Hồ Chí Minh đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin bằng hai bàn tay trắng cùng khát khao yêu nước cháy bỏng, quyết giành “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Người đã trải qua những tháng ngày làm thuê cùng cực ở nhiều nước, đã hòa vào đời sống thợ thuyền để nuôi dưỡng khát vọng ấy. Ý chí ấy đã thôi thúc Người tìm được con đường giành độc lập, tự do. Rồi Người đã truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước, tập hợp công nhân, nông dân, trí thức... để thổi bùng ngọn lửa đấu tranh, xây dựng phong trào cách mạng bất chấp sự đàn áp dã man của thực dân, phong kiến.
Nhiều học giả trong và ngoài nước từng đánh giá, nổi bật ở Hồ Chí Minh chính là sự kết tinh truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại. Thực tế cho thấy, những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho hậu thế không chỉ giới hạn về tư tưởng bình đẳng, bác ái, độc lập, tự do, xây dựng Đảng, nhà nước pháp quyền, xây dựng đoàn kết dân tộc, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa với những tiêu chí phù hợp với xã hội văn minh... mà cao hơn tất cả đó là văn hóa dâng hiến.
|
|
Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh trưng bày, giới thiệu sách về Bác Hồ. Ảnh: LÊ TÙNG
|
Sinh thời, Bác sống rất giản dị, từ ăn, mặc, ở cho đến mọi sinh hoạt hằng ngày. Ngay khi đã là Chủ tịch nước, Bác luôn nêu tấm gương vô cùng mẫu mực về đạo đức cách mạng, vì dân, vì nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn vẹn cả cuộc đời 79 mùa xuân tươi đẹp của mình cho sự nghiệp giải phóng, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Văn hóa cống hiến, hy sinh của Người như sợi chỉ hồng lấp lánh soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam.
Xét trong lĩnh vực văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần và bản lĩnh “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục” mà trong đó nổi bật nhất là sự cống hiến, hy sinh vì dân, vì nước đạt đến hoàn thiện. Người đã để lại cho hậu thế những tác phẩm chính luận, báo chí, văn nghệ nổi bật về tư tưởng, tính nhân văn và nghệ thuật, mà trong đó cao nhất là tinh thần cống hiến, hy sinh. Đó là các tác phẩm bằng tiếng Pháp: “Bản án chế độ thực dân Pháp”, các truyện ngắn đăng trên báo “Người cùng khổ”, tiếp đó là “Đường Kách mệnh”, “Nhật ký chìm tàu”. Đặc biệt là tập thơ “Nhật ký trong tù” và hai áng hùng văn “Tuyên ngôn Độc lập”, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã trở thành bất hủ.
Trong bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh có tên: Ôxíp Manđenxtam (Osip Emilyevich Mandelstam): “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản-Nguyễn Ái Quốc”, Tạp chí Ogoniok, số 39, ngày 23-12-1923, tôi đặc biệt ấn tượng với những gì mà nhà thơ, nhà báo Nga Osip E. Mandelstam thuật lại và nhận xét mang tính dự báo trong cuộc gặp gỡ với Người tại Liên Xô như sau: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.
Trước đây cũng như hiện nay, văn hóa Hồ Chí Minh lan tỏa đến nhân loại không chỉ có ở trong những bức ảnh, những lời phát biểu, những bài viết, những bài thơ dễ hiểu, dễ nhớ, đầy triết lý đạo đức, nhân sinh của Người, hoặc những đánh giá khái quát cao của các chính khách quốc tế về Người mà còn qua các tác phẩm âm nhạc.
Ở trong nước, nhân dân được tiếp cận và mến mộ tác phẩm âm nhạc ca ngợi Bác như những ca khúc: “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Người là niềm tin tất thắng”, “Bài ca dâng Bác”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Vào Lăng viếng Bác”, “Thăm bến Nhà Rồng”, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng”... Tuy nhiên, có một ca khúc của người nước ngoài sáng tác về Bác kính yêu lay động con tim nhân loại, nuôi dưỡng cảm hứng đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do đạt đến tầm chân lý đã ra đời từ năm 1954. Âm hưởng và lời bài hát như làn gió mát tươi mới trên những cánh đồng Đông Dương trù phú thẳng cánh cò bay, đưa văn hóa Hồ Chí Minh đến với nhân loại và nuôi dưỡng nguồn cảm hứng hy sinh, cống hiến bất tận của mỗi người Việt.
