Văn hóa đọc tạo “sức đề kháng” cho bộ đội

Có thể thấy, sự phát triển khoa học công nghệ kéo theo những bước tiến nhảy vọt của công nghệ thông tin, nguồn tài nguyên thông tin trên không gian mạng ngày càng phong phú và trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống. Tuy nhiên, tính hai mặt của nó đã tạo nên không ít hệ lụy trong quá trình sử dụng của đối tượng tiếp nhận thông tin. Một mặt, nó tạo điều kiện thuận lợi cho người xem tiếp cận được nguồn thông tin nhiều chiều và gần như vô hạn. Mặt khác, chúng đồng thời tạo nên những thách thức không nhỏ đối với mọi người trong việc chọn lọc, tiếp nhận và làm chủ thông tin. Thách thức đó cũng đặt ra một cách bức thiết và nghiêm túc hơn đối với công tác tư tưởng của Đảng nói chung, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục trong Quân đội nói riêng.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ trẻ đọc sách văn học nghệ thuật và nhiều thể loại khác tại Thư viện Lữ đoàn Công binh 131, Quân chủng Hải quân. Ảnh: XUÂN DŨNG 

Nhằm tăng cường “sức đề kháng” cho bộ đội trước những thông tin xấu độc và tệ nạn xã hội, những năm gần đây, công tác chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội được các đơn vị trong toàn quân tập trung triển khai thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp sinh động, hiệu quả. Điều đó không chỉ góp phần làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ mà còn là phương cách hữu hiệu trong bồi đắp đời sống tinh thần, nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn, thúc đẩy phong trào đọc sách cùng sức sáng tạo của bộ đội, qua đó định hình nhân cách quân nhân.

Có thể kể ra rất nhiều mô hình đã được các đơn vị trong toàn quân triển khai và duy trì nền nếp qua nhiều năm như: “Sách ở đầu giường chiến sĩ”, “Câu lạc bộ đọc sách, báo”, “Sách theo chân bộ đội ra thao trường”, “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”, “Phòng đọc xanh”, “Ngăn sách pháp luật”, “Chiến sĩ Biên phòng viết”. “Hộp báo thao trường”, “Mỗi tuần một cuốn sách”... Bên cạnh đó, các đơn vị đã đầu tư nhiều đầu sách lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, pháp luật, y học... cùng với các đầu sách phục vụ công tác huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị nhằm đa dạng hóa kho tàng sách, báo, tạp chí tại các thư viện, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh để phổ cập kiến thức cho bộ đội. Qua đó, từng bước hình thành văn hóa đọc ở đơn vị, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, nâng cao hiểu biết, đồng thời giáo dục ý thức, trách nhiệm cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ.

Những năm gần đây, nhằm nâng cao “văn hóa đọc” cho bộ đội, các ngành báo chí, xuất bản, thư viện... trong Quân đội cũng đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số. Mạng truyền số liệu quân sự với hơn 40 đầu mối thư viện tham gia, tích hợp dữ liệu, khai thác và sử dụng chung dữ liệu cùng hệ thống sách, báo điện tử của các lực lượng giúp bộ đội tiếp cận dễ dàng hơn với nhiều vấn đề mình quan tâm và có thể chia sẻ những thông tin bổ ích, những bài viết, cuốn truyện hay mà mình tâm đắc cùng đồng chí, đồng đội.

Không những vậy, một số đơn vị đã phát huy được sự sáng tạo của bộ đội, tổ chức đọc và viết cảm nhận về các cuốn sách, từ đó lựa chọn những bài bình hay, ý nghĩa để giới thiệu trong các chương trình truyền thanh nội bộ hoặc đưa lên trang mạng xã hội, nhóm của đơn vị... Sau mỗi buổi giới thiệu như vậy, các cuốn sách đều được cán bộ, chiến sĩ đăng ký mượn đọc giúp truyền tải thông tin, kiến thức, đem lại hiệu quả cao trong rèn luyện, công tác. Có thể nói, điều này đã mang lại tác động “kép”, tạo thêm những thú vui, giải trí lành mạnh, đồng thời giúp chỉ huy đơn vị vận dụng linh hoạt nhằm giáo dục, định hướng tư tưởng cho bộ đội, qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa ở các cơ quan, đơn vị.

Cần nhiều “những trang văn màu lính”

Cùng với sự nỗ lực tạo thêm nhiều “cú hích” cho văn hóa đọc cũng như các sân chơi văn hóa bổ ích cho bộ đội, cần chú trọng nâng cao chất lượng của những ấn phẩm văn hóa dành cho bộ đội. Đề tài chiến tranh cách mạng và hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc lâu nay luôn là thế mạnh nhằm góp phần giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào và ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ vẫn là dòng chảy chủ đạo trong các sáng tác về Quân đội cũng như những người cầm bút mặc áo lính. Song đã đến lúc cần đẩy mạnh hơn nữa những tác phẩm về đề tài người lính hôm nay-người lính trong thời bình.

