Các nghiên cứu về lịch sử, văn hóa đều cho rằng, sự đứng vững, phát triển của văn hóa dân tộc trong trường thiên lịch sử của nước ta là bởi sự bền vững, gắn kết của văn hóa gia đình, dòng họ, làng xã... Việc lựa chọn, phát triển các giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình, dòng họ trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề rất quan trọng. Các gia đình, dòng họ là nhân tố tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo dòng chảy của lịch sử, cùng với các dòng họ trong đại gia đình Việt Nam, họ Lưu đã có những đóng góp tích cực đối với quá trình xây dựng, phát triển đất nước.

Vai trò của Thái sư Lưu Cơ trong lịch sử

Theo sử sách ghi lại, họ Lưu ở Việt Nam (Lưu tộc Việt Nam) có 6 vị khai quốc công thần được lưu danh, đó là Thái sư Lưu Cơ (Ninh Bình), Thái úy Lưu Khánh Đàm, Thái phó Lưu Ngữ, Thái phó Lưu Điều (Thái Bình) và Tể tướng Lưu Nhân Chú, Đại tướng quân Lưu Trung (Thái Nguyên). Ngoài ra, Lưu tộc Việt Nam còn có 27 vị Cao tổ đỗ trạng nguyên, tiến sĩ (TS) khoa bảng, trong đó 14 TS được lưu danh trên bia đá tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Trong các vị khai quốc công thần, điển hình là Thái sư Lưu Cơ-vị quan đầu triều trông coi hình án, kiêm chức Thái sư Đô hộ phủ cai quản toàn bộ Giao Châu và đóng phủ đường ở Đại La trong gần 40 năm (từ năm 971 đến năm 1010). Thái sư Lưu Cơ làm quan trong 3 triều đại phong kiến là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Quá trình cai quản thành Đại La, Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ đã cho cải tạo, xây dựng lại thành Đại La trở thành một tòa thành mang bản sắc Đại Việt với sự kiên cố, vững mạnh, là điều kiện tiên quyết giúp Lý Công Uẩn thực hiện công cuộc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Tòa thành Đại La trở thành Kinh đô Thăng Long vào tháng 7-1010 có công lao to lớn của Thái sư Lưu Cơ.

Ngày 15-5-2022, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Vai trò của Thái sư Lưu Cơ trong lịch sử" tại Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội. Hội thảo khẳng định công lao của Thái sư Lưu Cơ là bậc khai quốc công thần thời nhà Đinh, cai quản thành Đại La-An Nam Đô hộ phủ suốt 40 năm. Thái sư Lưu Cơ đã cho làm cổng thành Đại La xoay về hướng phương Nam để vừa chầu về Kinh đô Hoa Lư, vừa thể hiện tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài. Hội thảo làm sáng rõ hơn công lao và sự đóng góp của Thái sư Lưu Cơ trong lịch sử, được giới sử học và các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao. Hiện nay, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam đang đề nghị với các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét việc đặt tên đường phố, trường học Lưu Cơ ở Hà Nội; tổ chức các hình thức vinh danh Thái sư Lưu Cơ tại Hoàng thành Thăng Long và một số địa phương trong cả nước.

leftcenterrightdel

 Thượng cờ thần Lưu tộc tại Đoan Môn, Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. 

Kết nối dòng họ để giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng đất nước

Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cố vấn cấp cao Hội đồng Lưu tộc Việt Nam thì việc tổ chức, kết nối dòng họ không chỉ đơn thuần hướng tới tập hợp và đoàn kết những người cùng họ, mà thông qua hoạt động ấy phải mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, xã hội; bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước thông qua hoạt động của dòng họ; tham gia tích cực vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển kinh tế, qua đó để nhân dân ấm no, gia đình hạnh phúc, đất nước ngày càng phồn thịnh.

