Những tác động, ảnh hưởng

Ở Việt Nam, mỗi DTTS đều có những bản sắc văn hóa rất riêng, phong phú và đa dạng, biểu hiện sinh động trong hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, như: Kiến trúc nhà, các loại nhạc cụ, vật dụng sinh hoạt, văn học-nghệ thuật, luật tục, tín ngưỡng... Nếu như cồng, chiêng, nhà rông, nhà dài, trường ca là đặc trưng văn hóa của DTTS Tây Nguyên thì hát lượn, hát then, múa sư tử mèo, xòe, múa khèn... lại là đặc trưng văn hóa của đồng bào DTTS ở phía Bắc. Những đặc trưng văn hóa ấy mang lại sự độc đáo, khác biệt và làm cho giá trị văn hóa Việt Nam thêm phong phú, giàu bản sắc. 

leftcenterrightdel

Nét đẹp văn hóa dân tộc thiểu số được phô diễn tại Hội thi múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: LÊ THOA 

Tuy nhiên, trong thời hiện đại, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa DTTS còn nhiều bất cập. Nhiều lễ hội của đồng bào DTTS có nguy cơ mai một. Điển hình như Tết Nào Pê Chầu (Tết cổ truyền, đồng thời là lễ hội truyền thống độc đáo của người Mông ở vùng Tây Bắc); Đại Phan, lễ hội đặc sắc nhất của dân tộc Sán Dìu; hay như ở tỉnh Điện Biên, các lễ Nhảy lửa của người Dao (huyện Tủa Chùa), lễ Cầu mùa của người Si La (huyện Mường Nhé), lễ cưới của người Xạ Phang (huyện Mường Chà)... đang có nguy cơ mai một. Hiện tượng này xuất phát từ sự thay đổi về cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và dịch vụ khiến quy trình sản xuất theo nông lịch nương rẫy thay đổi, kéo theo là hiện tượng lễ nghi truyền thống gắn liền với nông lịch thiết lập bao đời cũng mất đi. Cùng với đó, cơ chế kinh tế thị trường đã phần nào làm cho cấu trúc của văn hóa truyền thống bị phá vỡ, sự đa dạng văn hóa tộc người bị mai một, khiến văn hóa của đồng bào DTTS đang đứng trước những thử thách lớn.

Mặt khác, do đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS còn nghèo và khó khăn, trình độ dân trí thấp nên việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống trở thành thứ yếu. Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, chỉ có hơn 70% số xã đông đồng bào DTTS có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Tỷ lệ có nhà văn hóa ở khu vực biên giới thấp hơn các khu vực khác khiến đồng bào thiếu nơi sinh hoạt văn hóa. Không gian văn hóa bị tác động, xáo trộn bởi làn sóng di dân. Việc quy hoạch các công trường, nông trường, lâm trường cùng với việc tuyển dụng hàng loạt lao động từ mọi nơi vào xây dựng vùng kinh tế mới khiến rừng bị thu hẹp. Sự giao thoa văn hóa từ nhiều miền dịch chuyển về địa phương đồng bào DTTS sinh sống dẫn đến xung đột văn hóa. Tiếp đó, sự tiếp thu văn hóa nghe nhìn trên phương tiện thông tin đại chúng không có chọn lọc cũng là một tác nhân khiến môi trường văn hóa dân gian có nguy cơ mai một. Ngoài ra, việc di chuyển đến nơi định cư mới để nhường chỗ cho những dự án công trình thủy điện cũng gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa của các dân tộc.

Đặc biệt, sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thực dụng đã đưa lớp thanh niên DTTS tiếp cận nhanh chóng những trào lưu mới, với lối sống hưởng thụ, xa rời phong tục, tập quán truyền thống. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, mạng xã hội không lành mạnh dẫn đến thế hệ trẻ ít quan tâm tới việc bảo tồn các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, các loại nhạc cụ, làn điệu dân ca... Các lễ hội văn hóa truyền thống ngày càng bị thương mại hóa, thiếu vắng sự sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Các tác phẩm văn hóa, văn học truyền thống, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ngày càng bị mai một.

