Đầu tuần rồi, khi đến cơ quan, vừa ngồi vào bàn trà đã có nhân viên giọng đầy hứng khởi khoe với chúng tôi về chiếc ram rán dài 20,23m, được 60 đầu bếp ở Trường Cao đẳng Nguyễn Du (Hà Tĩnh) thực hiện đã lập kỷ lục Việt Nam. Tôi lập tức rời khỏi bàn trà, khiến mọi người khó hiểu. Buổi trưa, trong giờ ăn cơm tại bếp cơ quan, ngồi cạnh người nhân viên ấy, tôi thủ thỉ, cậu biết ở Hà Tĩnh có ai là người lập nhiều kỷ lục đáng khâm phục trong thời gian gần đây không? Cậu nhân viên e dè xin lỗi mà rằng không biết. Tôi bảo, cậu đưa điện thoại đây. Tôi vào google gõ từ khóa “vận động viên cử tạ khuyết tật Lê Văn Công”. Mở một trang web và tôi dặn, ăn xong về nhà trước khi đi ngủ trưa, cậu hẵng đọc trang này nhé. Buổi chiều, cậu nhân viên gặp tôi và nhỏ nhẹ nói lời cảm ơn. Tôi hỏi, cậu đã thấy sự đối lập trong hai kỷ lục ấy chưa? Cậu nhân viên lý nhí đáp, rồi ạ.
Nhân chuyện này tôi kể thêm một chuyện khác. Cách đây hai năm, nhân dịp kỷ niệm thành lập trường, một số nghiên cứu sinh chúng tôi được một chủ doanh nghiệp gợi ý tài trợ kinh phí kèm điều kiện tạo ra một kỷ lục để đăng ký với Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings). Dĩ nhiên, kinh phí đăng ký ghi nhận xác lập kỷ lục cũng là do đơn vị kia tài trợ. Tò mò, tôi vào trang web của tổ chức này tìm hiểu thì phát hiện ra những kỷ lục lạ hoắc mà có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có. Tiêu biểu trong số này là kỷ lục của ông cụ gánh nước ở Hội An. Cùng với đó là các kỷ lục “trời ơi đất hỡi”, thậm chí buồn cười như: Cụm đảo Hòn Khoai được xác lập kỷ lục là Cụm đảo gần xích đạo nhất; Công ty có thời gian tài trợ chương trình bình chọn âm nhạc Việt Nam trên sóng đài phát thanh lâu nhất; thuốc ho bổ phế lâu đời nhất Việt Nam; bức tranh lớn nhất thực hiện bằng việc thu thập, ghép và in từ phôi kẹo; bánh kem theo mô hình chai sữa tắm lớn nhất; chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất...
|
|
Nở rộ những kỷ lục vô bổ. Minh họa: THÁI AN
|
Trước những thông tin về các kỷ lục "trời ơi đất hỡi" ấy, tôi đã nêu chính kiến với các bạn và tỏ thái độ phản đối rõ ràng với việc xác lập kỷ lục như vậy. Rất may, đa phần mọi người đều đồng tình và tế nhị gửi lời cảm ơn sự giúp đỡ của chủ doanh nghiệp kia. Từ đấy, trong tôi hình thành phản xạ có điều kiện, cứ mỗi khi xem báo, lướt web và xem truyền hình, nếu gặp tin tức liên quan đến những kỷ lục ở Việt Nam là tôi dừng ngay. Nhưng rồi do tính chất công việc, tôi vẫn buộc phải tìm hiểu về kỷ lục cả ở Việt Nam và trên thế giới.
