẻ, thoáng rộng, người bán để hàng ở cửa mà không cần chào mời, giới thiệu. Họ ghi giá để bên cạnh sản phẩm. Người mua ưng mắt trả tiền và xách hàng đi. Tuyệt nhiên không có hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoặc ăn cắp hàng, không trả tiền.

Tôi có người bác vừa đi Mỹ thăm gia đình con gái về hơn một tuần nay. Ông kể, đặt mua một chiếc máy vi tính trên sàn TMĐT và nhận được hàng sau mấy ngày. Họ để hàng ở cạnh cửa ra vào mà không cần báo cho chủ nhà và hàng cũng không bị mất. Kiểm tra hàng và đối chiếu với thông tin quảng cáo thì không có sự khác biệt. Tò mò khảo sát thì ông bác tôi phát hiện, việc này diễn ra thường xuyên và trở thành một thói quen. 

Từ hai ví dụ trên đã cho thấy, để có văn hóa trong kinh doanh TMĐT thì phải có đức tính trung thực và đạo đức, cao hơn nữa là có văn hóa kinh doanh làm nền móng.

Ở Việt Nam, mấy năm gần đây, TMĐT đã có sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh các sàn giao dịch lớn như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo... thì việc bán hàng qua mạng xã hội cũng cực kỳ sôi động. Người người, nhà nhà tham gia bán hàng trên không gian mạng. Người ta đưa hàng lên không gian mạng không thiếu một cái gì. Có nghĩa là, cái gì bán được họ cũng đưa lên mạng. Từ mớ rau, con cá cho đến những sản phẩm đắt tiền, hàm lượng khoa học công nghệ cao. Việc này đã giúp cho hoạt động thương mại diễn ra thuận lợi, hiệu quả, tuy nhiên nó cũng khiến cho hoạt động của những thương lái ở các chợ truyền thống ngày càng thưa vắng khách.

Tôi quen một cô giáo dạy phổ thông có điều kiện kinh tế khá tốt. Cô có sở thích sưu tầm các loại túi, ví của nhiều hãng nổi tiếng. Rồi cô lập một nhóm trên mạng xã hội để tạo sân chơi cho những người cùng sở thích. Khi lượng hàng hóa lớn và nhu cầu sưu tầm của nhiều người trong nhóm tăng lên, cô mở các “phiên chợ” trên đó để giao dịch. Cô trở thành “thương nhân” bán hàng trên không gian mạng lúc nào không hay. Cô chia sẻ, bán hàng trên đó phải giữ chữ tín, không cho phép lừa dối, đoạt lợi nhuận bằng mọi giá.

Theo thống kê của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, năm 2022, ước tính quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, năm 2022, tỷ lệ bán lẻ hàng trực tuyến so với tổng mức bán lẻ chiếm khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021. Tuy nhiên, sang năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm, TMĐT Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 25% và đạt quy mô hơn 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, những số liệu này không phản ảnh được đầy đủ mặt trái trong kinh doanh TMĐT. Thực tế cho thấy, số người bị lừa đảo từ mua hàng trên không gian mạng nói chung và trên sàn TMĐT nói riêng ngày càng nhiều và giá trị bị lừa cũng rất lớn.

Một người bạn thổ lộ với tôi là đã bị lừa mất gần 15 triệu đồng vì mua máy tính bảng qua một trang web nhưng không nhận được hàng. Đến nay, anh rút ra bài học xương máu là không bao giờ mua hàng qua mạng. Tuy nhiên, theo dõi truyền thông tôi cũng nhận thấy không ít trường hợp khách hàng lừa người bán với số tiền rất lớn. Gần đây, Bộ Công Thương đã khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo khi mua hàng trên mạng, trên sàn giao dịch điện tử với nhiều thủ đoạn tinh vi nhưng tình trạng bị lừa khi mua hàng trên không gian mạng nói chung và trên sàn giao dịch điện tử vẫn không thuyên giảm, thậm chí ngày càng mở rộng phạm vi, quy mô và tính chất cũng ngày càng phức tạp.

Theo khảo sát, thống kê sơ bộ của tôi từ lâu nay, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tiền, tài sản khi giao dịch trên không gian mạng diễn ra ở nhiều nơi, có cả ở thành phố lớn và vùng đô thị, nông thôn hẻo lánh. Tỷ lệ bán hàng lừa đảo qua mạng để trục lợi bị phát hiện ở phía Bắc thường cao hơn ở phía Nam. Đặc biệt, những thủ đoạn lừa đảo bán hàng qua mạng, trên sàn giao dịch điện tử ngày càng có xu hướng tinh vi và phức tạp hơn. Hiện nay, các đối tượng xấu ngày càng nhanh nhạy trong việc lợi dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI)... làm công cụ lừa đảo. Điều này cho thấy, đạo đức, văn hóa kinh doanh trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 ở nước ta đang bị vẩn đục nghiêm trọng.

Ở thời nào cũng thế, kinh doanh hay rộng hơn là làm thương mại cũng là một nghề, nó đặc biệt cần thiết trong kinh tế thị trường và là động lực để thúc đẩy sản xuất. Đây là nghề rất gần với lợi ích và bị chi phối mạnh bởi lợi ích nên con người dễ sa ngã và làm mất đi phẩm giá, đạo đức, đặc biệt là khó có thể xây dựng thành nét đẹp văn hóa. Hậu quả sẽ khiến an ninh, an toàn cho người kinh doanh và người mua hàng không được bảo đảm. Nhưng quan trọng hơn là niềm tin và giá trị đạo đức, văn hóa trong xã hội bị tha hóa, xuống cấp.

Chú trọng xây dựng đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hóa kinh doanh trên không gian mạng đã trở thành yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp nghiệp vụ mạnh mẽ để chấn chỉnh kịp thời. Chính phủ cũng nên chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, phát hiện những vấn đề phát sinh để xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh hành vi, ngăn chặn hiện tượng trục lợi bằng mọi giá trong kinh doanh trên không gian mạng.

Hòa nhịp với sự phát triển kinh tế trong khu vực và thế giới không chỉ bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ mà còn hòa nhập bằng cái tâm trong sáng và bằng thái độ hành vi ứng xử đạo đức, văn minh, văn hóa. Nếu không có đạo đức, văn hóa dẫn đạo thì những phương tiện khoa học công nghệ kia dù có hiện đại, tinh vi đến đâu cũng sẽ phản tác dụng. Xã hội chỉ tốt đẹp khi giá trị văn hóa được đề cao, kể cả trong kinh doanh thời Cách mạng công nghiệp 4.0 hay xa hơn nữa.

PGS, TS NGUYỄN VIỆT KHÔI