Tôi có cháu ruột tên là Nguyễn Hữu Vy đang làm công nhân ở Khu công nghiệp (KCN) VSIP tại TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh gần 5 năm nay. Hiện cháu vẫn phải thuê phòng trọ, cách nơi làm việc khoảng 3km. Cháu tâm sự với tôi rằng, phần đa công nhân tỉnh lẻ giống cháu, đều thèm được một cái sân bóng đá mini, một sân bóng chuyền đúng nghĩa, để rèn luyện sức khỏe, giải tỏa tâm lý căng thẳng sau giờ làm việc. Để đáp ứng nhu cầu chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe, cháu và các công nhân đã tận dụng khoảng sân rất nhỏ hẹp trong ngõ để chơi bóng chuyền.
Qua kết quả khảo sát của nhiều chuyên gia về lĩnh vực văn hóa, thể thao các địa phương, tôi thấy tình trạng công nhân “đói văn hóa, đói thể thao” diễn ra khá phổ biến. Ngay cả những địa phương có thời gian phát triển KCN, khu chế xuất (KCX) dài từ 10 đến gần 30 năm như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Biên Hòa (Đồng Nai) thì tình trạng "đói" văn hóa, thể thao của công nhân là rất rõ ràng. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh gần đây, hiện địa phương này chỉ có 9/17 KCN, KCX có trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao cho công nhân, chiếm chưa đến 60%. Trong số này, chỉ có 1 trung tâm sinh hoạt thể thao tại KCX Tân Thuận là hoạt động thường xuyên. Những cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao ở các KCN, KCX của TP Hồ Chí Minh không đáp ứng đủ nhu cầu của hàng nghìn công nhân. Còn ở một số tỉnh phía Bắc, nơi có nhiều KCN như Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang... tình trạng này cũng không có gì khả quan hơn.
|
|
Hoạt động văn hóa, văn nghệ luôn được PV GAS quan tâm tổ chức cho công nhân, người lao động. Ảnh: VŨ XUÂN
|
Thực tế một số KCN, KCX chưa thực sự quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần, văn hóa cho công nhân, ngay nơi ở vốn gọi tên là ký túc xá cho công nhân cũng rất thiếu thốn. Đa phần công nhân ở trọ tại các khu dân cư với mật độ cao. Việc thiếu các thiết chế văn hóa khiến họ ít có điều kiện, cơ hội để giao lưu, nâng cao sức khỏe, thưởng thức các loại hình văn hóa để bồi đắp tinh thần. Đời sống văn hóa, tinh thần của một bộ phận công nhân Việt Nam nghèo nàn mà lý do chính là do thiếu thiết chế văn hóa cơ bản.
Qua số liệu điều tra của ngành văn hóa nước ta mới được công bố, thực trạng thiết chế văn hóa nghèo nàn đang là một trong những nguyên nhân gây ra tệ nạn xã hội, làm gia tăng các vụ mất an ninh trật tự, phạm pháp, lối sống thiếu lành mạnh trong công nhân, vướng vào không ít tệ nạn xã hội. Đã có những vụ án đau lòng xuất phát từ xóm trọ của công nhân như cướp của, hiếp dâm, giết người... Đáng lo ngại hơn, ở một số địa phương xuất hiện tội phạm ma túy tìm cách tiếp cận, lôi kéo công nhân, người lao động mua bán, sử dụng ma túy. Internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ cũng tác động đến công nhân thông qua những thông tin độc hại, thiếu định hướng. Hiện có 60% công nhân ở các KCN không xem ti vi, nghe đài; 85% không đọc sách, báo; 80% không tập thể dục, thể thao thường xuyên; 65% không tham gia vào các hoạt động văn nghệ quần chúng.
Công nhân là lực lượng lao động trực tiếp thúc đẩy sản xuất, mang lại giá trị cho các ngành công nghiệp, đóng góp nhiều vào tổng sản phẩm trong nước (GDP), góp phần quan trọng vào thành tựu trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước. Thực tế, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương chăm lo đời sống vật chất, tinh thần công nhân. Ở khía cạnh văn hóa, thể thao, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định, mục tiêu đến năm 2020, 100% KCN, KCX có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động. Nội dung quy hoạch cũng yêu cầu, tối thiểu 30% KCN, KCX đã hoạt động xây dựng được trung tâm văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động. Tuy nhiên, việc này dường như chưa được quan tâm đúng mức.
Để biến chủ trương của Nhà nước thành hiện thực, thiết thực nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, cùng với việc tiếp tục thực hiện các chủ trương, định hướng, quy hoạch, đề án của Trung ương về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, chính quyền các địa phương cần phối hợp tổ chức điều tra, nghiên cứu, nắm chắc số lượng công nhân ở trọ trong các khu dân cư, qua đó quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa; coi đối tượng công nhân ở trọ tại địa phương là đối tượng quản lý, phục vụ giống như với người dân sở tại. Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để huy động nguồn ngân sách đầu tư; đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội để xây dựng thiết chế văn hóa mới cho công nhân; ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí để xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí cho công nhân KCN, KCX. Đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân; tạo điều kiện thuận lợi để công nhân có thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí.
Bên cạnh đó, ngành văn hóa, thể thao các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với tổ chức đoàn trên địa bàn để tổ chức nhiều chương trình hoạt động mang tính văn hóa, nhân văn, cống hiến vì cộng đồng. Trong đó mở rộng phạm vi đối tượng hoạt động là công nhân tạm trú trên địa bàn để tập hợp, bồi dưỡng lý tưởng, niềm tin cho công nhân, giúp họ tránh xa tệ nạn xã hội. Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng Dự án “Tăng cường phòng, chống ma túy cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” giai đoạn 2021-2025. Từ dự án này, cả nước đã có 2.606 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, với gần 201.000 công nhân, lao động tham gia. Đây chính là cơ sở quan trọng giúp các tổ chức đoàn thể chính trị địa phương, đặc biệt tổ chức đoàn tập hợp thanh niên-công nhân để hướng họ tới các phong trào rộng lớn, ý nghĩa của Đoàn.
John Marwood Cleese, nhà văn, nhà sản xuất phim người Anh từng nói: “Nếu bạn muốn lao động sáng tạo, hãy cho họ đủ thời gian để chơi”. Còn Bill Gates, tỷ phú nổi tiếng người Mỹ thì khái quát: “Tầm nhìn thực sự là trao quyền cho người lao động, cung cấp cho họ tất cả thông tin về những gì đang xảy ra để họ có thể làm được nhiều hơn những gì họ đã làm trong quá khứ”. Cả hai khái quát trên đều hướng tới mục tiêu là chăm lo cho người lao động nói chung, công nhân nói riêng để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo, qua đó giải phóng sức lao động, cho năng suất và hiệu quả cao hơn. Hy vọng thời gian tới, các thiết chế văn hóa cho công nhân được quan tâm đầu tư xây dựng nhiều hơn. Giá trị và ý nghĩa nhân văn mà các thiết chế văn hóa mang lại cho công nhân hứa hẹn giúp Việt Nam có nguồn lực lao động tốt để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.
PHƯƠNG HÀ