Trên thế giới, cách đây 73 năm, vào năm 1951, trong một cuộc đi săn ở County Wexford, Ireland, ông Hugh Beaver, Giám đốc Nhà máy bia Guinness, đã tranh luận bất phân thắng bại với những người bạn cùng phường săn về việc chim choi choi vàng có phải là loài chim nhanh nhất châu Âu hay không. Và khi về nhà, ông đã thất vọng vì không thể tìm ra một cuốn sách nào có lời giải đáp chính xác. Sau nhiều trăn trở, qua sự giới thiệu của vận động viên từng lập kỷ lục thế giới Chris Chataway đang làm việc ở Nhà máy bia Park Royal tại London (thuộc Công ty Guinness), ông Hugh Beaver giao nhiệm vụ cho hai anh em sinh đôi nhà McWhirter thực hiện một cuốn sách ghi lại những việc xuất sắc, kỳ lạ nhất. Cuốn sách đầu tiên ra đời có tên gọi là The Guinness book of records. Ngày 27-8-1955, bản đầu tiên của cuốn sách về các kỷ lục ở Anh và trên thế giới được in, phát hành đã nhận được sự tin cậy, yêu mến của độc giả. Theo những thông tin tra cứu từ trang web của tổ chức này, trung bình có khoảng 3,5 triệu cuốn sách Kỷ lục thế giới Guinness được bán mỗi năm. Năm 2003, lượng ấn bản của Guinness đã vượt con số 100 triệu bản, tạo tiếng vang lớn trong lịch sử làng xuất bản sách. Hiện Guinness có mặt ở 100 quốc gia trên thế giới và được dịch sang 23 ngôn ngữ. Điều này chứng tỏ, cuốn sách Kỷ lục thế giới Guinness vẫn luôn là một nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy, cuốn hút đối với bạn đọc trên toàn thế giới.
Tại sao cuốn sách Kỷ lục thế giới Guinness lại được độc giả yêu mến đến vậy? Tôi xin trả lời ngay, đó dĩ nhiên là uy tín và thương hiệu, nhưng điều quan trọng hơn lại nằm trong cách tổ chức của họ hết sức văn hóa. Tìm hiểu về họ, tôi thấy, cách xem xét và công nhận kỷ lục của họ cực kỳ nguyên tắc và tuân thủ kỷ luật rất chặt chẽ với những tiêu chí khắt khe mà có tiền cũng không thể mua nổi.
Họ đặt ra mục tiêu ghi nhận và tôn vinh những thành tích xuất sắc nhất trên thế giới nên họ xây dựng và thực thi chính sách nghiêm ngặt. Họ yêu cầu hồ sơ gửi đến xét duyệt phải tuân thủ nhiều quy định. Ví dụ, các hoạt động không phù hợp hoặc những hoạt động có thể gây hại hoặc nguy hiểm tiềm tàng cho con người, động vật sẽ bị họ từ chối. Trong lĩnh vực thực phẩm, họ từ chối xét những trường hợp thi uống rượu, uống say hoặc uống rượu quá độ, thậm chí liên quan đến rượu. Họ từ chối xét những trường hợp ăn uống quá độ. Họ chỉ ghi nhận thời gian ngắn nhất để ăn lượng thực phẩm nhỏ, chẳng hạn như thời gian nhanh nhất để ăn 3 chiếc bánh quy kem. Họ yêu cầu bất kỳ hồ sơ nào liên quan đến thực phẩm phải tuân theo các chính sách nghiêm ngặt về tiêu thụ và quyên góp thực phẩm. Đặc biệt, họ nghiêm cấm các hoạt động bất hợp pháp để theo đuổi việc phá kỷ lục. Những người dưới 16 tuổi gửi hồ sơ xét kỷ lục thì dù hay cũng bị coi là phạm quy.
Cũng là xét, lựa chọn công nhận kỷ lục như Guinness, nhưng tại sao các kỷ lục ở Việt Nam lại bị chê trách, bị "ném đá" nhiều như vậy? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.