Thực tế cho thấy, lực lượng nghệ nhân dân gian ngày càng thiếu vắng. Người lớn tuổi am hiểu về văn hóa dân gian mất dần. Những giá trị nghệ thuật ít được ghi chép, truyền dạy cho các thế hệ sau. Công tác dạy lại thiếu tính hệ thống. Hoạt động thiết chế vùng đồng bào DTTS còn hạn chế. Vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tổ chức các lễ hội hằng năm ngày càng thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên môn về công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến di sản văn hóa còn hạn chế, nhất là ở cơ sở. Khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng thành thị và nông thôn còn chênh lệch rất lớn. Cơ sở vật chất, sản phẩm, phương tiện văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn thiếu và lạc hậu...

Cần có giải pháp tổng thể

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Nhận rõ những tác động, ảnh hưởng có nguy cơ làm mất giá trị văn hóa đồng bào DTTS, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cơ quan quản lý văn hóa các cấp và chính quyền các địa phương cần phối hợp xây dựng hệ thống thiết chế và đầu tư cơ sở vật chất văn hóa ở nơi đồng bào DTTS sinh sống, qua đó bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Để thực hiện mục tiêu này cần có các giải pháp tổng thể.

Trước hết, các địa phương cần điều tra tình trạng bảo tồn văn hóa các DTTS, xây dựng kế hoạch bảo tồn tổng thể, trong đó xác định rõ lựa chọn những loại hình văn hóa đặc trưng, đặc sắc để có biện pháp bảo tồn và phát triển. Cần ưu tiên xây dựng chiến lược tổng thể về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS đặc sắc của quốc gia, từ đó có định hướng, làm căn cứ cho hoạch định và thực hiện. Nhà nước cần bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng DTTS; đồng thời huy động cá nhân, tổ chức có điều kiện tham gia tích cực vào hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa DTTS.

Tiếp đó, cần gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát triển văn hóa DTTS. Hiện nay, nhiều địa phương cùng khai thác một loại hình văn hóa đồng bào DTTS để làm du lịch, trong đó một số địa phương có cách làm hay, sáng tạo về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa DTTS. Do vậy, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần nghiên cứu, lựa chọn mô hình thích hợp để triển khai phù hợp với đặc thù từng địa phương. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên để công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào DTTS được hiệu quả.

Hiện nay, một trong những vấn đề khiến văn hóa DTTS dễ bị mai một là sự tác động của không gian mạng. Đặc biệt, những clip, video phản cảm, phi văn hóa về DTTS trên mạng xã hội đang hằng ngày, hằng giờ tác động vào nhận thức người dân, khiến cho góc nhìn, sự hiểu biết về văn hóa DTTS chưa toàn diện, lệch lạc, cá biệt có biểu hiện miệt thị. Để chấm dứt hiện tượng này, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực không gian mạng cần có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng các chế tài và thực thi nghiêm minh việc xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần phối hợp, nghiên cứu xây dựng thông tư liên tịch, quy định rõ chứng chỉ hành nghề đối với người quản lý, sử dụng các tài khoản mạng xã hội với chế tài nghiêm khắc hơn. Kiên quyết xử lý những trường hợp xúc phạm, kỳ thị, xuyên tạc văn hóa đồng bào DTTS. Bên cạnh những giải pháp trên, cần phải xây dựng các phần mềm để thống kê, phát hiện, ngăn chặn những clip, video độc hại, giúp môi trường không gian mạng trong sạch, lành mạnh. Mặt khác, cũng cần đẩy mạnh phong trào xây dựng và thực hành tiêu chí văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Gia đình và nhà trường cần quan tâm việc trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, giáo dục cách thức tự bảo vệ văn hóa và ứng xử văn hóa trên không gian mạng cho học sinh. Đây là những giải pháp lâu dài, nhằm nâng cao dân trí toàn diện, tạo ra bộ lọc, từ đó xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các DTTS luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Trong bối cảnh hiện nay, đứng trước sự phát triển của thời đại, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm, đầu tư nguồn lực thỏa đáng để tiếp tục thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS.

TS BÀN TUẤN NĂNG