Đặc trưng văn hóa trong Đảng

Xây dựng văn hóa trong Đảng là nội dung lớn, gồm nhiều thành tố, gắn liền với sự chân thật, trung thực, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, những người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý. Bởi như phân tích của các nhà khoa học, văn hóa trong Đảng bao hàm chủ yếu là văn hóa lãnh đạo, quản lý. Nó nằm ở mục tiêu, lý tưởng, kết quả lãnh đạo, giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, đem lại độc lập, tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN). Thực tế cho thấy, Đảng lãnh đạo quần chúng đấu tranh giữ chính quyền, xây dựng xã hội mới phát triển theo định hướng XHCN nên không cho phép hiện diện sự dốt nát, suy thoái, lộng quyền và xa dân... Thế nên việc thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để thực hiện dân quyền, dân chủ, dân sinh, nâng cao dân trí, hướng tới dân tin, dân phục, dân yêu chính là văn hóa trong Đảng.

leftcenterrightdel

Tác phẩm “Khúc tráng ca 1954” của họa sĩ Bùi Anh Hùng đoạt Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2020.

 

Trong một bài viết gần đây, Tiến sĩ Ngô Vương Anh nêu, theo nghĩa rộng, xây dựng văn hóa trong Đảng là xây dựng và nâng cao văn hóa lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và các đơn vị trong hệ thống chính trị và bao gồm cả nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có văn hóa-làm việc có văn hóa và sống có văn hóa, có tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống lành mạnh.

Để có văn hóa trong Đảng cần có nhiều yếu tố, nhưng không thể thiếu vai trò tiên phong của mỗi cán bộ, đảng viên về xây dựng và thực hành nếp sống văn hóa. Nói một cách ngắn gọn, để có văn hóa trong Đảng trước tiên phải có đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thực, trách nhiệm và trung thành. Ở đây, tôi xin tập trung bàn về phẩm chất trung thực của cán bộ, đảng viên, vấn đề có ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng đạo đức và rộng hơn là xây dựng văn hóa trong Đảng ở thời kỳ công nghệ số.

Trung thực và văn hóa trung thực

Theo các chuyên gia tâm lý, trung thực là một phẩm chất có ở mỗi người. Đó là sự ngay thẳng, thật thà, luôn nói lên sự thật, thành thực với chính mình, với mọi người, với công việc. Trung thực chính là tôn trọng lẽ phải, không dối trá từ lời nói đến hành vi. Có thể hiểu đơn giản người trung thực là người không biết nói dối, họ sẵn sàng dũng cảm nói lên sự thật và sẵn sàng nhận lỗi khi phạm sai lầm. Người có tính trung thực là người luôn sống và hành động theo chân lý, lẽ phải, không mưu cầu lợi lộc cho riêng mình.

Đối với một người bình thường, trung thực là một phẩm chất cần thiết của đạo đức, nhân cách, là điểm tựa để họ giải quyết hài hòa các mối quan hệ, để làm ăn, sinh sống, phát triển. Có thể nói, trung thực là một căn cứ quan trọng để xã hội đánh giá ai đó về phẩm chất đạo đức, uy tín trong tập thể và cộng đồng. Đại thi hào William Shakespeare từng nói: “No legacy is so rich as honesty” (tạm dịch: Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực).

Đối với một cán bộ, đảng viên, dù ở cương vị nào thì phẩm chất trung thực cũng rất quan trọng và tối cần thiết, được xem là trung tâm của các công việc, từ tham mưu thiết kế, xây dựng chủ trương, kế hoạch cho đến triển khai thực hiện rồi tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm... Trong tất cả công đoạn đó, cán bộ, đảng viên phải trung thực tuân thủ pháp luật, tuân thủ nguyên tắc, quy trình, quy phạm trong thu thập thông tin, trong sử dụng nguồn lực tài chính, huy động nhân lực triển khai... Phẩm chất trung thực của cán bộ, đảng viên được ví như gốc của cây, móng của một bức tường. Gốc vững, rễ sâu thì cây phát triển còn móng bị mối mọt, nứt vỡ thì tường không thể đứng vững theo thời gian. Cán bộ, đảng viên không chỉ trung thực, thành thật để được đứng trong hàng ngũ của Đảng; để cống hiến, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng mà còn trung thực cả trong thực thi Cương lĩnh chính trị, chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng; trung thực trong nhận nhiệm vụ, báo cáo về phương thức, kết quả thực hiện nhiệm vụ đó với Đảng, với cấp ủy. Trong trường hợp cụ thể, cán bộ, đảng viên còn phải trung thực cung cấp thông tin về các mối quan hệ, cũng như thu nhập, tài sản của mình và gia đình với tổ chức.