Tuy nhiên, nhiều người lo lắng, chất liệu phản ánh về người lính hôm nay kém sinh động hơn so với những giai đoạn trước bởi trong chiến tranh, chất anh hùng ca có thể được bộc lộ nhiều hơn, còn trong đời thường hiện nay, sự ích kỷ, tính vụ lợi có “cơ hội” phát triển. Trong chiến tranh mọi thứ đều có thể xảy ra, mọi cá tính, thân phận con người đều bộc lộ và những điều kỳ diệu, lớn lao, vĩ đại thì hiển diện ở khắp nơi, giúp các nhà văn khai thác để viết nên những tác phẩm có sức lay động lòng người. Đó không chỉ là các tác phẩm văn học đơn thuần mà còn là những trang văn học mang ký ức của một thời hào hùng, bi tráng của cả dân tộc; là câu chuyện của lịch sử, văn hóa, con người và nhiều bài học giáo dục truyền thống, đạo đức cho hiện tại và tương lai.

Còn hiện nay, để có được một tác phẩm hay về đề tài này thì đòi hỏi người viết phải dụng tâm rất nhiều và phải có một khoảng thời gian gắn bó đủ lâu với cuộc sống của những người lính dưới cơ sở thì mới có thể hiểu và cảm nhận một cách sâu sắc về đời lính cùng những tác động đa chiều của cuộc sống xã hội với người lính. Nếu thực sự thâm nhập vào cuộc sống của người lính hôm nay, trăn trở với bao hy sinh, vất vả của họ thì sẽ cảm nhận được rất rõ rằng, nhịp sống ngày thường cũng có những điểm rất đáng trân trọng và lưu giữ. Bởi giữa nhịp sống rất bình lặng, yên ổn ấy thì vẫn có những người lính tạo dấu ấn của mình bằng những khoảnh khắc anh hùng, những hành động anh hùng, thể hiện rõ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.

Hằng năm, Bộ Quốc phòng cũng đã chú trọng đầu tư cho các sáng tác văn học về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Đây là một cách làm thể hiện sự quan tâm đến các nhà văn tâm huyết với đề tài này để họ “rút ruột” tạo nên những trang văn màu lính đầy ấn tượng. Và qua đó, hình tượng người lính trong chiến tranh hay giữa thời bình cũng đã, đang được xây dựng và tôn vinh một cách sâu sắc trên mọi phương diện. Trên cương vị nào, địa bàn nào, tình huống nào, người lính luôn có mặt, dẫu trên chiến trường đạn bom hay giữa nơi biển xanh nghìn trùng sóng vỗ...

Không chỉ chú trọng đến hoạt động sáng tác chuyên nghiệp, việc khơi cảm hứng sáng tạo, tình yêu với VHNT cho cán bộ, chiến sĩ cũng được đẩy mạnh với nhiều phong trào “chiến sĩ viết” lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều đơn vị đã tạo được các trang fanpage có lượng người theo dõi cao, như: “Trang thơ người lính”, “Trang thơ lính Biên phòng”, “Đất và người Quân khu 3”, “Tâm tình người lính”, “Vì bình yên Tây Nguyên”... do cán bộ, chiến sĩ các đơn vị cùng những người yêu quý bộ đội tham gia đã trở thành nơi sinh hoạt, giao lưu và đăng tải những sáng tác mới về đề tài người lính hôm nay. Tuy là diễn đàn mở, nhưng thực sự có ưu thế trong giao lưu văn hóa, tính tương tác cao, tạo động lực bồi đắp tình cảm, tư tưởng, niềm tự hào khi được mang trên mình màu áo quân nhân. Đồng thời thúc đẩy người lính viết về đời sống, chiến đấu, công tác của chính mình và đồng đội; giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh, nghị lực của người quân nhân cách mạng, của vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ thời đại mới.

Qua những trang văn, trang báo, trang thơ, nhân dân sẽ hiểu sâu sắc hơn về Bộ đội Cụ Hồ với sự tri ân và tình cảm trìu mến, yêu thương; nhân dân cũng sẽ thấm thía và đồng cảm với một nghề gọi là “nghề phụng sự Tổ quốc”, “nghề bảo vệ nhân dân”... Qua những diễn đàn VHNT của những tác giả áo lính, chỉ huy các đơn vị cũng có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bộ đội. Đó chính là biện pháp hiệu quả nhằm quảng bá, tuyên truyền hình ảnh tốt đẹp, những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trên các lĩnh vực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, lao động sản xuất, công tác...

Nhà văn PHẠM VÂN ANH