Được tin quân Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ, nhạc sĩ, chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình người Anh, Ewan MacColl (1915-1989) đã sáng tác nhạc phẩm “The ballad of Ho Chi Minh” (tên tiếng Việt là Bài ca Hồ Chí Minh) dựa trên âm hưởng làn điệu dân ca cổ Saxon của nước Anh để nói hộ tình cảm, sự mến mộ và ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Bài hát nhanh chóng được lưu truyền, được dịch ra nhiều thứ tiếng và lan ra khắp thế giới với niềm cảm hứng bất tận. Trong đêm khai mạc Đại hội liên hoan quốc tế ca hát phản kháng chiến tranh tại La Habana, Cuba năm 1967, Ewan MacColl đã biểu diễn bài hát này cùng nữ nghệ sĩ Peggy Seeger, người bạn đời của ông. Cũng tại đây, MacColl đã dạy ca sĩ Quang Hưng hát ca khúc này bằng tiếng Anh. Trong bản nhạc "The ballad of Ho Chi Minh" tặng Quang Hưng, MacColl còn ghi ngoài bìa mấy câu thơ tạm dịch là: “Trên đời có những vật không thể thay đổi/ Có những con chim không khuất phục bao giờ/ Có những tên người sống mãi với thời gian/ Hồ Chí Minh”.
Tiếp đó, nhạc sĩ Phú Ân đã mất một tháng để chuyển thể bản gốc tiếng Anh của ca khúc “The ballad of Ho Chi Minh” sang lời Việt. Lần đầu tiên ca khúc lời Việt “Bài ca Hồ Chí Minh” vang lên trong nước là ở Nhà hát Lớn Hà Nội đúng sinh nhật Bác năm 1967 và do nghệ sĩ Quang Hưng thể hiện. Lời ca khúc bằng tiếng Việt cũng rạo rực, khiến con tim sục sôi bừng cháy: “Miền Biển Đông xa người đi khắp phương trời/ Ở nơi xa đó người dân đói nghèo/ Từ đau thương người đi khắp năm châu/ Lòng tin mặt trời chân lý sáng soi/ Rọi chiếu sáng dân mình/ Hồ Hồ Hồ Chí Minh/ Hồ Hồ Hồ Chí Minh/ Hồ Hồ Hồ Chí Minh”....
Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các nhà báo nước ngoài đã phỏng vấn Bác. Họ hỏi Bác về rất nhiều điều, cả lý do và ý định của Bác khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước. Bác đã trả lời họ và nội dung ấy được đăng trên Báo Cứu quốc ngày 21-1-1946: “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi".
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mặt trái của kinh tế thị trường đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến văn hóa cống hiến. Sự sùng ái vật chất thái quá và những lỗ hổng vô hình trong các mối quan hệ chằng chịt, khiến chủ nghĩa cá nhân được dịp lộng hành.
Chủ trương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể là ai” đang được thực hiện quyết liệt thời gian gần đây như các "liều thuốc kháng sinh” đánh bật những con virus độc hại, nhất là mọi biểu hiện lộng quyền, lạm quyền, tham nhũng chính sách, tham nhũng cơ chế và chạy chức chạy quyền của đội ngũ “công bộc”. Đây cũng là hành động thiết thực thực hiện lời dạy của Người: "Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính" (theo "Hồ Chí Minh toàn tập", Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, Tập 5, tr.301). Những động thái tích cực đó là những “đòn đánh” đập tan “giặc nội xâm” và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để hướng tới xây dựng một Việt Nam hùng cường.
Cùng với việc này, Đảng ta đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và được đông đảo tầng lớp nhân dân đón nhận. Đây chính là biện pháp để tinh thần cống hiến mà Người đặt nền móng thêm lan tỏa, thấm sâu trong các thế hệ, tạo ra nền tảng vững chắc. Với mỗi người chúng ta, dù ở vị trí nào trong xã hội, dù bao nhiêu tuổi và già hay trẻ thì việc học tập tinh thần cống hiến của Bác Hồ kính yêu vẫn phải thường trực trong mỗi công việc, trong các mối quan hệ, như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Sinh nhật Bác Hồ kính yêu là một lần để chúng ta nghĩ về Người; nhìn vào những cống hiến, hy sinh của Người để nuôi dưỡng tâm hồn, nguồn cảm hứng cống hiến bất tận, qua đó để làm nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
PGS, TS PHẠM LAN OANH