Thực tế những năm qua, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam đã xây dựng, kiện toàn tổ chức với đội ngũ nhân sự nhiệt huyết vì dòng họ; triển khai nội dung, hình thức hoạt động khoa học, thiết thực, hiệu quả. Thông qua đó, hoạt động của Hội đồng Lưu tộc Việt Nam đã thu được những kết quả đáng khích lệ, kết nối và phát triển dòng họ bền vững. Các chi họ Lưu trong cả nước tích cực ủng hộ, tham gia tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để bồi đắp cho các thành viên tình yêu và lẽ sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Theo đó, công tác khuyến học, khuyến tài được đặc biệt quan tâm thông qua các việc hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo; vinh danh các học sinh giỏi, những tài năng giành giải thưởng cao trong các kỳ học sinh giỏi trong nước và quốc tế. Định kỳ hai năm một lần, vào Ngày Quốc khánh 2-9 hằng năm, Lễ vinh danh tài năng Lưu tộc được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Công tác từ thiện xã hội cũng ghi nhận sự chung tay, tích cực tham gia của nhiều bà con họ Lưu. Tiêu biểu như tấm lòng của anh Lưu Quốc Dũng, Việt kiều tại Mỹ đã hỗ trợ, giúp đỡ hai cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Hiện nay, Câu lạc bộ Doanh nhân Lưu tộc Việt Nam với sự tham gia của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp lớn với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng đang hoạt động hiệu quả với mong muốn tạo nhiều việc làm cho người lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước; đồng thời tạo nên nền tảng, động lực cho việc gắn kết, phát triển các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp của bà con họ Lưu nói riêng đang đầu tư, làm ăn phát triển kinh tế trong và ngoài nước. Cùng với đó, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam cũng rất chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu về lịch sử, văn hóa; tu sửa các di tích, đình, đền thờ tự các Cao tổ Lưu tộc; tham dự lễ hội chi họ ở các địa phương; thăm hỏi, tặng quà các bậc cao niên và các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Thông qua các hoạt động này đã vun đắp tinh thần gắn kết bền chặt của bà con họ Lưu với hơn 500 chi họ trên khắp cả nước, được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Hướng về cội nguồn-kiến tạo tương lai

Tiếp tục kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa và những việc làm tốt đẹp đối với xã hội của dòng họ, từ ngày 13 đến 14-5-2023, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2023-2028 tại quận Ba Đình, TP Hà Nội-địa danh lịch sử mang đậm dấu ấn của Thái sư Lưu Cơ; đồng thời tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội đồng Lưu tộc Việt Nam; vinh danh, biểu dương những cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động của Lưu tộc Việt Nam như: TS Lưu Văn Thành; TS Lưu Tất Thắng; TS Lưu Bình Nhưỡng; Thiếu tướng, TS Lưu Sỹ Quý; Đại tá Lưu Trung Thái... và rất nhiều cá nhân, doanh nhân tiêu biểu khác đã đóng góp tích cực về tinh thần, vật chất cho hoạt động của Lưu tộc Việt Nam và cộng đồng xã hội.

leftcenterrightdel

Quang cảnh núi và đền Đồng Cổ (thôn Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá)-nơi cội nguồn của họ Lưu Việt Nam. 

Trước đó, Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2013-2018 được tổ chức ngày 19-4-2013 tại xã Canh Tân (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Đây là vùng đất Vua Lê Đại Hành ban cho Thái Bảo Lưu Ngữ, người cha thân sinh ra hai con trai là Thái úy Lưu Khánh Đàm và Thái phó Lưu Điều. Cả 3 cha con đều là quan đại thần, tướng tài “đánh Tống, bình Chiêm” có công chấn hưng Vương triều nhà Lý. Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2018-2023 được tổ chức vào năm 2018 tại xã Văn Yên (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Nơi đây có đền Lưu Nhân Chú tại Khu di tích lịch sử Núi Văn-Núi Võ, là vùng đất có dòng họ Lưu của Tể tướng, Thượng tướng quân Lưu Nhân Chú. Dòng họ có 4 đời làm quan Phiên trấn thế tập, cai quản vùng đất phía Bắc thành Thăng Long thời vua Trần Anh Tông.

TS Lưu Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Lưu tộc Việt Nam cho biết: Đại hội đại biểu toàn quốc Lưu tộc Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2023-2028 xác định mục tiêu cơ bản là: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối Lưu tộc đến các địa phương, củng cố khối đại đoàn kết Lưu tộc Việt Nam trong đại gia đình các dân tộc, dòng họ ở Việt Nam; "hướng về cội nguồn-kiến tạo tương lai" làm cho Lưu tộc, quê hương, đất nước ngày càng vững mạnh. Trong nhiệm kỳ III, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam chủ trương củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, đề cao tinh thần báo hiếu, tri ân tổ tiên, các bậc tiền nhân và cống hiến cho đất nước.

Có thể nhận thấy, việc phát huy tinh thần đoàn kết, tạo thành sức mạnh của đại gia đình các dân tộc Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong quá khứ, hiện tại, tương lai thì các dòng họ luôn đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong chiều dài lịch sử ấy, các dòng họ nói chung và họ Lưu nói riêng đã có nhiều hoạt động, đóng góp thiết thực đối với cộng đồng, xã hội, đất nước. Đó là một trong những nhân tố quan trọng để bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và là động lực của sự nghiệp dựng xây, phát triển đất nước.

Bài và ảnh: LƯU ĐOÀN