Đặc trưng nổi bật ở cán bộ, đảng viên hiện nay là những người có kiến thức, tri thức; có niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cao đẹp; có phẩm chất đạo đức trong sáng và xây dựng được nếp sống văn hóa. Họ thường công tác, làm việc trong lĩnh vực công, nơi mà văn hóa công sở, ý thức chấp hành quy định của Đảng, kỷ luật cơ quan, pháp luật được tôn trọng gần như tuyệt đối. Do đặc thù công việc, họ có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp xúc đến quyền, lợi ích của cá nhân, tập thể trong xã hội. Nên nếu không có tính trung thực dẫn đạo thì cán bộ, đảng viên dễ bị chủ nghĩa cá nhân và lòng tham lấn át dẫn đến những hành vi, như: Khai man học vấn, số liệu, vẽ ra tình huống, báo cáo láo, khen thưởng không đúng đối tượng. Thậm chí có trường hợp nhắm mắt làm liều, làm sai, bao biện... khiến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp không được thực hiện công bằng, khách quan. Cá biệt có trường hợp không trung thực, không xác định rõ trách nhiệm, tham ô, tham nhũng, câu kết đục khoét ngân sách nhà nước bằng các thủ đoạn tinh vi.

Vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố 7 nữ cán bộ thuộc Văn phòng giao dịch Quỹ phát triển phụ nữ huyện Hương Khê về tội “Tham ô tài sản”. Theo cơ quan điều tra, từ tháng 4-2021 đến tháng 4-2023, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thị Mai, 6 cán bộ tín dụng đã lập khống cho Mai 354 bộ hồ sơ vay vốn tại 10 xã trên địa bàn huyện Hương Khê, với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Số tiền rút ra từ việc lập khống, Mai sử dụng để trả các khoản vay đến hạn, kinh doanh bất động sản, đầu tư tiền ảo. Do kinh doanh thua lỗ, Mai không có khả năng trả lại tiền cho Quỹ phát triển phụ nữ huyện Hương Khê. Những hành vi, hành động như ví dụ vừa nêu là biểu hiện cụ thể của sự thiếu trung thực, phá vỡ đạo đức cách mạng và làm tổn hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín lãnh đạo của Đảng.

Xây dựng văn hóa trung thực trong kỷ nguyên số

Trong điều kiện đảng cầm quyền, chủ nghĩa cá nhân biến tướng dưới các hình thức khác nhau là kẻ thù của văn hóa trong Đảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình và kết quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì chủ nghĩa cá nhân nên sinh ra nhiều thứ bệnh, trong đó có hiện tượng “dối trên, lừa dưới”, giấu nhẹm thông tin hoặc đưa thông tin một chiều, thiếu trung thực, khách quan.

Hiện nay thế giới đương đại đang bước vào kỷ nguyên số, một thời kỳ truyền thông phát triển như vũ bão trên nền tảng của internet, mạng không dây và thiết bị thông minh. Thông tin xấu và tốt bùng nổ. Trước hoàn cảnh này, phẩm chất trung thực trong cán bộ, đảng viên càng cần thiết, cấp bách hơn và cần phát triển trở thành trung tâm trong mọi hành vi của cán bộ, đảng viên, nhằm đào thải thói xấu từ chủ nghĩa cá nhân sinh ra. Bởi thực tế cho thấy, một thông tin, một quyết định từ cán bộ, đảng viên đều được phổ quát sâu rộng, có ảnh hưởng ngay lập tức đến xã hội. Càng đề cao văn hóa trung thực trong mỗi thông tin, mỗi quyết định thì tính chính xác càng cao. Đây chính là cơ sở để củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Thế nên, xây dựng văn hóa trong Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần xây dựng văn hóa trung thực trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng mức các yếu kém để có biện pháp, phương thức khắc phục.

V.I. Lênin từng chỉ ra rằng: “Công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đã đẻ ra sai lầm, nghiên cứu cẩn thận những biện pháp để sửa chữa sai lầm ấy-đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc, đó là đảng làm tròn những nghĩa vụ của mình, đó là giáo dục và huấn luyện giai cấp, rồi đến quần chúng”(*). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.

Để xây dựng văn hóa trong Đảng thì cần trung thực và trách nhiệm thực hiện đúng nguyên tắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát là “Theo đúng đường lối nhân dân” và làm tốt 6 điều: Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo.

Đây cũng là cách thức tốt nhất để cán bộ, đảng viên thể hiện lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và với nhân dân; để Đảng mãi trường tồn, là văn hóa, văn minh.

(*) Lênin toàn tập, tập 41, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2005, tr.51.

Thượng tá, TS PHẠM DUY VỤ

Trưởng ban Nghiên cứu văn hóa học Quân sự,

Viện Khoa học xã hội và nhân văn Quân sự, Học viện Chính trị