Theo quan điểm của tôi, mỗi năm có hàng trăm kỷ lục được đưa ra trước công luận và trong số đó, những kỷ lục có tính cổ vũ, động viên thật là hiếm hoi. Nhiều kỷ lục của ta chỉ loanh quanh trong các lĩnh vực ăn, ở, mặc hết sức phản cảm và thậm chí là phi văn hóa. Chúng ta còn nhớ đến kỷ lục tô phở có đường kính 2,1m, nặng hơn 1,3 tấn được làm từ 1.963 vắt phở bò ăn liền VIFON, 1.200 lít nước dùng, 100kg thịt bò organic, 22kg gia vị, 8kg dầu phở bò và 6kg tương ớt do 55 người phối hợp nấu cùng một lúc. Hay chúng ta thấy chai rượu AVINAA Vodka kỷ lục cao 5,2m, đường kính 1,17m, dung tích hơn 4.000 lít được công nhận vào năm 2010. Gần đây nhất, chúng ta từng sửng sốt với kỷ lục về bộ áo dài "Dấu ấn thời gian” mà không biết để làm gì. Chiếc áo này dài tới 189m và đính đá, kết hợp khảm trai nặng gần 200kg. Nhiều người gọi nó là chiếc băng rôn khổng lồ vì in nổi trên đó 468 hoa văn họa tiết cổ Việt Nam thế kỷ 17.
Soi vào cách xét kỷ lục ở ta và thế giới thì thấy nó có sự biến tướng. Nếu như người muốn xét kỷ lục Guinness thế giới chỉ phải trả một lượng phí vừa phải mang tính tượng trưng thì ở Việt Nam, việc xét kỷ lục được "đặt giá" rất rõ ràng thể hiện sự thương mại hóa. Nhiều chuyên gia lý giải, do ở Việt Nam, phần lớn con người thích những cái nhất, cái nhì và cùng lắm là đến cái thứ ba nên họ không nhớ gì đến những cái ở phía sau. Thế nên, để thu hút sự chú ý của công chúng, người ta đua nhau để về nhất, về nhì thông qua việc bỏ nhiều phí mua kỷ lục.
Trong khi đó, các kỷ lục được tạo ra từ những con người bình dị như vận động viên cử tạ khuyết tật Lê Văn Công thì ít được nhắc tới. Anh Công bị chứng teo chân từ nhỏ. Năm 2005, anh vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp và tham gia hoạt động tại câu lạc bộ hướng nghiệp dành cho người khuyết tật quận Tân Bình. Sau 2 năm tập luyện, Lê Văn Công đã giành được một huy chương vàng tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) vào năm 2007 với thành tích 152,2kg. Khi bình phục chấn thương, Lê Văn Công đã 3 lần phá kỷ lục thế giới và đoạt huy chương vàng tại ASEAN Para Games vào năm 2014 với thành tích 180kg và 181,5kg. Tại Giải vô địch châu Á năm 2015 anh Công cũng giành huy chương vàng với thành tích 182kg. Tìm hiểu kỷ lục do anh Công tạo ra, tôi tin nhiều người phải cúi đầu khâm phục, hãnh diện và tự hào về anh.
Kỷ lục là để đánh giá công lao, sự sáng tạo, cố gắng, kiên trì, vượt khó vươn tới những đỉnh cao của cá nhân, tập thể thì mới có giá trị. Nó cũng là văn hóa đặc trưng của tinh thần quyết thắng, vượt hoàn cảnh, vượt khó khăn. Chỉ riêng lĩnh vực quân sự, gần 80 năm qua, theo tìm hiểu của tôi, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có hàng trăm kỷ lục mà chẳng thấy VietKings công nhận. Tôi cho rằng, việc đua nhau "bỏ tiền" để lấy kỷ lục chẳng khác nào việc mua danh. Tôi mong các ngành chức năng, đặc biệt là ngành văn hóa cần quản lý việc này một cách chặt chẽ để nó đi theo đúng quỹ đạo và khích lệ, động viên người Việt Nam sáng tạo, vươn tới những tầm cao mới.
Đại tá, TS NGUYỄN ĐỨC ĐỘ - Chính ủy Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển